Brexit - "Cú đánh chí mạng" vào vận mệnh của đồng euro

17/06/2016 16:48 PM | Kinh tế vĩ mô

Trên bầu trời Eurozone và tương lai của đồng Euro đang xuất hiện một đám mây u ám đó là cuộc trưng cầu dân ý rời đi hay ở lại EU của nước Anh vào ngày 23 tới đây.

Kể từ khi ra mắt, đồng Euro , đồng tiền chung của 19 nước châu Âu đã được kỳ vọng sẽ là một đồng tiền có thể thách thức vị thế đồng tiền dự trữ của thế giới mà đồng USD nắm giữ lâu nay.

Tuy nhiên, thời gian càng trôi qua kể từ khi khủng hoảng 2008 nổ ra thì những hy vọng đặt vào đồng Euro hay sự ưa chuộng chọn đồng tiền này như một loại tài sản đảm bảo giá trị lâu dài trên thế giới cũng đang dần yếu đi. Và, trong tình hình hiện giờ khi mà các ngân hàng châu Âu, những đối tượng đóng vai trò đáng kể trong việc phổ biến đồng Euro ra ngoài thế giới, đang thu hẹp quy mô hoạt động kinh doanh bên ngoài Eurozone thì rất có thể vai trò của đồng Euro trên toàn cầu sẽ còn giảm hơn nữa.

Cách đây 10 năm, Deutsche Bank đã đưa ra thống kê cho thấy rằng đồng Euro lúc đó có thể đã chiếm tới 40% tổng dự trữ ngoại hối trên toàn cầu. Nhưng mới đây, theo báo cáo của NHTW châu Âu – ECB công bố trong tháng 6 này (Euro international role 2016), tỷ lệ dự trữ ngoại hối toàn cầu dưới dạng các tài sản, nợ (trái phiếu chính phủ) thanh toán bằng đồng Euro đã giảm đều trong 10 năm qua và tính tới cuối năm ngoái thì tỷ lệ này đã rơi xuống dưới mức 20%.

Tỷ lệ dự trữ ngoại hối bằng đồng Euro tuy có bỏ xa tỷ lệ 4,1% của đồng tiền ở vị trí thứ 3 là đồng Yên Nhật, tuy nhiên vị trí thứ 2 của đồng Euro cũng bị đồng tiền ở vị trí thống trị là đồng USD, bỏ xa với tỷ lệ 64,1%.

Theo thống kê hôm 30/3 của SWIFT* ( xem tại đây ) thì đồng Euro vẫn giữ vị trí là đồng tiền được sử dụng nhiều thứ 2 trên thế giới trong thanh toán quốc tế, nhưng tỷ lệ này đã giảm từ mức 33,52% từ đầu năm 2014 xuống còn 31,47% cuối tháng 2/2016.

Trong khi đó đồng Nhân Dân Tệ của Trung Quốc, một đồng tiền đang lên cũng được đặt nhiều kỳ vọng cạnh tranh với cả USD lẫn Euro, đã leo từ vị trí thứ 7 lên vị trí thứ 5 trong tháng 2 năm nay, với tỷ trọng sử dụng trong thanh toán quốc tế là 1,76%. Thậm chí Nhân Dân Tệ đang được khá nhiều các thể chế tài chính khắp thế giới chấp nhận trong thanh toán quốc tế, tỷ lệ này lên tới gân 40% các thể chế tài chính toàn cầu.

Hiện tại, ngay tại thời điểm được xem là rất nóng này, trên bầu trời Eurozone và tương lai của đồng Euro đang xuất hiện một đám mây u ám đó là cuộc trưng cầu dân ý rời đi hay ở lại EU của nước Anh vào ngày 23 tới đây.

