Câu và bảo quản cá ngừ kiểu Nhật

27/06/2015 21:57 PM | Kinh doanh

Bảo quản cá ngừ đại dương theo cách người Nhật, không chỉ chi phí giảm mà giá cá cũng cao hơn do chất lượng cá được đảm bảo.

Với hệ thống dự báo ngư trường bằng hình ảnh vệ tinh và công nghệ xử lý, bảo quản cá ngừ đại dương theo cách người Nhật, không chỉ chi phí giảm mà giá cá cũng cao hơn do chất lượng cá được đảm bảo.

Sáng 25-6, khi chiếc tàu câu cá ngừ vỏ composite Yanmar 01 của liên doanh Công ty Tư vấn đóng tàu Việt - Nhật (TP.HCM) và Công ty Yanmar (Nhật Bản) cập cảng Hòn Rớ (TP Nha Trang, Khánh Hòa), các ngư dân trên tàu dùng máy hút nước từ các khoang chứa trên tàu để rã đông lớp đá muối cá dưới các hầm, thay vì bơm nước dưới bến cảng để rã đông như ngư dân vẫn làm.

Ông Vũ Hoàng Quang, đại diện liên doanh Công ty Tư vấn đóng tàu Việt - Nhật và Yanmar, giải thích người Nhật sử dụng cá ngừ đại dương để ăn tươi, nếu sử dụng nước tại bến cảng thì nguy cơ nhiễm vi sinh lớn, chưa kể nước nóng làm ảnh hưởng chất lượng thịt cá.

Đặc biệt, toàn bộ cá ngừ dưới hầm tàu đều được “mặc áo”, một lớp vải bao trùm thân cá, để chống trầy xước da. Khi được kéo từ hầm tàu lên và đặt trên một tấm nệm mỏng, bên trong lớp “áo” là con cá ngừ còn tươi rói, mắt trong, da không bị vết trầy xước. Sau khi nhân viên kỹ thuật kiểm tra chất lượng thịt cá, các ngư dân cẩn thận bọc nó trong “áo” để đưa từ tàu lên xe đông lạnh.

Ngư dân Lê Quốc Dũng (TP Nha Trang), người có mười năm làm nghề câu cá ngừ đại dương và lần đầu tiên theo tàu Yanmar 01, cho biết dù cũng áp dụng cách câu tay như tàu câu truyền thống nhưng cá câu lên được kích điện cho tê, sau đó đưa xuống hầm chứa nước biển trên tàu, thay vì dùng vồ đập vào đầu cho cá chết khi cá được kéo lên rồi mổ lấy nội tạng, đưa xuống hầm đá ướp như ngư dân VN vẫn làm.

“Khoảng 25 phút sau, khi con cá sống lại chúng tôi dùng thiết bị “bắn” từ vùng đầu dọc xương sống đến đuôi làm cá chết trong vòng một phút, sau đó mới mổ lấy nội tạng và “mặc áo” cho cá rồi đưa xuống hầm tàu bảo quản” - anh Dũng kể và khẳng định mọi thao tác không phức tạp, ngư dân nào cũng có thể làm được.

Theo ông Quang, chính cách xử lý, bảo quản như thế này làm thịt cá tươi, chắc, không bị bột như cách câu, bảo quản truyền thống của ngư dân lâu nay.“Đây đã là chuyến ra khơi thứ tám của tàu Yanmar 01 kể từ cuối năm ngoái và chúng tôi tự tin đã hoàn tất mô hình câu cá ngừ hiệu quả kinh tế cao, bền vững để nhân rộng cho ngư dân VN” - ông Quang cho hay.

Trong ba chuyến ra khơi gần nhất, tàu Yanmar 01 đã áp dụng công nghệ dự báo ngư trường bằng hình ảnh vệ tinh của đối tác Hoa Kỳ. Chỉ nhìn vào máy vi tính trên tàu, thuyền trưởng biết được nơi nào có đàn cá và hướng di chuyển của chúng để đón đầu buông câu, thay vì cho tàu tìm cá trên ngư trường như lâu nay, mất thời gian và tốn kém nhiên liệu.

“Nhờ công nghệ dự báo ngư trường bằng hình ảnh viễn thám, tàu chỉ đi biển chín ngày nhưng câu được 25 con cá ngừ đại dương với tổng trọng lượng 2 tấn, giảm một nửa thời gian đánh bắt nhưng tăng gấp đôi sản lượng so với tàu gỗ.

Thủy thủ đoàn chỉ có năm người, chi phí chuyến biển cũng chỉ 50 triệu đồng, bằng 1/3 tàu cá truyền thống. Cá đạt chất lượng rất tốt, được bán ngay cho doanh nghiệp Nhật Bản tại Cam Ranh (Khánh Hòa) với giá 150.000 đồng/kg, hơn gấp rưỡi giá cá câu đèn truyền thống” - ông Quang nói.

Mô hình cần nhân rộng

Ông Lê Tấn Bản, giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Khánh Hòa, cho biết rất ấn tượng khi thấy những con cá ngừ đại dương tươi rói, chất lượng thịt cá đạt rất cao của tàu Yanmar 01. “Tôi hi vọng mô hình này sẽ mở ra hướng phát triển hiệu quả, bền vững cho việc khai thác, bảo quản, chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị kinh tế, tránh lãng phí tài nguyên” - ông Bản nói.

Theo DUY THANH

Cùng chuyên mục
XEM