Người trẻ thất nghiệp: Cơn "đau đầu" mới của kinh tế Trung Quốc

28/07/2022 09:24 AM | Xã hội

Tỷ lệ thất nghiệp cao của giới trẻ đang đe dọa đến nền kinh tế Trung Quốc ngay cả khi họ lấy lại được đà tăng trưởng vào nửa cuối năm 2022.

‘Bát cơm’ nhà nước

Theo hãng tin Bloomberg, khoảng 15 triệu thanh niên Trung Quốc sẽ bị thất nghiệp trong thời gian tới và vô số bạn trẻ nước này buộc phải hạ tiêu chuẩn để kiếm việc làm.

Các số liệu chính thức cho thấy một cơn bão đang diễn ra trên thị trường lao động khi tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 16-24 tại thành thị ở Trung Quốc lên đến mức kỷ lục 19,3%, cao gấp đôi so với Mỹ.

15 triệu người trẻ thất nghiệp: Cơn đau đầu mới của kinh tế Trung Quốc - Ảnh 1.

Trong khi đại dịch hoành hành khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa thì động thái siết chặt tín dụng ngành bất động sản và tăng cường quản lý mảng dạy thêm đã khiến vô số lao động mất việc trong 2 ngành này. Thế rồi khoảng 12 triệu sinh viên mới ra trường trong mùa hè này càng khiến tình hình trở nên tối tăm hơn.

Điều trớ trêu là theo Bloomberg, trình độ của những sinh viên mới ra trường tại Trung Quốc kém xa so với tiêu chuẩn mà nhiều doanh nghiệp mong muốn.

Nhiều cuộc khảo sát cho thấy giới trẻ Trung Quốc giờ đây đã từ bỏ hy vọng vào làm ở những công ty tư nhân mà chấp nhận chuyển sang mảng quốc doanh dù mức lương thấp hơn.

Hãng tin Bloomberg nhận định nếu xu thế này tiếp diễn thì tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ chịu tổn hại. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động dưới 25 tuổi chiếm đến 2-3% tổng lao động Trung Quốc và ít nhân công hơn thường đồng nghĩa với tăng trưởng GDP thấp hơn. Thu nhập của người lao động bị giảm sút sẽ khiến sức tiêu dùng yếu và ảnh hưởng lan rộng đến nền kinh tế.

Ngoài ra, một cuộc khảo sát năm 2020 cho thấy những người thất nghiệp khi gia nhập thị trường tại thời điểm khủng hoảng, hoặc chỉ được làm bán thời gian hay những công việc dưới trình độ sẽ bị giảm thu nhập 3,5% so với thông thường sau 5 năm. Việc bị xói mòn kỹ năng, trình độ là nguyên nhân chính khiến những nhân tài này bị giảm thu nhập so với lao động làm đúng chuyên ngành.

Mặt khác, nhiều lao động trẻ chọn công việc nhà nước thì sẽ ít người nhảy sang các lĩnh vực công nghệ hay khởi nghiệp hơn, vốn là điều chính quyền Bắc Kinh không mong muốn.

"Mục tiêu tập trung vào tiêu dùng nội địa của kinh tế Trung Quốc hiện nay khiến họ cần nhiều nhà khởi nghiệp và thế hệ lao động đầy sáng tạo hơn để thúc đẩy tăng trưởng. Thế nhưng việc hạ chỉ tiêu của lao động trẻ hiện nay để kiếm công việc ổn định lại đang gây tác hại cho chính nền kinh tế", giám đốc Zeng Xiangquan của Viện nghiên cứu lao động Trung Quốc (CIER) nhận định.

15 triệu người trẻ thất nghiệp: Cơn đau đầu mới của kinh tế Trung Quốc - Ảnh 2.

Xin việc trong khu vực nhà nước tăng

Anh Xu Chaoqun, một sinh viên mới ra trường 22 tuổi đã xác định kiếm việc làm trong mảng sáng tạo nội dung. Thế nhưng sau những lần đàm đạo với bạn bè, anh quyết định nộp đơn xin vào công việc nhà nước.

"Tình hình dịch bệnh khiến nhiều công ty tư nhân phải đóng cửa và không ổn định", anh Xu cho biết.

Quyết định của anh Xu không phải cá biệt khi số liệu của 51job Inc cho thấy có đến 39% số sinh viên tốt nghiệp năm 2021 muốn được xin vào các công ty quốc doanh, cao hơn nhiều so với 25% của năm 2017. Ngoài ra, khoảng 28% số sinh viên tốt nghiệp cũng ưu tiên lựa chọn hành chính công cho sự nghiệp của mình.

Trong khi đó, khảo sát của hãng tuyển dụng Zhilian thì cho thấy mức lương kỳ vọng của sinh viên tốt nghiệp Trung Quốc hiện nay đã giảm 6% so với năm 2021, xuống còn 6.295 Nhân dân tệ, tương đương 932 USD/tháng.

Theo Bloomberg, đây là tín hiệu khá nguy hiểm khi nền kinh tế này đặt mục tiêu tăng trưởng gấp đôi vào năm 2035 để vươn lên vị trí số 1 thay Mỹ.

