Cận cảnh hàng loạt dự án của các "đại gia" bị ngân hàng ráo riết siết nợ
Các ngân hàng thương mại liên tục thông báo đấu giá hoặc thu giữ tài sản thế chấp của khách hàng dính nợ xấu, chủ yếu là các dự án bất động sản.
Thực tế, đây là những tài sản được khách hàng đang cầm cố nhưng đã quá hạn mà không thanh toán được nợ. Trong đó, có một số tài sản được các ngân hàng thông báo bán đấu giá khoản nợ này.
Cụ thể, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Sở giao dịch 2, mới đây đã ra thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty CP đầu tư Y tế Việt Nam và Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 với tổng trị giá gần 1.100 tỉ đồng (bao gồm cả tiền vay và lãi phát sinh đến 31-7-2017).
Giá đấu khởi điểm là 810,3 tỉ đồng. Tài sản thế chấp là khu đất 174,5m2 và dự án Khu dân cư 584 Tân Kiên tại huyện Bình Chánh- TP HCM, bao gồm 41.242 m2 đất cùng tài sản gắn liền trên đất là 2 tòa nhà chung cư cao 15 tầng, có tổng cộng khoảng 700 căn hộ, trong đó 1 block đã đưa vào sử dụng từ năm 2011 nhưng đến nay chỉ có 30-40 hộ dân vào ở, còn 1 block đã gần như hoàn thiện nhưng bỏ hoang từ mấy năm nay.
Được biết, trước đó Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 đã hợp tác với CTCP Đầu tư Y tế để chuyển đổi công năng dự án từ chung cư thành bệnh viện, thế nhưng kế hoạch không thực hiện được vì khả năng tài chính nên đã ngừng triển khai từ năm 2011.
Chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 đã ký hợp đồng mua bán với khách hàng từ năm 2008. Ảnh: Hoàng Triều
Có mặt tại dự án ngày 20-10, chúng tôi nhận thấy công trình đang xuống cấp, đường dẫn vào thường xuyên ngập nước. Trao đổi với anh Lộc, bảo vệ tại chung cư thì được biết hiện cả chung cư chỉ khoảng 40 hộ đang sinh sống. Một số cư dân cho biết họ không biết sẽ như thế nào nếu ngân hàng siết nợ dự án. Tuy nhiên, họ là những khách hàng mua nhà hợp pháp nên hy vọng sẽ được giải quyết quyền lợi thỏa đáng.
Hiện dự này chỉ mới hoàn thành 1 block chung cư và chỉ có vài chục hộ dân vào sinh sống. Ảnh: Hoàng Triều
Trước đó, Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank) đã thông báo thu giữ giữ tài sản thế chấp là bất động sản tọa lạc tại 1/229 Khu Biệt thự Phú Gia (Phú Mỹ Hưng) lô H21, 22, 27, 28 số 1 Hà Huy Tập, phường Tân Phong, quận 7, TP HCM vì lý do khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết. Thời gian thu giữ từ ngày đầu tháng 11. Cũng trong tháng 11, Maritime Bank sẽ thu giữ nhiều tài sản khác của các khách hàng trên cả nước như Hà Nội, Bắc Giang, Ninh Bình…
Khu Biệt thự Phú Gia (Phú Mỹ Hưng) lô H21, 22, 27, 28 số 1 Hà Huy Tập, phường Tân Phong, quận 7, TP HCM sắp bị ngân hàng thu giữ để xử lý nợ. Ảnh: Hoàng Triều
Hay vừa qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank chi nhánh Bình Chánh) cũng đã thông báo bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Vạn Hưng Phát với giá trị khoản nợ lên 161,5 tỉ đồng, trong đó nợ gốc là 62,7 tỉ đồng, còn lại gần 100 tỉ đồng là lãi. Tài sản là dự án Căn hộ tại số 339 đường Bông Sao (góc Tạ Quang Bửu) phường 5, quận 8- TP HCM. Giá bán khởi điểm lô đất dự án này là 63 tỉ đồng.
