Hết sữa cho trẻ em, giờ đến lượt vắc xin Hồng Kông bị săn lùng

13/04/2016 14:27 PM | Kinh tế vĩ mô

Những quy định “khác thường” trong ngành vắc xin ở Trung Quốc đang khiến 1,4 tỷ người dân nước này phải khốn khổ tìm kiếm nguồn cung cấp vắc xin, qua đó làm gia tăng rủi ro sức khỏe trong người dân cũng như khiến nhiều tập đoàn dược phẩm quốc tế gặp khó khi muốn tiếp cận thị trường.

Ông Sam Ding, một chuyên gia công nghệ tại Trung Quốc cho biết mình đã phải đưa con gái đến Hồng Kông 2 lần chỉ để được tiêm loại vắc xin của hãng Pfizer phòng chống viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não.

Loại vắc xin mà ông Sam Ding tìm kiếm không được bán tại Trung Quốc trong khi chúng được chào bán tại nhiều nơi khác trên thế giới, bao gồm cả Hồng Kông.

Trường hợp của ông Sam Ding là một ví dụ điển hình cho tình trạng cầu vượt cung trên thị trường dược phẩm Trung Quốc. Nhu cầu tiêm vắc xin tại đây đang bỏ xa so với khả năng cung cấp cũng như quản lý của chính quyền địa phương, qua đó buộc bệnh nhân phải tranh giành những đợt tiêm chủng và khiến nhiều công ty dược phẩm “nản lòng” trước một thị trường béo bở.

Theo ước tính của McKinsey, thị trường vắc xin Trung Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 17% từ mức 25 tỷ Nhân dân tệ năm 2015 lên 40 tỷ Nhân dân tệ (6 tỷ USD) vào năm 2018.

Tuy nhiên, một điều trớ trêu là 30% sản phẩm chủ lực của các tập đoàn dược phẩm hàng đầu quốc tế được bán rộng rài ở nhiều nước lại không được bán tại Trung Quốc đại lục.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do thời gian chờ cấp phép cho sản phẩm quá lâu, làm nản lòng các nhà sản xuất quốc tế.

Tình hình thiếu vắc xin đã thúc đẩy kinh doanh tiểu ngạch ngành vắc xin tại Trung Quốc. Mới đây, cảnh sát tỉnh Sơn Đông đã bắt giữ một nhóm kinh doanh trái phép vắc xin. Theo ước tính ban đầu, nhóm này bắt đầu hoạt động từ năm 2011 với đại bàn trải rộng trên 18 tỉnh thành cả nước. Phía cảnh sát cho biết lượng nhóm này đã bán được khoảng 570 triệu Nhân Dân tệ (88 triệu USD) tiền vắc xin.

Điều tra ban đầu cho thấy có thể những liều vắc xin này đã được vận chuyển và lưu trữ không đúng cách và hiệu quả của vắc xin có thể bị suy giảm.

Cơ chế lạ thường

Loại vắc xin ngừa phế cầu khuẩn pneumococcal đang dần biến mất tại thị trường Trung Quốc đại lục sau khi giấy phép của hãng Pfizer, đơn vị chủ lực cung cấp loại vắc xin này đã hết hạn từ 1 năm trước đây.

Hiện chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa chấp nhận cấp phép mới cho Pfizer và đây là nguyên nhân gây ra tình trạng khan hiếm hàng trên thị trường.

Trong khi đó, Trung Quốc hiện chưa có công ty nào đủ khả năng sản xuất loại vắc xin pneumococcal dành cho trẻ em dưới 2 tuổi, mặc dù loại vắc xin này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị tất cả các quốc gia nên sử dụng.

Nguyên nhân của việc chưa cấp phép cho Pfizer bắt nguồn từ quy định xét duyệt của các cơ quan hành chính nhà nước.

Theo đó, những doanh nghiệp dược phẩm quốc tế cần thử nghiệm lâm sàng tại Trung Quốc bất chấp chúng đã được thử nghiệm thành công và chứng nhận ở bất kỳ đâu khác. Đôi khi, tiêu chuẩn thử nghiệm của một số địa phương và theo yêu cầu của cơ quan hành chính còn khắt khe hơn cả các tiêu chuẩn của WHO, qua đó làm chậm tiến trình cấp phép sau nhiều năm.

Vắc xin phòng chống HPV, một loại ung thư cổ tử cung sản xuất bởi 2 hãng dược nổi tiếng quốc tế là Merck và Glaxo vốn được WHO khuyến nghị trên toàn thế giới nhưng cũng không được bán tại Trung Quốc do chưa được cấp phép.

Quay trở lại trường hợp của ông Ding, vị chuyên gia công nghệ này cho biết bình đã phải trả thêm 50% phí dịch vụ cho nhân viên môi giới để có thể được tiêm mũi vắc xin đầu tiên tại Hồng Kông.

Sau khi những vụ buôn bán vắc xin trái phép được các cơ quan an ninh triệt phá tại Trung Quốc đại lục, chính quyền Hồng Kông đã phải tuyên bố chỉ có 120 trẻ em không phải cư dân đặc khu này được phép tiêm vắc xin mối tháng.

Động thái trên của Hồng Kông là nhằm ngăn chặn làn song tràn sang đặc khu này để tiêm vắc xin khi niềm tin về chất lượng vắc xin tại Trung Quốc đại lục giảm sút. Không riêng gì vắc xin, nhiều mặt hàng như sữa trẻ em, thuốc chữa ung thư cũng bị Hồng Kông siết chặt kiểm soát nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu qua biên giới.

Hãng Pfizer cho biết họ đang làm việc với chính phủ Trung Quốc trong việc đăng ký và cấp phép kinh doanh cho sản phẩn vắc xin loại pneumococcal. Hiện dán phẩm của hãng đã nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia cho trẻ em tại 102 nước và được cấp phép ở hơn 150 nước.

Trong khi đó, hãng Merck cho biết họ đã hoàn thành thí nghiệm lâm sàng tại Trung Quốc và đã gửi hồ sơ đến Cục Quản lý Dược Trung Quốc từ năm 2012 nhưng vẫn đang bị các cơ quan quản lý “xem xét”.

Một điều trớ trêu là năm 2015, nước này có khoảng gần 100.000 trường hợp mới mắc bệnh ung thư cổ tử cung.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM