Các ông bố, bà mẹ bỉm sữa sắp phải chi nhiều tiền hơn để mua sữa cho con?
Chính sách giá trần đối với mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được xem xét dỡ bỏ từ đầu tháng 7/2016.
Thông tin trên được đưa ra tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính với đại sứ Michael Froman, đại diện Thương mại Hoa Kỳ ngày 24/5.
Như vậy là việc dỡ bỏ chính sách giá trần được đưa ra sớm hơn nửa năm so với thông tin trước đó, rằng thời hạn dỡ bỏ trần sẽ là cuối năm 2016.
Cụ thể, Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30/4/2015 nêu rõ, Chính phủ thống nhất chủ trương tiếp tục thực hiện quản lý giá tối đa (giá trần) đối với sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong thời hạn từ ngày 1/6/2015 đến hết 31/12/2016.
Giá bán thành phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong nước hiện nay được cung cấp từ hai nguồn chính là sản xuất trong nước và nhập khẩu thành phẩm.
Giá sữa sản xuất trong nước chịu tác động của giá nguyên liệu sữa thế giới, các chi phí đầu vào của sản xuất trong nước (chi phí nguyên vật liệu, nhiên liệu, bán hàng, nhân công...). Giá sữa nhập khẩu thành phẩm chịu tác động của giá nhập khẩu thành phẩm và các chi phí phân phối sản phẩm.
Theo thống kê, giá sữa nguyên liệu của thế giới liên tục giảm trong suốt 2 năm qua (kể từ khi bắt đầu có chính sách áp trần giá sữa vào tháng 6/2014).
Trong khi các công ty sữa ở các nước phát triển gần như không điều chỉnh giá bán sữa trong suốt 3-4 năm trở lại đây, không ít mẹ bỉm sữa đã phải đặt câu hỏi, tại sao các hãng sữa tại thị trường Việt Nam luôn tìm được lý do cực kỳ hợp lý để tăng giá.
Kết quả khảo sát của phóng viên tại các thị trường như Ý, Anh hay Nhật đều cho thấy, giá sữa bán lẻ cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hoàn toàn không tăng trong suốt 3 năm gần đây.
Ví dụ, giá sữa Aptamil cho trẻ 1 tuổi tại Anh từ năm 2013 đến nay vẫn luôn giữ ở mức 16 bảng/hộp 900 gram. Giá sữa Meiji số 9 tại Nhật cho trẻ 3 tuổi vẫn đứng giá ở mức 1.500 yên/hộp suốt 3 năm qua. Giá sữa tại Ý và Thụy Sỹ cũng không biến động trong cùng thời gian.
Cùng lúc đó trong cùng khoảng thời gian trên, giá các loại sữa bột ở Việt Nam tăng ít nhất 7 đến 10%, cá biệt có loại tăng đến 15% bất chấp các quy định về quản lý giá sữa của Bộ Tài chính.
Việt Nam đang có trên 10 triệu trẻ em dưới 6 tuổi. Kể cả lúc chính sách áp trần giá sữa của Bộ Tài chính còn hiệu lực như hiện tại, giá sữa trong nước vẫn tăng liên tục và doanh nghiệp vẫn có đủ cách lách trần.
Vậy thì khi chính sách giá trần đối với mặt hàng sữa hết hiệu lực vào tháng 7 tới, các ông bố bà mẹ Việt có lí do chính đáng để lo lắng về việc phải bỏ nhiều tiền hơn để mua sữa cho con?
(Xem thêm bài viết: Vì sao giá sữa ở Việt Nam tăng giá phi mã khi giá thế giới đứng yên?)
Các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bắt đầu bị áp giá trần từ 1/6/2014 sau khi nhiều biện pháp quản lý giá khác như đăng ký giá, kê khai giá không phát huy tác dụng. Người tiêu dùng vẫn bức xúc vì giá sữa tăng liên tục.
Từ đó đến nay, cơ quan chức năng đã công bố giá trần bán buôn với hơn 600 sản phẩm sữa bột. Giá bán lẻ được quy định không được cao hơn quá 15% so với mức giá bán buôn này.