Tổng công ty cà phê phải dứt ruột bán Vinacafe Biên Hòa, nếu không sẽ lỗ khủng

14/09/2016 14:51 PM | Kinh doanh

Năm 2015, Tổng công ty cà phê Việt Nam lãi ròng gần 90 tỷ đồng, phần lớn là nhờ doanh thu tài chính lên đến gần 600 tỷ đồng.

Không bán Vinacafe Biên Hòa, sẽ lỗ khủng

Theo báo cáo tài chính của Tổng công ty cà phê Việt Nam (Vinacafe), năm 2015, Vinacafe lãi ròng gần 90 tỷ đồng – tăng 65% so với năm 2014 mặc dù doanh thu thuần cũng như lợi nhuận gộp giảm mạnh. Nguyên nhân đến từ khoản doanh thu tài chính lên đến 587 tỷ đồng, trong đó riêng lãi từ bán các khoản đầu tư là 489 tỷ đồng.

Đây chính là lợi nhuận từ việc bán đi toàn bộ 3,41 triệu cổ phần tương đương tỷ lệ sở hữu 12,85% tại Vinacafe Biên Hòa (mã: VCF ) hồi cuối năm 2015. Khi đó, VCF được chuyển nhượng với giá 153.000 đồng/cp, đem về cho Vinacafe 533 tỷ đồng.

Có thể thấy, nếu không nhờ việc bán đi VCF thì với khoản lãi gộp chỉ có hơn 100 tỷ đồng - không đủ để chi trả cho những khoản chi phí lớn, đặc biệt là chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 400 tỷ đồng - Vinacafe sẽ đối mặt với con số lỗ hàng trăm tỷ đồng trong năm vừa qua.

Đó là chưa kể đến hàng loạt ý kiến ngoại trừ của kiểm toán về các khoản công nợ và dự phòng phải thu chưa ghi nhận chi phí.

Sau giao dịch thoái vốn của Vinacafe, hiện tại cơ cấu cổ đông lớn của VCF bao gồm Công ty TNHH MTV Masan Beverage nắm gần 16 triệu cổ phiếu (60,16%) và Gaoling Fund L.P nắm 6,2 triệu cổ phiếu (23,33%).

Vì sao lại là dứt ruột?

Vinacafe Biên Hòa tiền thân là nhà máy cà phê Coronel, ra đời từ năm 1969. Cùng với nhiều thăng trầm của lịch sử, đây chính là đơn vị đã tạo ra thương hiệu Vinacafe và đưa thương hiệu này vươn ra tầm quốc tế trước cả khi về với Tổng công ty cà phê Việt Nam vào năm 1988.

Khi tiến hành niêm yết trên sàn HOSE, Tổng công ty cà phê là cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 50% vốn cổ phần của Vinacafe Biên Hòa. Tuy nhiên trong các năm sau đó, Vinacafe đã thoái vốn dần. Trước đợt bán nói trên, lần lượt vào tháng 6/2011 và tháng 12/2013, Tổng công ty cà phê Việt Nam đã bán ra 3,4 triệu cổ phần và 6,5 triệu cổ phần VCF, thu về hơn 1.000 tỷ đồng.

Các đợt thoái vốn trước đây khỏi Vinacafe Biên Hoà cũng giúp Vinacafe "vớt vát" được phần nào hoạt động kinh doanh chính không mấy sáng sủa của mình.

“Bán đứt” Vinacafe Biên Hòa đồng nghĩa với việc Tổng công ty cà phê Việt Nam đã bán đi tài sản giá trị nhất của mình và những gì còn lại là những đơn vị kinh doanh cà phê đang ở trong tình cảnh vô cùng khó khăn. Một trường hợp điển hình là Vinacafe Buôn Ma Thuột - một công ty liên kết của Vinacafe - với khoản lỗ hơn nghìn tỷ đồng.

Với tình hình hiện tại, bán đi những tài sản giá trị là giải pháp nhanh nhất giúp Tổng công ty này có tiền tươi thóc thật để làm những gì cần thiết, nhưng trong những năm tới, khi không còn tài sản như Vinacafe Biên Hòa nữa, Tổng công ty cà phê Việt Nam sẽ cải thiện các con số tài chính như thế nào?

Theo Minh Châu

Cùng chuyên mục
XEM