Bạn có biết hơn 20 năm trước, 150.000 chiếc điện thoại Samsung bị đốt cháy...

12/10/2016 11:19 AM | Công nghệ

Quyết định khai tử dòng Note7 chỉ trong vòng 2 tháng sau khi lên kệ chỉ là minh chứng mới nhất cho một tinh thần đã đưa Samsung lên vị thế thống trị ngành điện tử người tiêu dùng như ngày nay.

Nếu chỉ được lựa chọn một cái tên duy nhất để đại diện ngành công nghiệp điện tử người tiêu dùng vào thập niên 1990 thì câu trả lời chắc chắn sẽ là Sony. Cũng vẫn câu hỏi ấy nhưng là ngành sản xuất điện thoại di động, câu trả lời sẽ là Nokia.

Samsung thập niên 1990 có một cái "dớp" rất khó chịu: hàng giá rẻ chất lượng kém. Khi nghĩ đến Samsung, người tiêu dùng của thập niên 1990 sẽ nghĩ ngay đến những món hàng giá cả dễ chịu nhưng chất lượng thì thua kém toàn tập hàng Nhật Bản.

Nếu đã cầm trên tay những chiếc điện thoại vỏ sò của Samsung vào thời kỳ này, có lẽ bạn sẽ mang cùng một suy nghĩ rằng "Thôi không có tiền mua Nokia thì dùng tạm".

Chủ tịch Lee Kun-hee của Samsung hiểu rất rõ điều đó. Năm 1995, ông tập trung 2000 nhân viên đứng trước cửa nhà máy Gumi và đốt cháy tổng cộng 150.000 chiếc điện thoại di động. Rất nhiều trong số những chiếc điện thoại này lẽ ra sẽ là quà Giáng Sinh từ Samsung đến nhân viên của mình. Tất cả đều gặp lỗi.

Chủ tịch Lee Kun-hee và gia đình.
Chủ tịch Lee Kun-hee và gia đình.

"Nếu các anh vẫn còn tạo ra những sản phẩm kém cỏi như thế này, tôi sẽ quay lại đây và tôi sẽ đốt thêm một lần nữa", chủ tịch Lee khẳng định.

7 năm sau, model SCH-X430S trở thành mẫu điện thoại di động Samsung đầu tiên đạt doanh số 10 triệu máy. Sẽ chẳng có một mẫu điện thoại Samsung nào bán được 10 triệu máy nếu như chủ tịch Lee không thẳng thừng đốt điện thoại trước mặt nhân viên của mình. SCH-X430S được đặt biệt danh là "Lee Kun-hee phone".

Sau một cơn đau tim nguy kịch vào năm 2014, Lee Kun-hee hiện tại vẫn chưa trở lại lãnh đạo công ty. Nhiều nguồn tin cho rằng sức khỏe của ông đang xấu đi từng ngày. Con trai của Lee Kun-hee là Lee Jae-yong vẫn chưa lên kế nhiệm cha, dù vẫn đang ngày một siết chặt quyền kiểm soát lên các công ty con của tập đoàn Hàn Quốc.

Nhưng tinh thần quyết liệt của ngọn lửa 1995 vẫn còn. Ngay từ khi số lượng báo cáo về các sự cố cháy nổ của Note7 vẫn còn thấp, Samsung đã chính thức ra tuyên bố thu hồi toàn bộ 2,5 triệu máy đã xuất xưởng.

Và đến khi tình hình trở nên không thể cứu vãn, Samsung đã thẳng tay khai tử phiên bản mới nhất, hấp dẫn nhất của dòng Note. Đó có lẽ là quyết định cho đến tận thời điểm cách đây 1 tuần vẫn chẳng có ai nghĩ đến.

Trong nhiều năm qua, Galaxy Note đã luôn là mẫu phablet số 1 của thị trường về doanh số và chất lượng. Đây là mẫu Galaxy cao cấp nhất, đáng mơ ước nhất, là đối trọng của Samsung dành cho Apple trong mùa mua sắm bận rộn vào dịp cuối năm.

Đến năm nay, Samsung sẵn sàng chấp nhận bỏ trống vị trí đó của dòng Note. Vẫn biết lỗi của Note7 là lỗi của Samsung, nhưng phản ứng quyết liệt đến mức độ này vẫn là quá bất ngờ, quá hụt hẫng với các Samfan.

Có lẽ nỗi hụt hẫng ấy không đáng buồn như bạn nghĩ. Năm 2012, khi Galaxy S III vừa chuẩn bị ra mắt, một đối tác phân phối của Samsung phát hiện ra rằng chất liệu nhựa trên lưng máy có sự khác biệt rõ ràng so với các mẫu máy demo.

Nhà phân phối này lúc đó đã nhận được 100.000 mẫu S III, và Samsung vẫn còn hàng trăm nghìn đơn vị hàng đã chuyển tới sân bay.

Toàn bộ số vỏ lưng bị lỗi được gã khổng lồ Hàn Quốc nhanh chóng thay thế trước khi sản phẩm đến tay người dùng. Năm đó, Galaxy S III được nhiều tờ báo lớn ca ngợi là "Smartphone của năm". Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi ra mắt vào năm 2007, iPhone để mất vị trí này vào tay một đối thủ cạnh tranh.

Sự cố của Note7 sẽ không phải là sự cố cuối cùng của pin li-ion. Smartphone hay bất cứ một dòng sản phẩm điện tử nào khác rồi cũng sẽ có tỷ lệ lỗi và đổi trả nhất định. Trong những trường hợp không may mắn nhất, tỷ lệ đó sẽ là 100% như trường hợp của Note7 hay 8 năm trước là BlackBerry Storm.

Trong số này, có những công ty sẽ sẵn sàng phát hành các sản phẩm biết trước là lỗi như RIM, và cũng có những công ty sẽ quyết liệt đấu tranh với sai lầm của chính mình như Samsung.

Từ 21 năm trước cho đến thời điểm hiện tại, vị thế của Samsung đã thay đổi hoàn toàn. Mỗi sai lầm rõ ràng sẽ khiến gã khổng lồ Hàn Quốc phải gánh chịu những vết thương lớn gấp hàng nghìn lần trước đây.

May mắn là Samsung vẫn đang giữ tinh thần của ngọn lửa 1995. Đó là hướng đi trách nhiệm nhất và cũng là cách duy nhất để một nhà sản xuất có thể tồn tại trong bối cảnh thị trường sẽ ngày một khắc nghiệt hơn, tàn khốc hơn.

Cuối cùng thì Samsung vẫn còn sống, vẫn còn rất hùng mạnh. Nokia, BlackBerry không còn sản xuất điện thoại, Sony cũng chẳng còn thống trị thế giới nữa rồi.

Cùng chuyên mục
XEM