Hoàng Anh Gia Lai sẽ có công ty Quản lý tài sản riêng trong 3 năm?

20/08/2013 07:56 AM | Kinh doanh

Ông Đoàn Nguyên Đức sẽ đứng ra bảo lãnh cho công ty con là Công ty An Phú thực hiện vay tiền từ công ty mẹ để xử lý nợ cho công ty mẹ theo mô hình thu nhỏ của AMC.

Tại buổi tiếp xúc nhà đầu tư nhằm cập nhật chiến lược trong giai đoạn 2013-2015 chiều ngày 19/08, CTCP Hoàng Anh Gia Lai – HAGL đặc biệt chú trọng đến các bước tái cấu trúc ngành bất động sản nhằm mục tiêu giảm nợ vay trong thời gian tới.

Cụ thể, HAGL đưa ra lộ trình ba bước với 3 chủ thể chính: HAGL – Công ty Phát triển nhà Hoàng Anh – Công ty An Phú. Trong đó Công ty An Phú hoạt động tương tự một công ty mua bán tài sản (AMC) để xử lý các khoản nợ cho HAG trong khoảng thời gian 3 năm và sẽ giải thể sau đó.

Bước 1, Công ty Phát triển nhà Hoàng Anh sẽ bán cổ phần của Công ty An Phú (vốn điều lệ 360 tỷ đồng) cho công ty mẹ HAGL.

Bước 2, Công ty Phát triển nhà Hoàng Anh bán cổ phần, vốn góp trong các công ty con cho Công ty An Phú với giá bằng giá trị số dư các khoản đầu tư.

Giá trị các khoản đầu tư của các công ty mà Công ty An Phú sẽ mua lại:

Để thanh toán cho các khoản mua công ty và dự án trên, Công ty An Phú sẽ vay tiền của HAGL do ông Đoàn Nguyên Đức đứng ra bảo lãnh cá nhân.

Sau đó, Công ty Phát triển nhà Hoàng Anh sử dụng số tiền mà An Phú thanh toán để trả cho các khoản nợ hiện tại của HAGL, tổng cộng khoảng 3,083 tỷ đồng.

Bước 3, HAGL thực hiện chào bán cổ phần của Công ty An Phú. Theo đó, cổ đông sở hữu cổ phần HAGL tại ngày chốt danh sách được hưởng quyền mua dựa trên tỷ lệ sở hữu cổ phiếu HAG. Riêng chủ sở hữu trái phiếu chuyển đổi của HAGL thì được quyền mua dựa trên tỷ lệ cổ phần được chuyển đổi từ trái phiếu.

Cổ đông thiểu số của Công ty Phát triển nhà Hoàng Anh sẽ được mua theo tỷ lệ sở hữu của Công ty Phát triển nhà Hoàng Anh.

Giá chào bán cổ phần Công ty An Phú là bằng mệnh giá, tương ứng tổng giá trị khoảng 360 tỷ đồng. Đồng thời, HAGL chi cổ tức theo mức 500 đồng/cp để cổ đông có nguồn tiền mua cổ phần của Công ty An Phú.

Ông Đức cho biết thêm sẽ để cho Công ty An Phú hoạt động trong 3 năm (kể từ 2014), thực hiện bán các dự án (xây để bán, bán cả dự án…). Dự kiến sẽ thanh toán được 2,000 tỷ nợ xấu cho ngân hàng và mang lại cho HAGL khoảng 3,000 tỷ đồng và nếu còn dư sẽ chia cho cổ đông của An Phú. 

Sau đó, sẽ thực hiện giải tán Công ty An Phú. Tuy nhiên, việc bán tài sản bất động sản cho An Phú sẽ phát sinh khoản phải thu khoảng 3,000 tỷ cho HAGL nên thực tế cũng không thay đổi cấu trúc tài chính của công ty.

Nói về phương án tái cấu trúc, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cho biết, Công ty An Phú có tổng tài sản khoảng 9,000 tỷ đồng, nợ 5,000 tỷ đồng và được bán với giá chỉ 360 tỷ đồng. An Phú lập ra không phải để kinh doanh, niêm yết.. mà chỉ thực hiện một nhiệm vụ chính là tiến hành bán những tài sản xấu, thu hồi nợ để trả ngân hàng và còn lại mang về cho HAGL.

Theo ông Võ Trường Sơn, Phó TGĐ của HAGL, đứng ở góc độ của ông Đức thì có thể trong trường hợp đó sẽ không có sự thay đổi về quyền lợi và nghĩa vụ. Nhưng nếu nhìn ở góc độ một cổ đông của HAGL, nếu cổ đông không tham gia việc mua cổ phần An Phú thì câu chuyện có thể khác. Nếu HAGL tiếp tục nắm giữ khối tài sản bất động sản thì đồng nghĩa với việc sẽ tiếp tục nắm giữ những rủi ro của thị trường (thị trường lên xuống sẽ tạo những khoản lỗ về ngắn hạn và làm giá cố phiếu đi xuống).

Đối với khoản phải thu 3,000 tỷ đồng của An Phú, khi thị trường xuống có thể sẽ mất đi. Nhưng khi tách ra thì đã có sự bảo đảm của ông Đoàn Nguyên Đức, khi trường hợp xấu nhất ông Đức có thể dùng tài sản của mình hoặc bán cổ phần để bù vào. Qua đó, các cổ đông hoàn toàn không bị ảnh hưởng gì.

Lần tái cấu trúc quyết liệt này của HAG nhằm mục tiêu chính là đến cuối năm 2013, nợ ròng HAG xuống 10,000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 13,000 tỷ đồng.

Theo Sanh Tín

duchai

Cùng chuyên mục
XEM