[Q&A] Muốn mua nhà ga T1, VietJet đang ấp ủ tham vọng gì?

26/02/2015 14:04 PM | Kinh doanh

Không chỉ bày tỏ tham vọng lấn sân sang các dịch vụ mặt đất, VietJet cũng đang thách thức “gã khổng lồ” Vietnam Airlines khi khuấy động nhiều sân chơi của ông lớn này trên bầu trời quốc tế.

 

Nhà ga T1 VietJet muốn mua lại lớn đến đâu?

Cảng hàng không quốc tế Nội Bài là cảng hàng không lớn thứ 2 Việt Nam, đứng sau Cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Cảng này hiện có 2 nhà ga: Nhà ga T1 và nhà ga T2.

Nhà ga T1 VietJet muốn mua có diện tích 115.000 m2, công suất phục vụ 9 triệu hành khách/năm, gồm 19 cửa ra máy bay.

Mặc dù đề xuất đưa ra – được nhượng quyền khai thác toàn bộ nhà ga T1 – được đánh giá là một đề xuất rất táo bạo, VietJet chỉ được Bộ Giao thông Vận tải thông qua việc nhượng quyền khai thác sảnh E của nhà ga này.

 
1

Sảnh E VietJet được nhượng quyền có lớn không? Có bao nhiêu hãng hàng không đang khai thác tại sảnh này?

Với mức đầu tư 500 tỷ trên diện tích 25.000m2, sảnh E nhà ga T1 kéo dài cảng hàng không quốc tế Nội Bài có thể tiếp đón được 3 triệu lượt khách/năm.

Sảnh này kết nối với sảnh A nhà ga T1 đang khai thác thông qua một hành lang kín, có 5 cổng đi và 2 cổng đến. Công trình có 3 tầng xây dựng và 1 tầng lửng.

Hiện có 4 hãng hàng không đang khai thác tại sảnh E, gồm: Vietnam Airlines, VietJet, Jetstar và Hải Âu. Trong các hãng này, dường như VietJet chỉ coi Vietnam Airlines như "đối thủ". Hải Âu thuộc phân khúc hàng không chuyên dụng, còn Jetstar đã bị bỏ xa về thị phần nội địa.

 
2

Đội bay của VietJet có bao nhiêu chiếc?

VietJet đã đầu tư hơn 9 tỷ USD đặt hàng Airbus tổng cộng 100 máy bay A320 các loại và đã nhận về chiếc máy bay thứ 3 vào giữa Tháng 2/2015, nâng số lượng đội bay của Vietjet lên 21 chiếc. Trước khi có hợp đồng 9 tỷ USD nói trên, cả đội bay của VietJet Air đều là máy bay đi thuê.

 
3

VietJet có trả 'lương khủng' cho phi công không?

Lương phi công Việt Nam mới đây được đem ra mổ xẻ quanh vụ lãn công của hơn 100 phi công Vietnam Airlines.

Có tin cho rằng các phi công của Vietnam Airlines lãn công là do lương phi công nội thấp hơn nhiều lương phi công ngoại của hãng, và muốn chuyển sang hãng hàng không VietJet – đơn vị được cho là trả lương phi công cao hơn 3 lần.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh cho biết: “Chúng tôi không bao giờ nghĩ chuyện vừa rồi là do VietJet Air, chúng tôi không đặt hãng hàng không cụ thể nào lên bàn nghị sự”.

Trả lời báo chí, đại diện VietJet Air cũng cho biết, mức lương của hãng được xây dựng dành cho tất cả phi công, không có phân biệt và trong khoảng từ 2.000 - 8.000 USD/tháng, tùy vào năng lực, trình độ.

Trong khi đó, lương trước thuế của cơ phó, cơ trưởng và giáo viên của Vietnam Airlines, theo công bố của hãng, sau khi được điều chỉnh sau sự vụ lãn công, xê dịch từ 41 – 132 triệu đồng/tháng. Lương phi công thường không được công bố.

 
4

VietJet đang ấp ủ tham vọng gì?

VietJet không ngần ngại thể hiện tham vọng chinh phục bầu trời quốc tế, trước mắt là bầu trời mở ASEAN. Hãng cũng có những bước tiến đầy thách thức với “người khổng lồ” Vietnam Airlines.

Thứ nhất, VietJet thành lập Công ty VietjetAir Cargo nhằm khai thác tốt hơn thị trường vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không tại Việt Nam và quốc tế. Động thái này được đánh giá là một bước đi khá táo bạo và là doanh nghiệp hàng không đầu tiên được cấp phép khai thác vận chuyển hàng hóa, vì ngay cả Vietnam Airlines với bề dày kinh nghiệm mấy chục năm vẫn chưa thể thực hiện điều này.

Thứ hai, lấn sân sang các dịch vụ mặt đất. Việc bày tỏ tham vọng muốn khai thác toàn bộ nhà ga T1 trong 20 năm là một ví dụ. Trước đó, VietJet cũng đã mua 562.000 cổ phần (tương đương 4% vốn điều lệ) của Công ty Phục vụ Mặt đất Sài Gòn ngay sau khi đơn vị này IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng).

Thứ ba, đón bầu trời mở của ASEAN và quốc tế. Với Thái Lan, VietJet đã mở đường bay và lập liên doanh hàng không Thai VietJet - đây là bước đi đầu tiên trong kế hoạch chinh phục các thị trường quốc tế thông qua các hình thức hợp tác và thành lập liên doanh của VietJetAir. Bên cạnh đó, VietJet cũng đưa vào tầm ngắm các điểm đến mới gồm Jakarta, Kuala Lumpur và Manila.

Ngay tại Đông Bắc Á – sân chơi của Vietnam Airlines, VietJet cũng đang dần lấn sân với màn dạo đầu là khai trương đường bay TPHCM – Đài Bắc, tần suất 5 chuyến/tuần hồi cuối năm ngoái.

 
5

>> Vietjet muốn mua lại nửa sân bay quốc tế Nội Bài

Bảo Bảo

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM