'Cho 1 hãng hàng không sử dụng nhà ga, không lẽ chẹt cửa các hãng khác?'
“Một nhà ga đến thủ đô phải mở rộng cho các hãng hàng không khác nhau cùng sử dụng trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch. Đưa cho một hãng hàng không có nguy cơ không cho các hãng hàng không khác sử dụng một cách bình đẳng, chúng ta chẹt cửa các hãng khác sao?”- TS. Lê Đăng Doanh.
Nội dung nổi bật:
- Với nhu cầu đi lại bằng hàng không tăng lên, quyền khai thác/sở hữu nhà ga là một trong những khả năng kinh doanh béo bở, từ việc cho thuê, sử dụng nhà ga, đến việc cho thuê dịch vụ ở nhà ga đó, kết nối với các phương tiện giao thông khác...
- Nếu chỉ có nhượng quyền sử dụng thì trong một thời hạn nhất định, tức là không có quyền sở hữu, và không thể thay đổi được các cấu trúc, chức năng của nhà ga. Nhưng mua lại thì họ có thể có khả năng.
- “Một nhà ga đến thủ đô phải mở rộng cho các hãng hàng không cùng sử dụng. Đưa cho một hãng hàng không không cho các hãng hàng không khác sử dụng, chúng ta lại chẹt cửa các hãng khác sao?” "Nếu như mua được nhà ga T1, người ta hoàn toàn có thể đề nghị mua nhà ga T2"...
Tháng 2 vừa qua, CTCP Hàng không VietJet có đề xuất khá táo bạo - xin Bộ Giao thông Vận tải được nhượng quyền khai thác toàn bộ Nhà ga hành khách T1 – Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Với đề xuất này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã đưa ra quyết định xem xét áp dụng thí điểm và trước mắt chỉ nhượng quyền khai thác sảnh E của nhà ga này.
Mới đây, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng có văn bản liên quan đến việc sử dụng Nhà ga T1. Nhưng, thay vì đề xuất chỉ nhượng quyền khai thác như VietJet, Vietnam Airlines đề xuất mua lại nhà ga T1 để quản lý điều hành và sử dụng phục vụ cho hành khách, chuyến bay của Vietnam Airlines đi/đến (quốc nội) sân bay Nội Bài.
Chia sẻ quanh câu chuyện này, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng với ý tưởng của Vietnam Airlines, ông hoan nghênh, nhưng ông “dè dặt đối với việc giao cơ sở hạ tầng cho 1 doanh nghiệp để độc quyền sử dụng và thấy cần phải có khung pháp lý đầy đủ trước khi có thể tiến hành”.
Tôi dè dặt với việc giao cơ sở hạ tầng cho 1 DN độc quyền sử dụng
* Vietnam Airlines vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề xuất được mua Nhà ga T1 – nhà ga quốc nội duy nhất của Hà Nội tính đến thời điểm hiện tại. Xin ông chia sẻ ý kiến của mình về động thái này của Vietnam Airlines?
TS. Lê Đăng Doanh: Hiện chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải là muốn huy động thêm vốn cho việc xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng về giao thông vận tải khác. Cho nên, Bộ muốn nhượng lại quyền sử dụng hoặc bán lại nhà ga Phú Quốc, đầu tiên là sảnh E Nhà ga T1, giờ lại có ý kiến là toàn bộ Nhà ga T1.
Tôi nghĩ đây là những diễn biến rất mới và cần phải có một khung pháp lý đầy đủ, rõ ràng để có thể xử lý các khía cạnh về đánh giá, giám sát, xử lý các vấn đề về lợi ích khác nhau của nhà đầu tư, các hãng hàng không sẽ sử dụng sân bay, người tiêu dùng v.v..
Nhà ga hàng không hiện có nhiều hãng cùng sử dụng, mà rất có thể trong tương lai có thêm các hãng mới chứ không chỉ có các hãng hiện nay. Vì vậy, chúng ta cần có một quy định pháp luật để cho các nhà ga sẽ được mở cho tất cả các bên liên quan chứ không nên chỉ bán cho một bên, rồi bên ấy chỉ sử dụng độc quyền cho hãng hàng không của mình.
