Âm mưu của Nga và Ả Rập Xê Út khi đóng băng sản lượng dầu mỏ

12/04/2016 11:24 AM | Kinh tế vĩ mô

Hãng Goldman Sachs cho rằng việc đóng băng sản lượng hiện nay sẽ không giúp cân bằng thị trường dầu mỏ và nhiều khả năng giá dầu sẽ còn giảm sau cuộc họp của các nước xuất khẩu dầu lớn thời gian tới.

Trong vài ngày tới, các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn sẽ gặp nhau tại Qatar để thảo luận về vấn đề sản lượng cung dầu trên thế giới. Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cho rằng động thái “gặp mặt” này cũng không thực sự vì mục đích cân bằng cung-cầu trên thị trường dầu mỏ.

Âm mưu của Nga và Ả Rập Xê Út

Trên thực tế, sản lượng khai thác của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang gần mức kỷ lục (hơn 33 triệu thùng/ngày), điều này cũng tương tự đối với nhà sản xuất Nga (trên 11,2 triệu thùng/ngày).

Thậm chí, một số nhà sản xuất còn cố nâng sản lượng khai thác dầu ngay trước cuộc họp tới. Ví dụ như Iraq đã tăng sản lượng lên mức kỷ lục 4,55 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 3/2016.

Trái ngược lại, sản lượng khai thác dầu đá phiến của Mỹ lại liên tục giảm xuống mức ngang bằng với thời điểm cuối năm 2014. Đồng thời với đó, dự trữ dầu mỏ của Mỹ cũng bắt đầu giảm khoảng gần 5 triệu thùng dầu tính đến ngày 6/4/2016, nhưng tổng trữ lượng dầu của Mỹ vẫn ở mức khá cao.


Sản lượng khai thác dầu của Mỹ (nghìn thùng/ngày)

Sản lượng khai thác dầu của Mỹ (nghìn thùng/ngày)


Dự trữ dầu thô Mỹ (nghìn thùng/ngày)

Dự trữ dầu thô Mỹ (nghìn thùng/ngày)

Sự bùng nổ ngành khai thác dầu đá phiến Mỹ đã từng được nhiều người gọi là “điều thần kỳ”, nhưng kể cả như vậy thì các nhà khai thác cũng cần phải có lợi nhuận để hoạt động và với mức giá thấp như hiện nay, việc khai thác thêm dầu đá phiến là một điều khó khăn.

Trong khi đó, các nước như Nga hay Ả Rập Xê Út vẫn phải bơm thêm dầu để có nguồn thu ngân sách và giá càng hạ thì họ buộc phải bơm nhiều hơn để tránh suy giảm nguồn thu.

Như vậy, việc có cân bằng cung cầu hay không thực sự không là mối quan tâm hàng đầu của các nước xuất khẩu dầu lớn. Đớn giản họ chỉ muốn giữ nguồn thu từ dầu mỏ và giành thêm thị phần.

Với mục tiêu trên, các nhà sản xuất như Nga, OPEC sẽ buộc phải nâng giá dầu cao hết mức có thể để thu lợi nhưng vẫn phải giữ giá dầu ở mức thấp cần thiết nhằm đối phó với ngành dầu đá phiến Mỹ.

Để làm được điều này hiệu quả hơn, các chiến thuật tâm lý thị trường là vô cùng quan trọng.

Dầu mỏ thường được giao dịch trên thị trường kỳ hạn, vì vậy giá dầu chịu tác động rất lớn bởi tâm lý thị trường khi các nhà đầu tư cố gắng dự đoán và kiếm lời đối với dầu giao trong tương lai.

Chiến thuật tâm lý

Hãng Bruegel nhận định trong ít nhất 3 năm tới, khoảng 73% mức giá giảm của dầu mỏ là do kỳ vọng của nhà đầu tư hơn là tác động từ mức cung cầu thực tế trên thị trường.

Theo báo cáo của Bruegel, vai trò của các dự báo về giá dầu đang ngày càng lớn trên thị trường dầu mỏ kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008.

Hiện nay, giá dầu thường biến động mạnh khi nhà đầu tư bị chi phối bởi các dự đoán của chuyên gia hơn là thay đổi theo cung cầu thực tế.

Yếu tố này giải thích phần nào tại sao giá dầu chỉ tăng tạm thời khi những nhà sản xuất lớn như Nga, Ả Rạp Xê Út, Qatar và Venezuela có cuộc gặp thảo luận về sản lượng trong thời gian tới. Trong thời gian gần đây, giá dầu Brent trên thị trường đã tăng khoảng 10 USD/thùng.

Tất cả mọi người đều hiểu rằng một bản thỏa thuận như vậy là không đáng tin cậy và các bên không nhất thiết phải tuân thủ theo thỏa thuận. Kể cả khi đạt được thỏa thuận và tuân thủ theo chúng, những quốc gia xuất khẩu dầu lớn cũng sẽ không duy trì cam kết này trong thời gian dài.

Dẫu vậy, hầu hết các nhà đầu tư đều cho rằng giá dầu sẽ tăng sau khi kết thúc hội nghị trên vào ngày 17/4 tới đây. Họ cho rằng tâm lý thị trường sẽ tác động khiến giá dầu tăng và tiếp tục đầu cơ đẩy giá lên nhằm kiếm lời.

Tuy nhiên, biến động giá trên chỉ mang tính tâm lý và không thực sự phản cung cầu thị trường. Dù giá tăng nhưng ngành khai thác dầu đá phiến Mỹ sẽ không tăng trưởng theo bởi những chủ nợ và công ty khai thác cẩn trọng hơn những nhà đầu tư rất nhiều. Họ sẽ không tăng sản lượng nếu không có sự chắc chắn về lợi nhuận.

Hơn nữa, sự biến động của thị trường dầu mỏ đang “dọa” nhiều công ty khai thác phải cân nhắc kỹ lướng trước khi quyết định tăng sản lượng. Tính riêng trong tháng 2/2016, chỉ số biến động của giá dầu Brent (VIX) là 70%, mức cao nhất kể từ năm 2009. Dù hiện nay chỉ số này đã hạ xuống 50% nhưng chúng vẫn được coi là quá nguy hiểm đối với các chủ nợ và công ty khai thác.


Chỉ số VIX của dầu thô Mỹ WTI và dầu Bretn thế giới

Chỉ số VIX của dầu thô Mỹ WTI và dầu Bretn thế giới

Khác với Mỹ, những nhà sản xuất như Nga hay Ả Rập Xê Út không quan tâm đến chỉ số VIX hay cân bằng cung cầu. Họ buộc phải sản xuất để đảm bảo nguồn thu ngân sách cũng như an ninh trật tự xã hội, kinh tế.

Vì vậy, những nhà sản xuất này rất muốn tăng giá dầu mà không khiến thị phần của mình bị đe dọa hay thúc đẩy đà tăng của dầu đá phiến Mỹ bằng những động thái thỏa thuận như trên, nhưng mục đích thực sự không phải cân bằng giá dầu. Do đó, đà tăng giá của loại “vàng đen” này có thể sẽ không giữ được lâu.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM