Cà phê vợt hơn nửa thế kỷ ở Sài Gòn, khách ngồi dọc con hẻm suốt ngày đêm

11/11/2016 10:13 AM | Kinh doanh

Giữa những xô bồ, người ta vẫn tìm một chốn mà với nhiều người để hoài niệm, để níu giữ lại chút Sài Gòn xưa cũ.

Không biển hiệu, không trang trí, quán cafe vợt tại con hẻm nhỏ ở đường Phan Đình Phùng chỉ có 2 "nồi" cafe ngun ngút khói. Chủ quán là bà Phạm Ngọc Tuyết (khách thường gọi là bà Ba), ngoài 70 tuổi, luôn tay với chiếc vợt, với cafe, sữa... phục vụ các thực khách đang "bao vây" quán, dù lúc này là giờ hành chính trong một buổi chiều giữa tuần.


Bà Tuyết, quê gốc ở Nam Định, với công việc thân quen mà bà gắn bó mấy chục năm.

Bà Tuyết, quê gốc ở Nam Định, với công việc thân quen mà bà gắn bó mấy chục năm.

Uống cà phê ở đây, bạn phải chấp nhận chuyện không có không gian riêng rộng rãi như nhiều chỗ khác. Hầu hết những người nghiền thứ nước đen sánh này đều đã quen tự xếp ghế ngồi dọc hai bên hẻm, chờ đợt những ly cà phê từ đôi tay thoăn thoắt của một người phụ nữ già tuổi đã thất thập.

Cafe ở đây không pha bằng phin hay máy như bất cứ nơi nào trên thế giới, mà được chắt chiu từ những chiếc vợt vải lưu giữ nét xưa của mảnh đất Sài Gòn. Những chiếc vợt bám màu cà phê đã ngả vàng này chính là linh hồn của quán nhỏ suốt 60 năm qua.

Cà phê bột được giữ nóng trong hai chiếc nồi nhôm lớn đặt trong xe đẩy, phía dưới bếp tiếp nhiệt. Đồ nghề cơ bản cũng chỉ cần có bấy nhiêu, còn lại là nhờ tay nghề người pha cùng nguyên liệu đường, sữa đặc.

Con hẻm nhỏ này lúc nào cũng tấp nập. Khách ngồi dọc bên sườn hẻm. Đôi khi người ta tìm tạm một nơi nào đó gần quán rồi tự lấy ghế ra ngồi.

Khách ở đây rất đa dạng. Có những người già muốn ôn lại chút Sài Gòn xưa, người trung tuổi, giới thanh niên.... Họ kéo ghế, ngồi cạnh nhau, trò chuyện hoặc sống trong thế giới của riêng mình. Họ nhâm nhi ly cà phê bình dân với giá chỉ vài trên dưới chục ngàn, vừa nói chuyện đời, vừa hóng gió trời.

Khách mua mang về cũng khá nhiều, những chiếc xe tấp lại mua rồi đi ngay nối nhau không ngớt.

"Chúng tôi đã bán cà phê hơn 60 năm nay, cả ngày cả đêm. Vợ chồng tôi bán ban ngày. Ban đêm là các con", bà Tuyết nói.

"Cà phê pha bằng vợt, nước lúc nào cũng phải sôi. Nếu cà phê có hương liệu, pha nước sôi là hương liệu bay liền hoặc còn lưu lại rất ít. Gia đình chúng tôi chọn cà phê mối quen. Mua hạt, sau đó, về phơi, rang, xay. Nhưng không phải mua nay, mai dùng mà có khi là để hàng năm sau mới sử dụng để có được hương vị tốt nhất", ông Côn (chồng bà Tuyết) cho biết.


Những chiếc vợt được giặt sạch, phơi khô chờ sẵn.

Những chiếc vợt được giặt sạch, phơi khô chờ sẵn.

Ông bà cũng không nhớ mỗi ngày bán được bao nhiêu ly. "Tuổi già nhưng lúc nào chúng tôi cũng bận rộn và nhờ đó, chúng tôi thấy khỏe ra. Có những người từ quận 1, quận 7, quận 3 vẫn thường xuyên đến đây uống cafe. Nhiều người quen đến mức, thấy họ là tôi biết họ uống gì và pha như thế nào cho hợp vị. Quán đông nhất là vào giờ tan tầm", bà Tuyết vừa cười vừa nói.

"Cà phê ở đây ngon và tôi thấy an tâm. Họ pha cà phê với sữa ông Thọ, đường Biên Hòa. Tôi ngồi đây riết thành quen và thích cái không khí này", người đàn ông ngoại lục tuần tên Vinh, khách "ruột" của quán mấy chục năm nay nói chuyện với chúng tôi.

Còn anh Thành, 29 tuổi, thì so sánh cà phê ở quán này với cà phê Trung Nguyên. "Tôi trước đây hay uống Trung Nguyên. Bên đó, mọi thứ sang chảnh. Còn ở đây rất bình dân. Tôi thấy cà phê ở đây gần tương đương với Trung Nguyên".


Bảng giá các loại đồ uống được dán lên tường ở ngoài đường một cách rất đơn sơ.

Bảng giá các loại đồ uống được dán lên tường ở ngoài đường một cách rất "đơn sơ".

Cà phê vợt khá phổ biến ở Sài Gòn trước những năm 1975. Sau này, số lượng giảm dần để nhường chỗ cho cà phê kiểu phương Tây, sang chảnh, tiện nghi. Giữa những xô bồ, người ta vẫn tìm một chốn mà với nhiều người để hoài niệm, để níu giữ lại chút Sài Gòn xưa cũ.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM