Bỏ quốc tế, về với ao làng, Go Jek đã đè bẹp Uber, Grab, thành ứng dụng gọi xe lớn nhất Indonesia
Nadiem Makarim, chàng trai 32 tuổi, đã biến Go Jek thành đối thủ lớn nhất của Uber, Grab tại thị trường Indonesia đồng thời truyền cảm hứng cho nhiều startup khác trong lĩnh vực vận chuyển.
Go-Jek, startup kỳ lân đầu tiên của Indonesia, đang được định giá ở mức 3 tỷ USD sau khi có tin đồn huy động thành công 1,2 tỷ USD từ “gã khổng lồ” Tencent vào tháng 5 năm nay. Chỉ trong hơn hai năm kể từ khi xuất hiện, hình ảnh hàng nghìn người lái xe với đồng phục màu xanh lá, len lỏi qua các tuyến đường đông đúc của thủ đô Jakarta để chở người, giao báo, vận chuyển hàng hóa… đã trở nên quá quen thuộc với người dân địa phương.
Nhưng đó chỉ là một phần trong tham vọng của Go Jek. “Tôi tin rằng trong vòng 3-4 năm tới, mọi giao dịch sẽ được thực hiện trên điện thoại. Việc này không chỉ gói gọn trong lĩnh vực gọi xe, giao hàng mà còn mở rộng ra mọi ngành dịch vụ khác”, Nadiem Makarim, CEO, đồng sáng lập Go Jek cho biết.
Trong khi các ứng dụng gọi xe khác như Uber, Grab tập trung vào một ngành dịch vụ lõi sau đó mở rộng ra các thị trường khác nhau, thì Go Jek tìm cách đáp ứng rất nhiều nhu cầu của khách hàng, từ cung cấp dịch vụ dọn nhà, y tế đến giao nhận thực phẩm.
“Mục tiêu của chúng tôi không phải là chinh phục thế giới, mà là chinh phục người dùng. Chúng tôi không bán dịch vụ, chúng tôi bán sự tin cậy. Đó là giá trị kinh doanh cốt lõi của Go Jek”.
Makarim cho biết Go Jek đã đạt 40 triệu lượt tải với 10 triệu người sử dụng trung bình mỗi tuần, chiếm 50% hoạt động vận tải của Indonesia nói chung và và 95% thị trường giao nhận đồ ăn nói riêng.
Go Jek cũng truyền cảm hứng cho một loạt startup gọi xe ở Đông Nam Á như U-Hop của Phiilippines, Banana Bike của Thái Lan hay CatchThatBus của Malaysia. Tuy nhiên để đạt thành công như mô hình Go Jek, những ứng dụng này cần tập trung phát triển dịch vụ cốt lõi là vận tải, bên cạnh đó tiếp tục mở rộng sang các nhánh khác trong khi vẫn duy trì được độ tín nhiệm của khách hàng. Đó không phải là bài toán dễ.
Từ bỏ môi trường quốc tế để về với "ao làng"
Makarim, 32 tuổi, sở hữu ánh nhìn dữ dội và nụ cười hiền lành. Văn phòng làm việc của anh ở khu phía Nam Jarkarta là sự kết hợp giữa kiến trúc của nhiều công ty công nghệ hiện nay: những bức tường gạch, khu vựa chơi game, quầy bar…với nét đặc trưng của Indonesia như hình vẽ graffiti, khu vực ăn trưa tự chọn và những khoảng không gian hút thuốc rộng rãi, nơi mùi ngọt ngào của thuốc lạ cuộn thường lảng vảng trong không khí.
Nadiem Makarim, CEO, đồng sáng lập Go Jek
Giống như môi trường xung quanh mình, con người Makarim là sự pha trộn của văn hóa Đông Tây. Anh lớn lên và học tập ở phương Tây nhưng vẫn trở về Indonesia để phát triển. Ông nội anh là một trong những anh hùng giải phóng dân tộc của Indonesia; bố anh là luật sư nổi tiếng còn mẹ anh là một nhà hoạt động chống tham nhũng.
"Kể từ khi tôi còn là một đứa trẻ, gia đình luôn nhắc nhở tôi dù tôi được nuôi dạy ở nước ngoài, tôi nên trở về Indonesia và làm điều gì đó cho đất nước mình, bởi đó là nơi kết nối chúng tôi thành một gia đình”.
Mặc dù là một phần của tầng lớp “trí tuệ”, học tiểu học tại Jarkarta, trung học ở New York, trung học phổ thông ở Singapore và là sinh viên đại học Brown trong top trường Ivy League, Makarim chưa bao giờ cảm thấy mình thật sự thuộc về những nơi này.
Năm 2006, anh trở lại Jakarta và làm cho tập đoàn McKindsey. Năm 2009, Makarim trở về Mỹ theo học trường kinh doanh Havard (Harvard Business School). Mùa hè năm 2010, Makarim về lại quê nhà Jakarta, nơi anh tìm thấy cảm hứng trong các góc phố hỗn loạn và ngập tràn khói bụi, nơi anh thoải chia sẻ những điếu thuốc lá và chuyện trò với cánh lái xe ôm, thường được gọi là ojeks trong tiếng địa phương.
