Bạn sẽ giật mình khi đọc lại bài review "ném đá" iPhone vào năm 2007
Vì chiếc iPhone bị "ném đá tơi bời" của ngày đó lại là nguồn thu hàng chục tỷ USD mỗi quý của Apple.
Năm 2016 sẽ là một năm khó khăn với chiếc iPhone, khi chính Apple cũng phải dự đoán doanh số iPhone sẽ lần đầu ngừng tăng trưởng từ khi ra đời vào năm 2007 tới nay. Nhưng kể cả khi xuống dốc, chiếc smartphone này cũng đã đem lại cho Apple hàng trăm tỷ USD doanh thu, đồng thời thay đổi khuôn mẫu của điện thoại di động từ hình dáng thanh kẹo, vỏ sò của ngày trước thành "hình chữ nhật màn hình lớn" như hiện nay.
Nhưng ở thời điểm 9 năm trước, khi mới ra đời, chiếc iPhone đã từng là đối tượng chỉ trích gay gắt của rất nhiều người. Hãy cùng đọc lại bài đánh giá iPhone của Dave Winer, một chuyên gia công nghệ, một cây viết lừng danh tại New York và cùng đặt câu hỏi: nếu chiếc iPhone dở tới vậy, vì sao Apple lại đạt được thành công khổng lồ như ngày nay?
Tác giả của bài viết dưới đây, Dave Winer cũng là một trong những người tiên phong phổ biến khái niệm "blog".
Hôm nay là ngày 25/7. Chiếc iPhone lên kệ từ ngày 29/6, và đó cũng là ngày tôi nhận được chiếc iPhone của mình, do đó chúng ta đang tiến gần tới thời điểm tròn 1 tháng tận hưởng chiếc iPhone.
Các trang báo công nghệ thường không đánh giá sản phẩm sau khoảng 1 tháng sử dụng, nhưng đó cũng là thời điểm bạn phát hiện ra liệu sản phẩm này có thực sự đáng giá với sự đón nhận nồng nhiệt ban đầu hay không.
Tờ New York Times cho biết doanh số iPhone đạt mức đáng thất vọng. Tôi muốn chỉ ra rằng chính sản phẩm này cũng rất thất vọng.
Tôi vẫn tiếp tục sở hữu và sử dụng một chiếc BlackBerry nhờ khả năng email và web vượt trội so với điện thoại của Apple. Do iPhone không hề có lệnh tìm kiếm và cũng có vẻ không lưu email vào bộ nhớ trên máy, đây sẽ là một chiếc điện thoại tồi tệ cho mục đích email.
Ví dụ, tôi chỉ mang mỗi chiếc iPhone với tôi tới một cuộc họp tại Palo Alto vào tuần trước. Khi tôi vẫn đang lái xe tôi đã biết trước rằng tôi sẽ bị muộn, do đó tôi gọi đối tác và báo với họ. Với BlackBerry tôi có thể làm được điều này khi đang đứng chờ đèn đỏ. Tôi chỉ cần tìm tên của người cần gọi trong hộp thư, mở email đầu tiên, chọn số điện thoại, nhấn scroll wheel hai lần, một lần để ra lệnh gọi, một lần để xác nhận.
Chiếc iPhone thì lại chỉ có thể lưu 25 email gần nhất trong bộ nhớ, và đáng tiếc là email của người tôi cần gọi thì lại không nằm trong số 25 đầu mục đó. iPhone không có tùy chọn tìm kiếm. Và nó cũng không hề có scroll wheel hay thậm chí là khả năng copy paste. Kết quả là đèn đã chuyển sang xanh từ lâu mà tôi vẫn chưa tìm thấy email có chứa số điện thoại của người cần gọi. (Tôi mới đây đã nhận được một số email khẳng định mức giới hạn 25 có thể được nâng lên 200 và tôi đã làm như vậy. Cảm ơn các bạn!)
