2 lý do khiến DN Việt không thể cung cấp linh kiện cho Samsung

10/11/2015 16:55 PM | Kinh doanh

Các DN lớn như Samsung đều đã có chuỗi cung ứng của riêng mình và khi đi đến đâu, họ thường đem theo cả chuỗi sản xuất, cung ứng của mình đến đó. Mặc dù vậy, cơ hội lớn vẫn sẽ mở ra cho các DN Việt Nam khi TPP có hiệu lực.

Trao đổi bên lề hội thảo “Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức vào sáng ngày 10/11, PGS.TS Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí chia sẻ: “Doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ Việt trở thành nhà thầu phụ cho nhà đầu tư nước ngoài không phải đơn giản, có hai lý do chính”

Thứ nhất, doanh nghiệp nước ngoài đã có chuỗi sản xuất từ trước. Trong các chuỗi đã có sự kiểm chứng về chất lượng sản phẩm theo thời gian và quy trình đánh giá. Giá cả sản phẩm cũng ở mức chấp nhận được.

Trong khi đó, doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam mới vào phải thể hiện được chất lượng sản phẩm đạt được yêu cầu. Sau đó mới đến giá cả cạnh tranh. Tuy nhiên, các yếu tố trên đều chưa được kiểm chứng, do đó các doanh nghiệp nước ngoài không muốn rủi ro hợp tác với doanh nghiệp Việt.

Có hai loại nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Với nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, rất khó để doanh nghiệp Việt chen chân vào chuỗi sản xuất. Chẳng hạn có nhiều cuộc hội thảo với câu hỏi chúng ta có thể làm gì để cung cấp cho Samsung, thực tế việc cung cấp linh kiện để sản xuất các loại sản phẩm như Samsung Galaxy Note là rất khó.

Nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc thường đem theo cả chuỗi sản xuất, cung ứng khiến cho cơ hội của doanh nghiệp Việt càng nhỏ hơn.

Kể cả với nhà đầu tư Nhật Bản thì khác, doanh nghiệp Việt vẫn phải tốn thời gian chứng tỏ mình có khả năng cung cấp được sản phẩm này sản phẩm khác. Họ cũng có sự kiểm tra khó khăn về chất lượng sản phẩm. Hệ quả là rất ít nhất doanh nghiệp Việt còn có cơ hội để làm.

Cơ hội lớn khi tham gia TPP

Nhìn rộng hơn, về ngành cơ khí trước thềm hội nhập, ông Sáng chia sẻ khi gia nhập vào TPP, ngành cơ khí Việt Nam có cả cơ hội và thách thức. “Cơ hội lớn của chúng ta là không phải cạnh tranh với nhà thầu Trung Quốc như trước đây để đưa hàng hóa vào các quốc gia tham gia TPP, ông Sáng khẳng định.

Nhà thầu Trung Quốc có năng lực vượt trội mà còn có nhiều hỗ trợ hữu hình và vô hình đến từ Chính phủ. Do đó, khả năng doanh nghiệp cơ khí Việt cạnh tranh được với Trung Quốc là rất khó khăn.

“Khi vào TPP với điều kiện làm chủ được vật liệu sản xuất sẽ là cơ hội cực lớn. Chúng ta cần biết chớp lấy và chuẩn bị”. Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư và làm chủ được một số mặt hàng công nghệ cao. “Hay như thị trường cho nhà máy nhiệt điện, chúng ta bây giờ có 4 doanh nghiệp đầu tư và cạnh tranh tốt với các các doanh nghiệp Đài Loan về cung ứng thiết bị thay vì phải nhập khẩu như trước đây”, ông Sáng lấy ví dụ.

Vấn đề quan trọng nhất là doanh nghiệp cơ khí phải có sự chuẩn bị kỹ càng. Mỗi doanh nghiệp cần phải xác định mình sẽ tập trung làm gì trong “cuộc chơi” này, sao cho phù hợp với năng lực với bản thân. Muốn cạnh tranh được, doanh nghiệp sẽ cần phải đầu tư, mặc dù vậy, không nên trông chờ vào nguồn vốn Nhà nước.

Không thể trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ lãi suất, doanh nghiệp nên tìm cách thu hút nguồn vốn xã hội. Đầu tư từ nguồn vốn này sẽ nâng cao hiệu quả kinh doanh hơn nếu xác định được thị trường nào nên đầu tư vào.

Bên cạnh đó, như đã đề cập ở trên, làm chủ vật liệu sản xuất đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Theo Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - Lilama, ngành cơ khí đang rất khó phát triển do nguyên nhân chính là Việt Nam hầu như không có bất kỳ doanh nghiệp nào cung cấp vật liệu cơ khí đầu vào đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật. Nhiều doanh nghiệp phải nhập khẩu toàn bộ nguyên liệu cơ khí đầu vào để sản xuất, do đó chi phí đội lên rất cao và khó cạnh tranh.

Theo tổng kết của Vụ Công nghiệp Nặng, ngành cơ khí nhập siêu hơn 10 tỷ USD trong năm 2014. Giá trị nhập khẩu ngành cơ khí cao gấp gần hai lần so với giá trị xuất khẩu.

Ngoài ra, đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành cũng sang nước ngoài làm việc gây ra tình trạng thiếu hụt nhân lực phục vụ phát triển ngành.

Theo nhiều đại biểu, Nhà nước cần đầu tư cho ngành cơ khí nhiều hơn, nhưng cần tránh đầu tư dàn trải. Cần tập trung vào các mặt hàng cụ thể cần hỗ trợ và can thiệp bằng “bàn tay hữu hình” của Nhà nước. Qua đó, tiến hành xây dựng thị trường cơ khí theo từng mặt hàng.

Lê Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM