Bữa tối giữa các nhà đàm phán thương mại Mỹ - Trung và quả tạ thuế quan lủng lẳng trên đầu
Ngày đàm phán đầu tiên đã kết thúc. Bữa tối giữa Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin diễn ra dưới những áp lực to lớn về thuế quan.
Nụ cười chưa được giải mã của nhà đàm phán Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc vào 0h01’ ngày 10/5 nếu đàm phán thương mại không tiến triển. Tưởng như đã bị hủy bỏ, cuối cùng, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vẫn dẫn đầu đoàn đàm phán nước này tới Washington để thảm luận về thỏa thuận thương mại.
Cuộc đàm phán, diễn ra trong 2 ngày 9 và 10/5, đã không diễn ra trong bầu không khí vui vẻ như phía Mỹ thông báo hồi tuần trước. Vài ngày trước hai đoạn tweet gây rúng động thị trường tài chính toàn cầu của ông Trump, phía Mỹ tin tưởng thỏa thuận thương mại sẽ đạt được sau cuộc gặp ngày 10/5, tín hiệu tích cực với chứng khoán toàn cầu.
Trong bối cảnh Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ với thông điệp của ông Trump, việc ông Lưu tới Washington đã được coi là một tín hiệu khả quan, dù người ta cũng không mấy lạc quan về kết quả đàm phán. Kết thúc ngày làm việc đầu tiên, các quan chức thương mại hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đã có bữa tối cùng nhau tại Khách sạn Metropolitan.
Ông Lưu Hạc tới Phòng Đại diện Thương mại Mỹ ngày 9/5.
Lúc 20h40, ông Lưu bước khỏi nhà hàng với một nụ cười. Không ai có thể đoán nụ cười ấy có ý nghĩa gì, nhất là khi Phó thủ tướng Trung Quốc từ chối trả lời các câu hỏi về các diễn biến trong cuộc đàm phán. Trước đó, ông Lưu đã thảo luận tại Phòng Đại diện Thương mại trong khoảng 90 phút. Cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục vào ngày 10/5 theo giờ Mỹ trong bối cảnh các nhà quan sát không hy vọng vào bất kỳ đột phá nào.
Ngay trước cuộc đàm phán, phát biểu với Truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Lưu cho biết mình tới Washington dưới những áp lực của sự chân thành và cảnh báo rằng việc Mỹ tăng thuế hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ không phải là giải pháp và gây đau đớn cho cả Mỹ và Trung Quốc.
Nếu Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% với hơn 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đây sẽ là sự leo thang lớn nhất từ trước tới nay trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Lời đe dọa này được đưa ra khi các quan chức Mỹ cáo buộc phía Trung Quốc phá hỏng thỏa thuận thương mại khi từ bỏ những gì họ đã cam kết.
Hy vọng mong manh
Trước cuộc đàm phán, Trung Quốc đã thể hiện sự cứng rắn. Không chỉ riêng phát biểu của ông Lưu trước khi tới Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng tuyên bố đáp trả lại các biện pháp đánh thuế của Mỹ bằng những biện pháp phù hợp. Tuy nhiên, phía Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng leo thang căng thẳng thương mại sẽ chỉ gây ra đau đớn cho tất cả các bên.
Ngay trước khi các cuộc đàm phán thương mại diễn ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại thắp lên hy vọng cho một thỏa thuận thương mại khi tuyên bố Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được tiếng nói chung trong tuần này. Được coi là sự trẫn tĩnh thị trường tài chính Mỹ, ông Trump cho biết ông đã nhận được một bức thư từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và có thể đàm phán qua điện thoại với nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái), Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (giữa) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.
Tuy nhiên, theo một quan chức cấp cao của Chính quyền Trump, không có cuộc gọi nào giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung Quốc trong ngày 9/5 và cũng không có cuộc gọi nào được lên kế hoạch. Trong khi đó, việc nâng thuế sẽ được Mỹ tiến hành vào lúc 0h01 ngày 10/5, tức trưa nay theo giờ Hà Nội. Như vậy, ngày đàm phán tiếp theo giữa phái đoàn thương mại Mỹ và Trung Quốc có thể diễn ra khi mức thuế 25% đã được thực thi.
Gregory Daco, chuyên gia kinh tế trưởng của Oxford về kinh tế Mỹ, cho rằng, nếu Washington đánh thuế toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, GDP toàn cầu sẽ giảm 0,5% vào năm 2020. Nếu những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng nổ thành một cuộc chiến toàn cầu, sự suy thoái kinh tế là điều không thể tránh khỏi.
Tâm trạng của cả hai bên tham gia đàm phán dường như đều rất khó khăn, nhất là khi Đại diện Thương mại Lighthizer thông báo với các thành viên Quốc hội Mỹ rằng một thỏa thuận gần như chắc chắn sẽ không thể đạt được trong tuần này.
Không giống như những chuyến đi tới Washington trước đây, bên cạnh ông Lưu không có "đặc phái viên" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Phía Trung Quốc thì nhiều lần công khai cảnh báo sẽ thực hiện các động thái đáp trả phía Mỹ và phủ nhận cáo buộc của Tổng thống Trump cho rằng họ phá vỡ các cam kết. Bắc Kinh cũng phát tín hiệu của riêng mình cho thấy thỏa thuận thương mại có thể mất thời gian.
Lúc này, những người lạc quan nhất cũng khó hy vọng vào một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trước hạn chót. Trong khi đó, sự leo thang căng thẳng chắc chắn sẽ tiếp tục tác động tới thị trường tài chính toàn cầu, nhất là khi Trung Quốc tiến hành các biện pháp đáp trả như lời họ tuyên bố. Đó có thể là một tương lai đen tối hơn đang đón chờ các nhà đầu tư.
Theo nguồn thông tin của Bloomberg, những dòng tweet của ông Trump đã thổi bay 2,1 nghìn tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu. Nó cũng là nguyên nhân dẫn tới việc các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt bán tháo các cổ phiếu Trung Quốc. Chứng khoán toàn cầu, bao gồm cả Mỹ, cũng đang phải đối mặt với những sự sụt giảm tồi tệ.