Cách thức "săn" nhân viên với EQ cao cho những người làm lãnh đạo
Khả năng nhận diện và quản lý cảm xúc cá nhân cũng như cảm xúc người khác của một lãnh đạo có thể tác động rất mạnh đến hiệu quả công việc của toàn công ty.
Khi các doanh nghiệp tìm kiếm nhân viên, họ thường nhìn vào kinh nghiệm, kỹ năng và mục tiêu dài hạn của các ứng viên. Tất nhiên, những yếu tố này là quan trọng, nhưng họ lại bỏ qua một yếu tố chủ chốt khác giúp các nhân viên thành công: đó là trí tuệ cảm xúc.
Trước hết, trí tuệ cảm xúc là gì?
Trước hết, cần định nghĩa “trí tuệ cảm xúc” là vì bởi cụm từ này có nhiều cách hiểu khác nhau. Tạp chí Psychology Today cho rằng trí tuệ cảm xúc là “khả năng nhận diện và kiểm soát cảm xúc của chính mình và của người khác”. Theo nghĩa thiết thực hơn, đó là khả năng nhận biết cảm xúc của chính mình và luôn kiểm soát được nó, cũng như biết đồng cảm với người khác và hiểu được cảm xúc của họ sẽ tác dộng đến công việc của họ như thế nào.
Vậy tại sao đây lại là một đặc điểm quan trọng mà các nhân viên nên có?
1. Giao tiếp tốt hơn
Theo một nghiên cứu của Đại học California thì 93% nội dung giao tiếp là không dùng lời nói. Điều này cho thấy giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể (vốn được cảm xúc điều khiển) có liên hệ chặt chẽ với cách chúng ta hiểu và nói chuyện với người khác.
Một nhân viên có trí tuệ cảm xúc sẽ dễ nắm bắt và hiểu được ý nghĩa hành động của các đồng nghiệp, và dựa vào đó họ sẽ thể hiện tốt hơn suy nghĩ cá nhân của mình.
2. Tính cách ôn hòa
Những nhân viên có EQ cao không phải lúc nào cũng hòa nhã điềm đạm, nhưng họ nhận ra được khi nào đang trải qua căng thẳng hoặc biết rằng cơn giận đang đến; và họ rất giỏi xử lý những cảm xúc đó bằng những cách lành mạnh và ôn hòa.
3. Hợp tác tốt với các đồng nghiệp
Người có EQ cao cảm thấy rất dễ bắt chuyện với người khác, vì họ có thể hiểu được người khác và giao tiếp hiệu quả. Nếu là lãnh đạo, bạn sẽ thấy đây là một phẩm chất rất quý báu: những nhân viên có EQ cao sẽ giúp gắn kết cả nhóm nhờ chỉ dẫn và giúp đỡ khi cần và thể hiện sự thân thiết với các đồng nghiệp.
4. Nắm bắt nhu cầu của khách hàng
Khách hàng không phải lúc nào cũng đủ khả năng hoặc muốn giải thích những gì họ muốn và họ cần, nhưng họ vẫn sẽ bỏ đi nếu nhu cầu của mình không được đáp ứng.
Một nhân viên có trí tuệ cảm xúc không thể đọc được suy nghĩ của khách hàng, nhưng người này có thể ngầm hiểu được những gì khách hàng muốn, phán đoán cảm xúc của họ và kiểm soát được những tình huống đầy khó khăn thử thách. Trên thực tế những nhân viên như vậy sẽ đóng vai trò là chiếc phao cứu sinh cho các mối quan hệ của doanh nghiệp, vì thế có được họ đã là một thành công lớn.
5. Chủ động và có tầm nhìn xa
Những người có EQ cao có khả năng dự đoán và hiểu được hành động của người khác. Họ có thể đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của người khác và đưa ra kết luận chính xác dựa trên những đánh giá đó.
Chẳng hạn, nếu các nhà quản lý có EQ cao thấy một đồng nghiệp có biểu hiện khác thường, họ có thể can thiệp để xem có phải khối lượng công việc của người này quá nhiều và cần thuê thêm người, hay cần phải cho họ nghỉ ngơi dài ngày.
Mặt khác, một nhân viên có EQ cao sẽ tự nhận thức được và cho bạn biết khi nào mình thấy quá căng thẳng, hay công việc quá nhàm chán, giúp bạn dễ giải quyết các vấn đề hơn.
Làm thế nào để tìm được những nhân viên có trí tuệ cảm xúc
• Hỏi về quá khứ. Hãy hỏi các ứng viên về quan hệ của họ với các đồng nghiệp cũ. Quan hệ của họ có tốt không? Họ có đủ khả năng nhận biết và mô tả cảm giác của mình hay không? Câu trả lời chắc chắn sẽ cho bạn biết về khả năng thể hiện và kiểm soát cảm xúc của ứng viên.
• Đánh giá phản ứng của họ. Khi bạn đưa ra những câu hỏi hóc búa, hãy chú ý đến cách các ứng viên trả lời. Giọng điệu và biểu hiện của họ sẽ thay đổi cùng với âm hưởng của cuộc phỏng vấn, và nếu là người có trí tuệ cảm xúc, họ sẽ biết cách cảm nhận bầu không khí đang diễn ra trong phòng.
• Đưa ra các giả định. Cuối cùng, hãy thử đưa ra những tình huống giả định, chẳng hạn như “Hãy tưởng tượng một khách hàng đang không hài lòng về điều gì đó nhưng đây không phải lỗi của công ty bạn. Khi đó bạn sẽ làm thế nào?” Người có EQ cao sẽ đủ khả năng trả lời bình tĩnh và chắc chắn sẽ đào sâu thêm bằng các câu hỏi để hiểu rõ hơn vấn đề của khách hàng đến từ đâu.
Với những cách nêu trên, bạn có thể gián tiếp đo lường được trí tuệ cảm xúc của các ứng viên. Kết quả có thể hơi chủ quan, vì thế đừng mong chờ một câu trả lời có tính chất tuyệt đối. Tuy nhiên các tiêu chuẩn này có thể giúp bạn lựa chọn được những ứng viên có trí tuệ cảm xúc cao hơn cho doanh nghiệp của mình.