Dự án chung cư Vạn Hưng Phát đã ngừng thi công nhiều năm qua dù chủ đầu tư đã bán rất nhiều căn hộ cho khách hàng. Ảnh: Sơn Nhung
Cái khó của việc bán dự bán dự án này là vẫn còn đang nợ tiền sử dụng đất với con số lên đến tỉ đồng. Đồng thời hiện nay, hàng trăm khách hàng đã mua căn hộ "trên giấy" của dự án. Có người đã thanh toán đến 95% giá trị căn hộ. Tổng số tiền khách hàng mua căn hộ cũng như kiện đòi nợ mua vật liệu xây dựng của dự án lên đến cả trăm tỉ đồng.
Theo giấy phép, dự án này là căn hộ cao cấp 21 tầng với 334 căn hộ. Chủ đầu tư đã huy động vốn của khách hàng khi chưa hoàn thành phần móng, đồng thời đem thế chấp dự án nhưng đến nay đã "bỏ của chạy lấy người".
Trước đó vào đầu năm nay, Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) thuộc Agribank, đã thu giữ và rao bán đấu giá tài sản đảm bảo là toàn bộ tài sản và quyền sử dụng đất tại địa chỉ số 129 A - 131 - 131 A - 133 - 135 A - 153/33 Đường Điện Biên Phủ, Phường 15, quận Bình Thạnh, TP HCM. Đây chính là dự án cao ốc văn phòng V-Ikon do Công ty TNHH Việt Thuận Thành làm chủ đầu tư. Cao ốc văn phòng này được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế hạng A trên khu đất rộng 1.106m2, quy mô 4 tầng hầm và 26 tầng cao; có hình dáng chữ V tượng trưng cho thương hiệu Việt Thuận Thành và là một trong số ít cao ốc nằm ở khu trung tâm TP HCM có bãi đáp trực thăng.
Dù được quảng bá hoành tráng ban đầu nhưng sau khi xây dựng xong phần thô thì chủ đầu tư V-Ikon không còn khả năng tài chính để hoàn thiện. Do đó, nhiều năm qua dự án này bị bỏ hoang và Agribank chi nhánh Sài Gòn đã phải thu giữ để xử lý khoản nợ.
Tuy nhiên, Agribank AMC đã 5 lần thông báo đấu giá tòa nhà nhưng vẫn không có người mua. Cụ thể, hồi tháng 5, công ty đã chào bán với giá khởi điểm 373,5 tỉ đồng nhưng không thành công. Đến tháng 9 giảm xuống còn 319,5 tỉ đồng nhưng không có người đăng ký mua.
Lần gần đây nhất, Agribank AMC thông báo sẽ đấu giá tòa nhà vào 9 giờ 30 sáng 27-10 tại Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá TP HCM với giá khởi điểm 299,052 tỉ đồng. Để tham gia đấu giá, nhà đầu tư phải đặt cọc trước 15% so với giá khởi điểm tương đương khoảng 45 tỉ đồng. Phí tham gia đấu giá là 500.000 đồng.
Cũng liên quan đến xử lý nợ xấu là việc Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tiến hành thu giữ tài sản để xử lý khoảng nợ xấu lên tới 7.000 tỉ đồng. Tài sản bị thu giữ là cao ốc phức hợp Saigon One Tower (tên gọi trước đây là Sài Gòn M&C, số 34 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM).
Cao ốc phức hợp Saigon One Tower nằm ở vị trí đắc địa của TP HCM đã bị VAMC thu giữ để xử lý nợ xấu. Ảnh: Hoàng Triều
Theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), chỉ riêng tại TP HCM hiện có hơn 470 dự án vẫn đang bị đóng băng, phần lớn đây là khoản nợ xấu đã thế chấp tại các ngân hàng. Chính điều này trở thành gánh nặng không chỉ cho các chủ đầu tư mà còn của ngân hàng và nền kinh tế. Vì vậy, khi các ngân hàng tiến hành đấu giá khoản nợ, bán nợ cho VAMC cũng như xử lý sớm các khoản nợ sẽ giải quyết sớm "cục máu đông" nợ xấu, tạo thanh khoản cho các ngân hàng hoạt động tốt hơn. Ngoài ra, khi các khoản nợ bất động sản được xử lý cũng là cơ hội để tạo hàng mới cho thị trường bất động sản sôi động hơn.