Bộ Y tế khuyến cáo: Tránh mua thuốc qua mạng xã hội, livestream

21/04/2025 16:34 PM | Kinh doanh

Bộ Y tế cảnh báo tình trạng thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả tràn lan và khuyến cáo chỉ mua thuốc tại nhà thuốc, quầy thuốc được cấp phép, có địa chỉ rõ ràng.

Bộ Y tế khuyến cáo: Tránh mua thuốc qua mạng xã hội, livestream- Ảnh 1.

Trước thực trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng đang ngày càng xuất hiện tinh vi, Bộ Y tế vừa phát đi khuyến cáo yêu cầu người dân nâng cao cảnh giác, đặc biệt không nên mua thuốc từ các nguồn không rõ ràng như chợ, hàng rong hoặc qua mạng xã hội, livestream.

Theo Bộ Y tế, thuốc là mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay không ít người dân vì tin lời quảng cáo trên mạng, livestream hoặc ham rẻ mà mua thuốc không rõ nguồn gốc, không được kiểm soát chất lượng. Những sản phẩm này có thể chứa hoạt chất không đúng quy định, sai liều lượng hoặc thậm chí là không có tác dụng điều trị. Nghiêm trọng hơn, việc sử dụng thuốc giả, thuốc không đạt chất lượng còn có thể gây ra các phản ứng phụ nguy hiểm, khiến bệnh tình trở nặng hoặc dẫn đến hậu quả lâu dài cho sức khỏe.

Để đảm bảo an toàn, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chỉ nên mua thuốc tại nhà thuốc, quầy thuốc được cấp phép, có địa chỉ rõ ràng. Khi mua cần kiểm tra kỹ bao bì, tem nhãn, hạn sử dụng và đặc biệt là thông tin về số đăng ký thuốc, số lô sản xuất, tên nhà sản xuất, nhà phân phối.

Ngoài ra, người tiêu dùng được khuyên nên sử dụng các ứng dụng quét mã vạch hoặc mã QR để xác minh thông tin sản phẩm. Việc yêu cầu hóa đơn khi mua thuốc cũng là cách giúp người tiêu dùng có cơ sở pháp lý nếu phát hiện sản phẩm không đạt chất lượng.

Đối với mặt hàng thực phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng cần cảnh giác với quảng cáo sai sự thật như cam kết chữa bệnh, "hiệu quả sau vài ngày", "bài thuốc gia truyền", hoặc dùng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ để tăng độ tin cậy. Sản phẩm hợp pháp bắt buộc phải có dòng chữ: "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh."

Ngoài ra, cần kiểm tra kỹ nhãn sản phẩm: phải có tên sản phẩm, hạn dùng, thành phần, hướng dẫn sử dụng, số đăng ký công bố, số xác nhận quảng cáo (nếu có), cùng tên và địa chỉ đơn vị sản xuất, phân phối rõ ràng.

Đáng chú ý, kể từ ngày 1/7/2025, chỉ các website được Bộ Y tế cấp phép mới được phép bán thuốc trực tuyến. Người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ thông tin trước khi đặt mua thuốc online, tuyệt đối không giao dịch với các cá nhân, tổ chức rao bán thuốc trên mạng xã hội, hội nhóm hoặc qua hình thức livestream, vì không có cơ chế kiểm soát chất lượng và nguồn gốc sản phẩm.

Bộ Y tế kêu gọi người dân nâng cao ý thức, không chủ quan với việc mua thuốc. Hành động đơn giản như chọn đúng nơi bán có thể là yếu tố quyết định giúp bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình khỏi nguy cơ tiềm ẩn từ thuốc giả.

Thúy Hạnh

Cùng chuyên mục
XEM

NỔI BẬT TRANG CHỦ

Cõi mạng đồn brand thời trang Việt 22 năm tuổi đóng cửa: Dân tình xếp hàng dài mua đồ sale sập sàn trong nước mắt

Thông tin về thương hiệu thời trang Việt 22 năm tuổi trả mặt bằng, đóng cửa vĩnh viễn đang gây xôn xao mạng xã hội.

Làm điều chưa ai từng làm: Chuyện Sendo hồi sinh ngoạn mục nhờ từ bỏ TMĐT, thâm nhập thị trường ngách gần 3 tỷ USD, hút 1 triệu khách hàng

Ngày 15/4/2025, Sendo chính thức thông báo dừng hoạt động TMĐT nhưng đây chưa phải dấu chấm hết với công ty.

Lần đầu tiên trong 10 năm, thị phần của Google xuống dưới 90% vì người dùng ‘chạy trốn’ sang AI, dù cố níu kéo bằng Gemini nhưng chẳng ăn thua

Phó chủ tịch cấp cao phụ trách dịch vụ của Apple, ông Eddy Cue cho biết lần đầu tiên trong 22 năm, lượt tìm kiếm của Google đã giảm trên Safari. Phải chăng triều đại thống trị của Google trong mảng tìm kiếm trực tuyến đã bắt đầu đi đến hồi kết?