Makarim nhận ra những người lái xe này phải dành tới 3/4 thời gian một ngày để chờ đợi khách, làm việc độc lập và không gắn bó với tổ chức nào cả. Vì không có mức giá rõ ràng, một số lái xe đòi tới 4 USD cho một quãng đường rất ngắn. Và chẳng có gì ngạc nhiên, nhiều người coi ojeks là lựa chọn cuối cùng để di chuyễn giữa những con đường ách tắc.
Để chuyên nghiệp hóa hoạt động của những người lái xe ôm, năm 2010, Makarim và ba người bạn nữa mở một văn phòng Go-Jek tại Jakarta.
"Tôi đã tự đi tìm kiếm và thuê hai mươi lái xe đầu tiên", Makarim nhớ lại.
Vì không có đủ vốn hoạt động, những người lái xe chỉ làm việc cho Go Jek dưới dạng bán thời gian. Makazim phải làm thêm nhiều việc ở các startup khác, làm giám đốc quản lý cho Zalora Indonesia và giám đốc sáng tạo tại Kartuku, một công ty chuyên về thanh toán, để có tiền tiếp tục kinh doanh.
"Đó là một cuộc chiến không ngừng nghỉ. Nhưng nếu tôi không làm cho Zalora, tôi sẽ không học được cách mở rộng quy mô thị trường; nếu tôi không tham gia Kartuku tôi đã chẳng hiểu gì về thanh toán", Makarim bộc bạch.
Vào năm 2014, trong bối cảnh thế giới bắt đầu công nhận tầm quan trọng của các ứng dụng gọi xe, Makarim huy động thành công nguồn vốn đầu tư từ quỹ NSI Ventures của Singapore. Có vốn, lại có kinh nghiệm hoạt động hơn 4 năm, Go Jek nhanh chóng phát triển dưới dạng công ty cung cấp ứng dụng công nghệ, thay vì chỉ là văn phòng điều phối thuần túy như trước đây.
Và thời điểm tăng trưởng thần kỳ đã đến. Trong vòng một năm, ứng dụng Go Jek được tải về 7,5 triệu lần, số lượng lái xe trong mạng lưới tăng từ 500 lên 200.000. Go Jek đã phải mua lại 2 công ty phần mềm của Ấn Độ để mở rộng quy mô.
Đến cuối năm thứ hai, Go Jek mở rông thêm các loại dịch vụ khác như đặt taxi, giao hàng, vận chuyển, dọn dẹp nhà cửa, dịch vụ thanh toán trực tiếp Go Pay.
“Nhiều người nói rằng ‘lái xe ojeks làm sao giao được hàng, họ chỉ giỏi ăn cắp thôi’ nhưng chúng tôi đã chứng minh điều ngược lại”, Makarim cho biết.
Để duy trì sự tín nhiệm của khách hàng, Go Jek thực hành chính sách không khoan nhượng đối với hành vi hung hăng hoặc quấy rối tình dục của cánh lái xe. Trong năm 2015, công ty đã sa thải hơn 7.000 nhân viên vì vi phạm các quy định này.
Cuộc canh tranh với Uber và Grab
Theo Nadiem Makarim, Go Jek đang đánh bại các đối thủ quốc tế ngay trên sân nhà. "Trong điều kiện cạnh tranh như hiện nay, chúng tôi rõ ràng đang ở vị trí số 1", Makarim chia sẻ với Wall Street Journal trong một cuộc hội thảo tại Hồng Kông vào tuần trước.
Mặc dù Uber và Grab có lịch sử hình thành lâu hơn, lại đang tập trung phát triển theo hướng đa dạng hóa các dòng dịch vụ như Go Jek, CEO Makarim không hề e ngại về điều này.
"Cạnh tranh thường khốc liệt, nhưng cạnh tranh cũng là một trong những lý do thúc đấy Go Jek lớn mạnh".
“Một đặc điểm quan trọng trong bất kỳ hình thức kinh doanh nào là hãy học cách yêu mến kẻ thù của bạn. Dù họ [Uber và Grab] là mối đe dọa lớn nhưng tôi vẫn dành cho họ một sự tôn trọng đáng kể”.
Cũng theo CEO của Go Jek, người tiêu dùng Indo khá yêu nước nên những startup “nội” như Go Jek sẽ dễ dàng nhận được sự ủng hộ từ phía khách hàng, bất chấp mức giảm giá họ đưa ra có thấp hơn đối thủ hay không. Ngoài ra, thị trường vẫn còn nhiều mảng chưa được khai phá, nên những công ty nhỏ và đi sau vẫn còn cơ hội để tạo ra đột phá.
“Tôi không thích khái niệm ‘Người chiến thắng có tất cả’. Điều này ngụ ý những người chơi nhỏ phía sau chẳng có gì hết, nhưng đâu phải thế. Nhiều công ty nhỏ cũng tạo ra đột phá đấy”, Makarim kết luận.