Giá dầu tăng mạnh, vượt 40 USD/thùng
Thị trường hy vọng vào một thỏa thuận từ cuộc họp giữa một số thành viên trong và ngoài OPEC...
Phiên ngày thứ Hai, giá dầu thô trên thị trường Mỹ tăng lên trên mức 40 USD/thùng lần đầu tiên trong 3 tuần, còn giá dầu Brent chạm mức cao nhất trong 4 tháng, khi đồng USD giảm giá và hy vọng về một thỏa thuận không tăng sản lượng lớn hơn, theo tin từ Wall Street Journal.
Sau khi tăng mạnh đến 7% trong phiên ngày thứ Sáu tuần trước, cả hai loại giá dầu tiếp tục tăng trong phiên hôm qua. Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 trên thị trường New York, Mỹ tăng 1,6% lên mức 40,36 USD/thùng.
Trên thị trường London, giá dầu Brent cùng kỳ hạn tăng 2,1% lên 42,83 USD/thùng.
Theo giới chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân khiến giá dầu tăng mạnh trong ngày đầu tuần, nó bao gồm đồng USD hạ giá, kỳ vọng số liệu công bố tuần này sẽ tiếp tục cho thấy nguồn cung dầu trên thị trường Mỹ giảm.
Ngoài ra, thị trường cũng kỳ vọng nhiều hơn vào kết quả của cuộc gặp giữa một số nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga vào ngày 17/4.
Giá dầu đã tăng rất ấn tượng trong tuần qua, đặc biệt chỉ riêng phiên cuối tuần đã tăng đến gần 7%. Bộ Năng lượng Mỹ công bố nguồn dự trữ dầu tại Mỹ bất ngờ giảm.
Ngoài ra, số liệu còn cho thấy sản lượng dầu tại Mỹ chỉ hơn 9 triệu thùng một chút, mức thấp trong nhiều tuần. Vì vậy, nhà đầu tư đang hy vọng số liệu chuẩn bị công bố trong tuần này cũng sẽ cho thấy sản lượng dầu hàng ngày xuống dưới 9 triệu thùng.
Vào ngày Chủ nhật tuần này, một số thành viên trong và ngoài OPEC sẽ có cuộc họp bàn về sản lượng dầu để quyết định xem có duy trì sản lượng ở mức trung bình của tháng 1 hay tháng 2 không.
“Dường như một số nước đã sẵn sàng nhượng bộ ở Doha, chính vì thế thị trường có lý do để hy vọng nhiều hơn vào một thỏa thuận duy trì sản lượng ở mức trung bình của tháng 1 hoặc tháng 2”, trưởng bộ phận giao dịch hàng hóa tương lai tại công ty chứng khoán Mizuho, ông Robert Yawger, nhận định.
Dù vậy, nhiều chuyên gia thuộc tổ chức đầu tư lớn như Goldman Sachs, Morgan Stanley và Commerzbank vẫn cảnh báo về khả năng không nên quá lạc quan với những tác động có thể đến từ thỏa thuận Doha.
Trong báo cáo nghiên cứu của mình, chuyên gia thuộc Morgan Stanley nhấn mạnh việc dự trữ dầu tại Mỹ giảm 4,9% trong tuần qua chỉ mang tính thời điểm và nó có nhiều nguyên nhân đặc thù sẽ không lặp lại. Morgan Stanley cũng nhận định tâm lý bi quan sẽ trở lại trong tuần này.
Khi mà ảnh hưởng với thị trường dầu từ cuộc họp Doha còn đang nhận được nhiều dư liệu trái chiều thì giới chuyên gia đang quan tâm nhiều hơn đến phía nhu cầu dầu. Trong ngày thứ Tư, Trung Quốc sẽ công bố số liệu chi tiết về xuất nhập khẩu dầu của nước này trong tháng 3/2016.
Trong tháng 2/2016, nhập khẩu dầu của Trung Quốc tăng 25% so với cùng kỳ lên mức 31,8 triệu tấn tương đương 8 triệu thùng/ngày, mức trung bình cao kỷ lục.