Bão chồng bão và hiện tượng kì thú mang tên Fujiwhara
Đã có không ít bộ phim khoa học viễn tưởng được xây dựng dựa trên hiện tượng hợp nhất 2 siêu bão. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện tượng này diễn tiến phức tạp hơn nhiều so với những gì được mô tả trên phim.
Hiệu ứng Fujiwhara được đặt tên theo Tiến sĩ Sakarei Fujiwhara, nhà khí tượng học Nhật Bản, người đầu tiên quan sát thấy hiện tượng giao thoa 2 cơn bão, và miêu tả hiện tượng này vào năm 1921.
Theo ông Fujiwhara, 2 hoặc nhiều luồng áp thấp nhiệt đới sẽ chỉ “tương tác” nếu ở cách nhau 1.900km hoặc gần hơn.
Trong khi đó, 2 cơn bão sẽ “tương tác” bất cứ khi nào khoảng cách giữa chúng giảm xuống dưới 1.400km, và có khả năng sáp nhập làm một nếu ở cách nhau 300km.
Hiện tượng giao thoa 2 hoặc nhiều cơn bão sẽ xảy ra khi chúng hình thành gần nhau, hoặc giao cắt nhau trên đường di chuyển.
Vậy điều gì sẽ xảy ra mỗi khi các cơn bão va chạm lẫn nhau? Chúng có hợp nhất thành một siêu bão? Hay cơn bão lớn sẽ triệt tiêu cơn bão nhỏ?
Theo lí thuyết của hiệu ứng Fujiwhara, nếu một trong hai cơn bão yếu hơn cơn bão còn lại, thì cơn bão nhỏ thường sẽ xoay quanh cơn bão lớn.
Nếu hai cơn bão mạnh tương đương, chúng sẽ cùng nhau xoay quanh điểm giao cắt.
Còn nếu hai cơn bão mạnh tương đương sáp lại gần nhau ở khoảng cách dưới 300km, thì chúng có khả năng sáp nhập thành một siêu bão.
Ví dụ, trong mùa bão Đại Tây Dương năm 1995, bão Iris đã “tương tác” với bão Humberto, rồi tiếp tục “sáp nhập” bão nhiệt đới Karen.
Mùa thu năm 2005, bão Wilma đã “hút” bão nhiệt đới Alpha ngay sau khi quét qua Nam Florida (Mỹ).
Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất của hiện tượng Fujiwhara là "Cơn bão hoàn hảo" năm 1991, được tạo thành bởi một khối khí lạnh vừa rời khỏi Bờ Đông nước Mỹ, cùng một vùng thấp phía đông Nova Scotia và cơn bão có tên Grace.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp cá biệt, khi 2 cơn bão di chuyển gần nhau đến mức cơn bão yếu hơn bị “hất văng”, buộc phải đổi hướng. Ví dụ bão Hilary và Irwin hồi tháng 7/2017.