Nước Anh có vai trò thống lĩnh, chi phối hoạt động của thị trường tiền tệ, ngoại hối thế giới vì theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng thanh toán quốc tế - BIS ( xem tại đây ) thì Anh xử lý tới 41% tổng số các giao dịch trên thị trường ngoại hối (foreign exchange market – FX) toàn cầu. London vẫn được xem là trung tâm tài chính, tiền tệ của thế giới dù nước Anh đã không còn là nền kinh tế lớn nhất thế giới từ hơn 100 năm trước. Tỷ lệ xử lý các giao dịch tiền tệ của Anh gấp đôi so với mức 19% của Mỹ và gấp gần 8 lần mức 5,7% của Singapore (trung tâm tiền tệ thứ 3 thế giới).

Và nếu Anh rời EU thì sẽ gây tác động tới khả năng giao dịch các loại cổ phiếu, trái phiếu và các hợp đồng hoán đổi lãi suất – Interest rate swap… thanh toán bằng đồng Euro của các nhà giao dịch tại Luân Đôn. Việc hoán đổi tiền tệ giữa Bảng Anh với Euro, Euro với Bảng Anh hay Euro với các đồng tiền khác sẽ chặt chẽ, phức tạp hơn so với lúc Anh còn trong EU và được hưởng các quy chế nhất định của EU và Eurozone.

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất đe dọa vị thế của đồng Euro lúc này đến từ sự co hẹp hoạt động kinh doanh trên toàn cầu của các ngân hàng đầu tư của châu Âu. Các ngân hàng này đã góp phần đáng kể vào việc đưa đồng euro trở nên trên khắp thế giới thông qua hoạt động đầu tư, cho vay của mình. Nhưng giờ hoạt động này lại đang thu hẹp đáng kể. Như Deutsche Bank (Đức) 10 năm về trước đã kiểm soát tới hơn 18% thị trường ngoại hối, trong khi Barclays (Anh) chiếm hơn 11% thị phần giao dịch trên thị trường ngoại hối. Nay tỷ lệ này lần lượt đã giảm xuống còn 7,9% và 5,7%.

Thêm vào đó các ngân hàng Mỹ, đối thủ trực tiếp cạnh tranh thị phần với các ngân hàng châu Âu, cũng cho phép giao dịch đồng Euro và như vậy rõ ràng là hoạt động kinh doanh của các ngân hàng châu Âu đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn, dẫn đến khả năng đưa đồng Euro ra toàn thế giới sẽ càng bị hạn chế hơn nữa.

Đồng bảng Anh chính là một ví dụ cho thấy tầm quan trọng về vai trò của các ngân hàng đầu tư trong hoạt động phổ biến tiền tệ. Cũng từng là đồng bản vị vàng của thế giới cách đây hơn trăm năm, giờ đây vai trò của đồng Bảng đã giảm sút đáng kể đi cùng với sự suy giảm hoạt động của những tên tuổi như Barclays. Tỷ lệ sử dụng trong thanh toán quốc tế của đồng Bảng Anh đã giảm từ mức 9,37% vào năm 2014 xuống còn 8,78% cuối năm ngoái. Ngược lại, tỷ lệ sử dụng đồng Franc Thụy Sĩ đã nhích lên một chút, từ mức 1,38% lên 1,52% do thị phần kiểm soát giao dịch trên thị trường ngoại hối của ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) tăng lên mức 8,8% từ mức 7,3%.

Tất cả những vấn đề này đều nổ ra mạnh mẽ từ sau khủng hoảng 2008 và khủng hoảng nợ Eurozone. Điều đó cho thấy một Siêu quốc gia - mái nhà chung EU và Eurozone - không được chống đỡ bởi những nền móng tốt và đáng tin cậy. Hoàn toàn dễ hiểu khi vị thế suy yếu của đồng Euro hiện nay chính là hình ảnh phản chiếu về một EU và Eurozone đang bên bờ vực sụp đổ.

* Hội viễn thông tài chính liên ngân hàng thế giới – SWIFT hiện có trên 11 nghìn thành viên là các tổ chức tài chính, ngân hàng ở trên 200 quốc gia. Có thể nói hầu hết các giao dịch thanh toán quốc tế trên thế giới đều phải thông qua SWIFT và được ghi nhận, theo dõi trên mạng lưới này.

Theo Tuấn Anh

Cùng chuyên mục
XEM