35 tuổi không việc làm, không gia đình, không con cái: Lời nguyền của những lao động trung niên khi ‘quá già để làm việc, quá trẻ để nghỉ hưu’
“Tôi từng có tham vọng thăng tiến, tăng lương và cuộc sống tốt hơn nhưng giờ đây thì chẳng còn gì cả. Tôi chỉ còn muốn sống sót trên thị trường này”, cô Zhang ngậm ngùi.
Tờ New York Times cho biết tuổi 35 được coi là một “lời nguyền” tại Trung Quốc khi các doanh nghiệp không muốn tuyển lao động ở mức tuổi này. Các công ty coi những lao động ở tuổi 35 là những người không còn chí tiến thủ, không chấp nhận lăn xả làm việc quá giờ, luôn đòi hỏi mức lương cao so với những thanh thiếu niên trẻ hơn.
Một ví dụ điển hình là Sean Liang, một chuyên gia công nghệ 38 tuổi nay đã chuyển nghề thành nhân viên tự do. Trong suốt 3 năm qua, anh Liang chẳng kiếm nổi công việc nào vì đại dịch cũng như tình hình kinh tế khó khăn. Tuy nhiên người đàn ông này cho biết tuổi tác mới thật sự là vấn đề.
Theo anh Liang, bản thân mình quá già trong mắt những người tuyển dụng, thậm chí đến các chức vụ hành chính công tại Trung Quốc cũng giới hạn độ tuổi 35 trong tuyển dụng.
“Tôi tập thể dục nên trông khá trẻ so với tuổi thực nhưng trong mắt xã hội, những người quá 35 tuổi như chúng tôi đã là ‘hàng lỗi thời’”, anh Liang ngậm ngùi.
Lời nguyền 35
Trong khi nền kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn để hồi phục sau đại dịch, đi kèm với sự bất ổn của hàng loạt thị trường chứng khoán, bất động sản thì sự chấn chỉnh của chính phủ trong mảng công nghệ, giáo dục đã khiến tỷ lệ thất nghiệp đi lên.
Ở giới trẻ, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 16-24 đã lên đến 20%, tương đương 5 người thì có một người thất nghiệp. Sự cạnh tranh khốc liệt này dẫn đến hậu quả là những người quá 35 tuổi tại Trung Quốc chẳng còn nhiều cơ hội.
Tờ NYT cho biết trên mạng xã hội Trung Quốc hiện đang lan truyền về “lời nguyền 35 tuổi” dù chẳng ai biết nó đến từ đâu. Tuy không có nghiên cứu nào rõ ràng về tình hình thất nghiệp của lao động trung niên nhưng NYT cho biết việc từ chối lao động vì phân biệt tuổi tác không vi phạm luật, qua đó khiến nhiều người ngoài 30 bỏ lỡ các quyết định quan trọng trong cuộc đời như hôn nhân, con cái.
“Quá già để làm việc ở tuổi 35 và quá trẻ để nghỉ hưu ở tuổi 60” đang là câu nói phổ biến hiện nay trên các nền tảng trực tuyến Trung Quốc. Điều này ám chỉ những người ngoài 30 nếu không có trình độ, kinh nghiệm hoặc mối quan hệ nhất định sẽ chẳng thể cạnh tranh nổi với lớp trẻ, trong khi những người già ngoài 60 chưa chắc đã được nghỉ hưu vì mưu sinh, trong khi chính phủ đang xem xét nâng số tuổi nghỉ hưu lên.
Bản thân anh Liang hiện đã phải chuyển về quê sinh sống do không thể thanh toán tiền thuê nhà hàng tháng tại Guangzhou. Vị chuyên gia công nghệ này cũng chẳng kết hôn hay có bạn gái, ngay cả 3 người anh em họ cùng độ tuổi trong gia đình cũng lâm vào tình trạng tương tự.
Anh Liang cho biết hiện chỉ những người có công việc ổn định như làm nhân viên chính phủ, giáo viên...mới có đủ điều kiện nghĩ đến chuyện kết hôn trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
Góc nhìn khác
Tờ NYT cho biết sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường lao động đang là nguyên nhân chính khiến người Trung Quốc ngày càng ít sinh đẻ bất chấp các lời kêu gọi từ chính phủ.
Thậm chí, tờ NYT còn nhận định các số liệu lao động chính thức của chính quyền Bắc Kinh không thực sự đáng tin cậy khi thống kê cả những người làm việc chỉ 1 giờ mỗi tuần. Kiểu thống kê này khiến tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị Trung Quốc chỉ ở mức 5% từ đầu năm đến nay, thấp hơn cả năm 2019 khi đại dịch chưa diễn ra.
Trong khi đó, báo cáo của các tập đoàn quốc tế lại cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác. Tính trong 3 tháng đầu năm nay, các hãng công nghệ như Alibaba, Tencent và Baidu đã tuyển dụng ít hơn 9% so với thời kỳ đỉnh cao mùa đại dịch. Ở mảng bất động sản, những tập đoàn lớn nhất đã cắt giảm đến 70% nhân lực trong năm 2022.