Tuy vậy, iPhone đẹp hơn điện thoại BlackBerry rất nhiều và cũng có cảm giác cầm tay tốt hơn. Tôi không phải đang mỉa mai Apple vì điều đó, bởi phong cách là hết sức quan trọng, đặc biệt là trên một thiết bị cá nhân. Nhưng có vẻ như họ nên học hỏi các đối thủ cạnh tranh nhiều hơn để tạo ra một sản phẩm hoàn thiện về mặt tính năng.
Tôi vẫn thấy bàn phím ảo của iPhone khó sử dụng ngay cả sau 1 tháng. Chiếc BlackBerry dễ sử dụng hơn rất nhiều. Tuy vậy, tôi thích cách chấm câu trên Apple hơn là trên BlackBerry.
Có vẻ, chúng ta sẽ phải thực hiện một cuộc thảo luận lâu dài về việc liệu các nỗ lực tạo ra các trải nghiệm "web di động" có phải là hợp lý? Hay, chúng ta có nên chấp nhận cách hiển thị của iPhone vốn gây tốn nhiều công sức hơn (bạn phải cuộn tay và phóng to/thu nhỏ rất nhiều) nhưng lại giúp cho bạn có thể đọc bất cứ trang web nào, dù là web di động hay không. Tôi nghĩ những gì Apple đang cố gắng làm là rất đáng quý, nhưng rồi sẽ thất bại. Màn hình iPhone có độ phân giải hạn chế, và nếu kể cả không phải như vậy, kể cả nếu họ có thể nhét một tỷ pixel lên mỗi inch, cuối cùng lượng chi tiết mà mắt chúng ta có thể nhìn thấy là có giới hạn, chưa kể các ngón tay cũng có độ lớn nhất định.
Các tính năng còn lại của iPhone như camera, YouTube, trình duyệt ảnh và cả tính năng iPod cũng là khá dễ chịu, nhưng chẳng có tính năng nào trong số này hoạt động thực sự tốt, và khi không có giao diện web và email chất lượng, các tính năng này chẳng thể giúp iPhone thêm hấp dẫn. Cuối cùng, đây chỉ là một chiếc điện thoại di động được thiết kế tốt và rất phong cách.
Mọi thứ sẽ khác đi như thế nào nếu như iPhone có một bộ SDK (công cụ phát triển ứng dụng) đầy đủ, nếu như bạn có thể chạy ứng dụng Mac OS X trên iPhone hoặc nếu chiếc smartphone này được tích hợp phần mềm server HTTP để cho phép bạn có thể tùy chỉnh từ Mac hoặc PC Windows qua Wi-Fi. Nói cách khác, mọi chuyện sẽ như thế nào nếu như iPhone có nhiều tính năng mang tính cách mạng và cũng là một nền tảng mở theo truyền thống của Apple và ngành công nghiệp PC?
Chắc chắn chúng ta sẽ được thử nghiệm rất nhiều cách tiếp cận email khác nhau trên iPhone, và một trong số đó sẽ là bản sau của những gì BlackBerry có. Đây sẽ là giải pháp tạm thời cho các sản phẩm phần mềm email tuyệt vời có thể sẽ xuất hiện trên iPhone. Các nhà phát triển phần mềm có thể sẽ rất quan tâm tới iPhone, nhưng có lẽ là không bao giờ đạt mức độ như những tuần đầu tiên chiếc điện thoại này ra mắt. Kịch bản dễ xảy ra hơn là, chiếc iPhone nếu đạt được thành công thì sẽ được hoàn thiện theo cùng một cách giống như chiếc Mac, là khi các điểm yếu chết người được loại bỏ trên một chiếc "iPhone Plus" hay một thứ gì đó tương tự.
Hãy nhớ rằng trong thập niên 1980 Apple đã là công ty đầu tiên cung cấp khả năng nối mạng vào PC và sau đó đây cũng là công ty đầu tiên ra mắt một bộ router Wi-Fi. Hy vọng Apple có thể "mở" chiếc iPhone ngày hôm nay và ưu ái những người đầu tiên mua iPhone vì đã đặt cược vào Apple. Hy vọng họ sẽ giúp các nhà phát triển có thể tận dụng các cơ hội khi tạo ra một nền tảng mới chứ không chỉ là tạo ra một thiết bị như chiếc iPhone.