Các cửa hàng xa xỉ Châu Âu lao đao vì thiếu khách Trung Quốc

27/08/2022 17:42 PM | Xã hội

Trung Quốc là khách hàng chi tiêu cho đồ xa xỉ nhiều nhất thế giới, chiếm đến 1/3 tổng doanh số toàn cầu, tương đương 93 tỷ Euro, nên việc thiếu vắng họ đang khiến nhiều cửa hàng Châu Âu méo mặt.

Theo tờ Financial Times, các khách hàng Trung Quốc vốn là động lực tăng trưởng cho những cửa hàng xa xỉ tại Châu Âu đang dần biến mất kể từ năm 2020. Với tương lai không biết khi nào họ sẽ quay lại, những cửa hàng này đang phải thay đổi chiến thuật kinh doanh, từ bán những món đề dễ mua với du khách chuyển sang chuyên cá nhân hóa phục vụ người địa phương.

Đây là một thông tin chẳng mấy vui vẻ gì cho các nhãn hàng bởi theo hãng tư vấn Bain, Trung Quốc là khách hàng chi tiêu cho đồ xa xỉ nhiều nhất thế giới, chiếm đến 1/3 tổng doanh số toàn cầu, tương đương 93 tỷ Euro. Tuy nhiên chỉ có 1.3 doanh số này là ở Trung Quốc, còn lại người dân nước này đi mua ở nước ngoài, nhất là Châu Âu.

Các cửa hàng xa xỉ Châu Âu lao đao vì thiếu khách Trung Quốc - Ảnh 1.

Người Trung Quốc chuyển từ mua hàng xa xỉ tại nước ngoài sang mua trong nước

Những du khách Trung Quốc cho rằng việc mua hàng xa xỉ tại Châu Âu sẽ chính thống hơn, đồng thời rẻ hơn nhờ các cửa hàng miễn thuế.

Hệ quả là người Trung Quốc trở thành những du khách mua hàng xa xỉ bình quân đầu người cao nhất thế giới, chiếm đến 2/3 doanh số ngành này ở Châu Âu trước đại dịch.

Số liệu của Visit Britain và Global Blue cho thấy vào năm 2019, Trung Quốc chỉ chiếm 5% lượng du khách ngoài Châu Âu đến Anh nhưng lại chiếm đến 32% tổng doanh số của các cửa hàng miễn thuế.

Hãng tư vấn Bain cho biết chính điều này đã khiến hàng loạt các cửa hiệu bán lẻ đồ xa xỉ xoay quanh du khách Trung Quốc. Họ không chỉ thuê nhân viên nói tiếng Trung mà còn bày bán những sản phẩm phù hợp thị hiếu của quốc gia tỷ dân này. Thêm nữa, các mặt hàng dễ mua khi vội đi du lịch như túi xách cũng được bày nhiều hơn so với quần áo, vốn thường mất thời gian thử đồ.

Cô Jingjing Zhou, một tư vấn bán hàng cho cửa hiệu Galeries Lafayette tại Paris vốn là một trong số những người được tuyển dụng trước năm 2020 cho biết đấy là khoảng thời gian hoàng kim của những du học sinh như cô.

Vì không có nhiều người biết tiếng trung nên những du học sinh thường dễ dàng được nhận, có doanh số tốt, ký được hợp đồng làm thuê dài hạn. Nhưng tình hình giờ đây không còn dễ dàng như vậy nữa.

Các cửa hàng của Galeries Lafayette thường đều có ít nhất 1 nhân viên biết tiếng Trung túc trực, nhưng giờ đây ngay cả những người như cố Zhou cũng dùng tiếng Pháp bán hàng là chính.

Số liệu của China Outbound Tourism Research Institute cho thấy trong quý I/2022, chỉ có 200.000 người du lịch ra ngoài Trung Quốc đại lục, tương đương 1% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngay cả những thương hiệu lớn như LVMH dù đang tăng trưởng doanh số nhờ các chi nhánh tại Trung Quốc thì cũng phải thay đổi chiến thuật cho các cửa hàng của họ tại Châu Âu.

Theo hãng Bain, việc duy trì các cửa hàng tại những mặt tiền xa xỉ là quá đắt đỏ, chưa kể đến chi phí đào tạo...trong khi tệp khách hàng đã thay đổi.

Các cửa hàng xa xỉ Châu Âu lao đao vì thiếu khách Trung Quốc - Ảnh 2.

Doanh số bán hàng xa xỉ cho du khách Trung Quốc tại Châu Âu giảm mạnh

Thị trường thay đổi

Thay vì du khách Trung Quốc, sự trỗi dậy của nhóm khách hàng đến từ Trung Đông và Mỹ nhờ đồng USD tăng giá đã làm thay đổi tình hình.

Bên cạnh đó, khách hàng địa phương cũng được chú ý nhiều hơn, dù tiêu chuẩn của nhóm này cao hơn so với du khách Trung Quốc.

Trong khi đó, người Trung Quốc vì tình hình dịch bệnh lại tăng cường mua sắm tại quê nhà, khiến những hãng như LVMH có chi nhánh tại đây thu lợi lớn. Số liệu của Yaok Group cho thấy nếu 70% doanh số hàng xa xỉ của người Trung Quốc trước dịch là ở nước ngoài thì hiện nay 70% lại là ở trong nước.

Nhiều thương hiệu bán lẻ Châu Âu cũng đang phải tìm đường mở chi nhánh tại Trung Quốc trước tình hình đại dịch phức tạp. Cô Zhou cho biết sắp tới Galeries Lafayette sẽ đóng cửa một số chi nhánh ở Paris để chuyển sang xây dựng cửa hàng đầu tiên tại Thượng Hải.

Mặc dù doanh số bán lẻ của Trung Quốc suy giảm trong quý II/2022 vì đại dịch nhưng về trung hạn, nhiều chuyên gia dự báo thị trường này sẽ bùng nổ trở lại nhờ tâm lý mua sắm trả thù của người dân.

Báo cáo của Bain cho biết trong năm 2020, Trung Quốc là thị trường hàng xa xỉ duy nhất trên thế giới có tăng trưởng. Bước sang năm 2021, tổng doanh số hàng xa xỉ do khách hàng Trung Quốc chiếm tới 46% tổng doanh số toàn cầu.

"Trong thâm tâm, khách hàng Trung Quốc là thứ mà họ không dễ dàng từ bỏ", cô Zhou nói về Galeries Lafayette.

*Nguồn: FT

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM