Trung Quốc đang sở hữu “vũ khí” gì để đấu với Mỹ?
Trung Quốc có vũ khí thị trường tài chính đầy sức mạnh trong cuộc đối đầu thương mại với Mỹ, trong đó phải kể đến trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ và đồng nhân dân tệ.
Trung Quốc có vũ khí thị trường tài chính đầy sức mạnh trong cuộc đối đầu thương mại với Mỹ, trong đó phải kể đến trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ và đồng nhân dân tệ. Thế nhưng tất nhiên việc sử dụng vũ khí này cũng khiến cho Trung Quốc chịu thiệt hại.
Phía Bắc Kinh đã thề sẽ trả đũa nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump thực sự thực hiện lời đe dọa tăng thuế với khoảng 200 tỷ USD hàng Trung Quốc từ ngày thứ Sáu từ 10% lên 25%.
Thế nhưng việc đáp trả “một đổi một” bằng thuế quan nhiều khả năng sẽ không phải biện pháp mà phía Trung Quốc lựa chọn, theo nhận định của quan chức cao cấp Bộ Tài chính Mỹ, ông Brad Setser. Ông hiện đang làm chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế.
Ông Setser nói: “Việc trả đũa tương xứng với hàng nhập khẩu Mỹ sẽ đồng nghĩa với việc áp thuế nhập khẩu 25% với toàn bộ hàng Mỹ vào Trung Quốc, Trung Quốc chắc chắn có thể sẽ làm vậy, tuy nhiên trong nhiều trường hợp nó gây hại cho chính Trung Quốc”.
Tổng thống Trump chú ý đến thị trường tài chính. Ông đã thường xuyên đăng nhiều dòng trạng thái về thị trường chứng khoán. Sau khi Tổng thống Trump thông báo về các biện pháp tăng thuế, S&P 500 đã giảm hàng ngày.
Trung Quốc, đất nước có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, có một số công cụ thị trường mà nước này có thể sử dụng để khiến cho cuộc chiến leo thang. Dưới đây là một số biện pháp mà Trung Quốc có thể sử dụng nhằm trả đũa Mỹ:
Hạ giá đồng nhân dân tệ
Các nhà hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc có thể hạ giá đồng nhân dân tệ để bù lại cho tác động của các biện pháp thuế quan mà Mỹ áp với kinh tế Trung Quốc.
Đồng nhân dân tệ hạ 5,5% so với đồng USD trong năm 2018, điều này không khỏi khiến cho chính quyền Tổng thống Trump không hài lòng và nó cũng khiến cho thị trường dự báo nhiều hơn về khả năng Trung Quốc có thể đang cố tình hạ giá đồng tiền. Tính từ khi Tổng thống Trump dọa tăng thuế vào cuối tuần qua, đồng nhân dân tệ tiếp tục mất giá thêm 1,5% - mức giảm giá trong 4 ngày giao dịch mạnh nhất tính từ tháng 7/2018.
Tuy nhiên, kịch bản tồi tệ mà Trung Quốc đã trải qua vào năm 2015 khi mà dòng vốn rời mạnh khỏi Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc phải chùn tay khi muốn áp dụng biện pháp tương tự, theo phân tích của chuyên gia kinh tế trưởng thuộc UBS AG, bà Tao Wang. Không chỉ vậy, việc đồng nhân dân tệ suy yếu cũng khiến cho chính quyền Tổng thống Trump tức giận và khiến cho thuế quan của Mỹ tăng lên.
Cho đến nay, tiền tệ vẫn là điểm quan trọng trong các cuộc đàm phán thương mại, phía Mỹ không ngừng muốn đồng nhân dân tệ ổn định.
Bán tháo trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ
Trung Quốc hiện đang sở hữu 1,1 nghìn tỷ USD trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ, cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Nếu Trung Quốc giảm lượng nắm giữ trong tổng số 15,9 nghìn tỷ USD trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ, Trung Quốc có thể coi như đang nắm giữ một loại vũ khí quan trọng. Thị trường trái phiếu gặp khó trong năm ngoái khi mà có thông tin cho rằng quan chức Trung Quốc đang muốn mua chậm lại hoặc ngừng hẳn mua trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ.
Tuy nhiên, về phía mình, Trung Quốc thực ra cũng không có lựa chọn nào tốt hơn để có thể đầu tư dự trữ ngoại tệ lên đến 3,1 nghìn tỷ USD – dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới. Ngoài ra, nếu Trung Quốc bán trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ, điều đó có thể khiến cho giá trái phiếu giảm, lợi suất tăng lên và khiến cho giá trị của lượng trái phiếu chính phủ Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ sụt giảm về giá trị.