Bầu Đức lấy đâu ra hơn 3.000 tỷ bảo lãnh cho 'con'?

22/08/2013 08:30 AM | Kinh doanh

Nội dung nổi bật:

+ Bầu Đức đã dùng 40% số cổ phiếu HAG của mình để làm tài sản bảo lãnh cho 3 khoản vay của Hoàng Anh Gia Lai.

+ Bầu Đức sẽ tiếp tục bảo lãnh hơn 3.000 tỷ cho kế hoạch tái cấu trúc ngành bất động sản.



Lâu nay, bầu Đức được biết đến là người giàu thứ 2 sàn chứng khoán Việt Nam với lượng cổ phiếu có trị giá dao động trong khoảng từ 6.000-7.000 tỷ đồng.

Sau nhiều lần Hoàng Anh Gia Lai chào bán cổ phiếu ra bên ngoài, hiện nay, bầu Đức chỉ còn sở hữu chưa đến ½ công ty, với 311,6 triệu cổ phiếu. Vậy nhưng bầu Đức đã dùng lượng lớn số cổ phần mình có để bảo lãnh cho các khoản vay của HAGL.

Tính đến cuối năm 2012, bầu Đức đã dùng tổng cộng 142,1 triệu cổ phiếu HAG thuộc sở hữu cá nhân (tương đương 40% số cổ phiếu của bầu Đức) để dùng làm tài sản thế chấp cho 3 khoản vay của HAGL.

Mới đây, HAGL quyết định sẽ tái cấu trúc ngành bất động sản với việc tách một số dự án bất động sản kém hiệu quả ra khỏi tập đoàn.

Theo đó, HAGL cho một công ty con là công ty An Phú vay 3.083 tỷ đồng để An Phú mua lại các dự án trên sau đó bán đi toàn bộ cổ phần của An Phú. Sau khi HAGL bán hết cổ phần của An Phú thì khoản tiền An Phú vay của HAGL sẽ được bầu Đức đứng ra bảo lãnh cá nhân.

Giả sử như bầu Đức tiếp tục dùng số cổ phiếu HAG của mình để bảo lãnh thì sẽ cần ít nhất là 142 triệu cổ phiếu tính theo thị giá hiện tại của cổ phiếu HAG (tức 46% số cổ phiếu ông đang sở hữu).

Như vậy, tổng cộng có gần 90% số cổ phiếu HAG do bầu Đức sở hữu sẽ được dùng để bảo lãnh cho các khoản vay của HAGL và An Phú.

Theo kế hoạch tái cơ cấu của HAGL, ngoài hơn 3.000 tỷ nợ do bầu Đức bảo đảm, An Phú còn phải thanh toán 2.000 tỷ “nợ xấu” cho ngân hàng. Như vậy, nếu sau ba năm hoạt động, số dự án “xấu” mà An Phú xử lý được chưa đem về đủ 5.000 tỷ thì nhà sáng lập HAGL sẽ phải ‘bỏ tiền túi’ ra bù vào phần còn thiếu.

Trong bối cảnh lãnh đạo một số tổ chức lớn lấy tiền của doanh nghiệp mình đi phiêu lưu rồi để lại hàng ngàn tỷ “tài sản mờ” chưa biết giải quyết thế nào hay số khác dùng tài nguyên của công ty để tìm “miếng ngon” rồi lúc tìm ra lại lập công ty riêng để hưởng một mình, có một ông chủ dám mạnh dạn dốc gần hết tài sản đảm bảo thanh toán cho “các con” ắt là một chuyện đáng hoan nghênh.



KAL

duchai

Cùng chuyên mục
XEM