Theo tôi, phải có một khung pháp lý và phải xem xét việc đánh giá thế nào, giá bao nhiêu, rồi kiểm toán, công ty đánh giá độc lập, hội đồng xét duyệt... và toàn bộ quy trình đó rất phức tạp.
Cho nên, ý tưởng đó tôi hoan nghênh nhưng tôi dè dặt đối với việc giao cơ sở hạ tầng cho 1 doanh nghiệp để độc quyền sử dụng và thấy cần phải có khung pháp lý đầy đủ trước khi chúng ta có thể tiến hành.
Một nhà ga đến thủ đô phải mở rộng cho các hãng hàng không cùng sử dụng. Đưa cho một hãng hàng không không cho các hãng hàng không khác sử dụng, chúng ta lại chẹt cửa các hãng khác sao?
* Phương án nhượng quyền khai thác của VietJet và phương án mua đứt và sử dụng độc quyền của Vietnam Airlines khác nhau thế nào, xin ông giải thích rõ hơn. Các phương án này có ảnh hưởng đến an ninh hàng không hay không?
Cái đó cần được xem xét vào các đề án rất rõ ràng.
Nếu chỉ có nhượng quyền sử dụng thì trong một thời hạn nhất định, tức là không có quyền sở hữu, và không thể thay đổi được các cấu trúc, chức năng của nhà ga. Nhưng mua lại thì họ có thể có khả năng.
Vì vậy, cần phải có sự xem xét rất thận trọng. Nhà ga không giống như nhà máy. Nếu là nhà máy, họ sẽ sản xuất ra một sản phẩm nào đấy, rồi sẽ cạnh tranh. Nhưng đây là 1 nhà ga sân bay, là cửa ngõ duy nhất để tiếp cận thủ đô trước khi chúng ta có một nhà ga thứ 2. Đấy là điều cần được xem xét cẩn trọng lắm!
Mua được nhà ga T1, mục tiêu kế tiếp sẽ là nhà ga T2...
* Một câu hỏi rất nhiều người đặt ra là Nhà ga T1 có gì mà cả 2 hãng hàng không lớn của Việt Nam – Vietnam Airlines và VietJet – đều muốn sở hữu?
Đó là Nhà ga của thủ đô. Với nhu cầu đi lại bằng hàng không tăng lên, đấy là một trong những khả năng kinh doanh béo bở, từ việc cho thuê, sử dụng nhà ga, đến việc cho thuê dịch vụ ở nhà ga đó, kết nối với các phương tiện giao thông khác... Đấy là những khả năng kinh doanh rất rõ rệt.
* Nhưng nhà ga T1 hiện chỉ khai thác các chuyến bay nội địa...
Việc nhà ga T2 là một câu chuyện khác. Nếu như người ta mua được nhà ga T1, người ta hoàn toàn có thể đề nghị mua nhà ga T2. Điều đó nhiều nước trên thế giới người ta đã làm rồi như sân bay Heathrow ở London hay sân bay Budapest của Hungary, sân bay Toulouse của Pháp v.v.
Chỉ có điều, đây là từng bước. Không nên nghĩ người ta mua nhà ga T1 sẽ không bao giờ nghĩ mua nhà ga T2.
* Trước đề nghị nhượng quyền khai thác toàn bộ Nhà ga T1 của VietJet, Bộ Giao thông Vận tải chỉ nhượng quyền cho VietJet sảnh E của nhà ga này. Nhưng theo một chuyên gia hàng không, rất có thể Bộ sẽ gật đầu với đề nghị của Vietnam Airlines. Ông đánh giá thế nào về điều này? Việc lắc đầu trước đề nghị nhượng quyền của VietJet và gật đầu trước đề nghị mua đứt của Vietnam Airlines liệu có phải là một quyết định công bằng?
Tất cả điều đó phải có một khung pháp lý. Nếu không có khung pháp lý, tức là Luật về cổ phần hóa và chuyển nhượng doanh nghiệp nhà nước, không ai biết được đằng sau này có câu chuyện gì. Anh phải có lý do tại sao anh đồng ý anh này, không đồng ý anh kia. Điều đó là vì lợi ích của quốc gia hay vì lợi ích gì đó...
* Xin cảm ơn ông!
>> [Q&A] Muốn mua nhà ga T1, VietJet đang ấp ủ tham vọng gì?
Thanh Thủy (ghi)