Với tình hình này, việc giữ một tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp như các số liệu chính thức khiến nhiều chuyên gia đặt ra nghi vấn.
“Vài năm tới đây sẽ là thời điểm khó khăn nhất cho người lao động kể từ khi nền kinh tế mở cửa vào cuối thập niên 1970”, chuyên gia kinh tế Wang Mingyuan tại Bắc Kinh nhận định.
Theo chuyên gia Wang, khoảng 50 triệu người lao động từ 16-40 tuổi sẽ thất nghiệp vào năm 2028, qua đó kích thích một loạt những bất ổn trong kinh tế và xã hội Trung Quốc nếu không được giải quyết kịp thời.
Năm 2022, số cặp đăng ký kết hôn ở Trung Quốc đã giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước, xuống mức thấp nhất kể từ khi quốc gia này thống kê dữ liệu từ năm 1986. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc cũng xuống mức thấp năm ngoái và lần đầu tiên kể từ năm 1961 đến nay, Trung Quốc chứng kiến dân số suy giảm thay vì tăng trưởng.
Quá lứa lỡ thì
Theo NYT, tình trạng phân biệt tuổi tác trong thị trường lao động diễn ra ở nhiều lứa tuổi nhưng những người ngoài 30 là cảm thấy sốc nhất do phải trải nghiệm chúng lần đầu.
Anh Flynn Fan là một lao động ngoài 30 tuổi tại Thượng Hải và đang chứng kiến cú sốc tinh thần. Hầu hết các đồng nghiệp cùng lứa tuổi của anh Fan đều độc thân hoặc có gia đình nhưng chưa có con. Nguyên nhân chính là phải làm việc ngoài giờ quá nhiều.
Ví dụ trong 3 tháng đầu năm 2021, anh Fan chỉ có thể tan làm lúc 11h đêm vì quá bận rộn, đến mức người đàn ông này phải uống thuốc chống trầm cảm.
Thế rồi khi cuộc chấn chỉnh ngành công nghệ của chính phủ Trung Quốc diễn ra, anh Fan cùng nhiều đồng nghiệp bị sa thải mà chẳng biết đi về đâu khi đã “quá tuổi”.
Trong suốt 6 tháng qua, anh Fan đã cố gắng gửi hồ sơ đến hơn 300 công ty và tham dự 10 cuộc phỏng vấn nhưng chẳng nhận được lời mời làm việc nào. Giờ đây anh chấp nhận giảm mức lương kỳ vọng 20-30% cũng như tìm kiếm cơ hội khác ngoài Thượng Hải để mong kiếm được việc làm.
Dù cảm thấy vẫn trẻ tuổi nhưng anh Fan cho biết những lao động ngoài 30 như anh đã bị coi là “đồ cổ” trong xã hội Trung Quốc.
Đối với những phụ nữ ngoài 30 thì tình hình còn tồi tệ hơn trên thị trường lao động.
Cô Cici Zhang 32 tuổi đã bị quản lý nói thẳng mặt rằng bản thân cô quá già khi cho xem những quảng cáo tuyển việc yêu cầu dưới 32 tuổi. Có quản lý còn nói thẳng rằng họ hoàn toàn có thể thay thế cô bằng một sinh viên mới ra trường sau 3 tháng đào tạo chuyên sâu.
Theo cô Zhang, các công ty Trung Quốc gần đây thích chạy theo những xu thế mới hơn là quan tâm đến chất lượng công việc thực sự, nên kinh nghiệm chẳng còn quan trọng nhiều bằng ngoại hình và tuổi trẻ.
Thậm chí khi còn ở tuổi 25, cô Zhang đã bị yêu cầu điền vào tờ đơn khảo sát hỏi khi nào cô dự định có em bé. Khi nói rằng bản thân và chồng chưa có dự định sinh con thì các cấp quản lý tiếp tục hỏi dồn về việc cha mẹ cô nghĩ gì về điều này.
Sau khi bị sa thải vì quá tuổi, cô Zhang, vốn là một nhân viên giàu kinh nghiệm trong mảng marketing, đã gửi email cho hơn 3.000 công ty và nộp hồ sơ cho hơn 300 doanh nghiệp, tham dự 10 cuộc phỏng vấn nhưng đến gần đây được nhận vào một doanh nghiệp nhỏ.
“Tôi từng có tham vọng thăng tiến, tăng lương và cuộc sống tốt hơn nhưng giờ đây thì chẳng còn gì cả. Tôi chỉ còn muốn sống sót trên thị trường này”, cô Zhang ngậm ngùi.
Nỗi lo sợ thất nghiệp và phải thanh toán tiền mua nhà thế chấp khiến 2 vợ chồng cô Zhang làm việc vất vả, chẳng có thời gian nghĩ đến chuyện sinh con.
“Nếu sinh con ra để nó phải kế thừa sự nghèo khổ, áp lực cuộc sống như của chúng tôi hiện nay thì việc không sinh con có lẽ là đúng đắn”, cô Zhang cho biết.
*Nguồn: NYT