Kể từ năm 2021, thuật ngữ "nằm thẳng" (Tang Ping- Lying Flat) bắt đầu rộ lên trong giới trẻ khi họ từ bỏ cuộc sống hối hả và làm chỉ đủ sống để hưởng thụ, từ bỏ giấc mơ lẫn sự nghiệp vì tuyệt vọng vào tương lai. Xu thế này lan nhanh trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc khiến chi phí sinh hoạt ngày một đắt đỏ nhưng cơ hội làm giàu thì không còn như trước.

Thậm chí khi tình hình thất nghiệp gia tăng, thuật ngữ "Bai Lan" xuất hiện trong giới trẻ Trung Quốc để ám chỉ sự từ bỏ những giấc mơ ban đầu vì quá khó khăn để đạt được.

"Phong trào này như một sự giải tỏa sức ép tinh thần vậy. Bởi nếu nghĩ thoáng thì dù có thất bại cũng chẳng sao cả", cô Hu Xiaoyue, một cử nhân 24 tuổi tốt nghiệp bằng tâm lý học cho biết.

Mới đầu, cô Hu dễ dàng nhận được nhiều cuộc hẹn phỏng vấn vào tháng 8/2021 nhưng sau đó lại chỉ có 1/10 công ty thực sự muốn nghiêm túc tuyển chọn cô.

"Tôi bị vỡ mộng", cô Hu cay đắng nói.

15 triệu người trẻ thất nghiệp: Cơn đau đầu mới của kinh tế Trung Quốc - Ảnh 3.

Không hiệu quả

Theo Bloomberg, các công ty quốc doanh Trung Quốc thường hoạt động không hoàn toàn hiệu quả, thiếu tính sáng tạo hơn so với những doanh nghiệp tư nhân. Trước khi đại dịch bùng phát, tỷ lệ lao động trong ngành quốc doanh ở thành thị đã giảm từ 40% năm 1996 xuống dưới 10%. Thế nhưng tỷ lệ này hiện nay lại đang có dấu hiệu đảo chiều.

Năm 2021, Trung Quốc đã có những động thái siết quản lý mảng bất động sản, giáo dục trực tuyến, thương mại điện tử, vốn là những ngành hút lao động trẻ. Số liệu chính thức cho thấy 5 công ty giáo dục hàng đầu nước này đã sa thải 135.000 nhân viên. Mảng công nghệ cũng chịu chung số phận khi các ông lớn như Alibaba bị sờ gáy.

Điều nguy hiểm hơn là với việc thất nghiệp cũng như xói mòn kỹ năng, thu nhập của người lao động sẽ bị đe dọa trong tương lai.

Cô Beiya, một cựu nhân viên thương mại điện tử 26 tuổi xin được giấu tên cho biết mình mới bị sa thải. Cô đã cố gắng ứng tuyển vào ByteDance, công ty mẹ của Tiktok nhưng họ đề nghị phỏng vấn lại sau 2 năm.

"Thế nhưng tôi sẽ lấy thêm kinh nghiệm và thu nhập từ đâu nếu không ai thuê tôi trong 2 năm đó", cô Beiya chán nản.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lu Feng của trường đại học Peking cho biết ngành quốc doanh đã tuyển dụng khoảng 80 triệu người và con số này có thể tăng thêm 2 triệu nữa trong năm nay.

"Dẫu vậy, con số này vẫn quá nhỏ bé so với tổng số người thất nghiệp. Chúng ta vẫn cần ngành tư nhân tuyển dụng thêm người", chuyên gia Feng nhận định.

Tuy nhiên, ngành kinh tế tư nhân của Trung Quốc sẽ chỉ có thể tuyển dụng thêm lao động nếu nền kinh tế tăng trưởng tốt và không bị kìm kẹp. Hãng tin Bloomberg cho biết Trung Quốc cần đạt mức tăng trưởng 3-5% trong năm nay để có thể hoàn thành mục tiêu tuyển dụng đủ lao động mà họ đề ra. Hiện các chuyên gia dự đoán tăng trưởng năm nay của nước này có thể đạt 4%, tùy vào tình hình đại dịch.

Chính quyền Bắc Kinh cũng đề ra một số giải pháp hỗ trợ như giảm thuế hay trợ cấp, tương tự như Châu Âu mùa dịch, nhưng chúng chẳng đáng là bao. Tại Quảng Đông, số tiền giảm thuế bình quân khi thuê thêm một lao động cho doanh nghiệp chỉ vào khoảng 1.500 Nhân dân tệ. Nếu sinh viên mới ra trường khởi nghiệp thì được hỗ trợ 10.000 Nhân dân tệ.

Thiếu thợ

Hãng tin Bloomberg nhận định ngay cả khi kinh tế Trung Quốc lấy lại được đà tăng trưởng trong nửa cuối năm nay thì ảnh hưởng từ tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ vẫn sẽ lan rộng. Xin được nhắc là tỷ lệ này đã liên tục tăng kể từ năm 2017 và đạt 12% tại thời điểm trước khi đại dịch bùng phát.

Nguyên nhân đầu tiên các chuyên gia chỉ ra là tình trạng đô thị hóa quá nhanh của Trung Quốc. Trước đây, lao động trẻ có thể về quê khi mất việc làm và giúp nền kinh tế chịu đựng được cú sốc khủng hoảng. Thế nhưng giờ đây khi đô thị hóa quá nhanh, lao động mất việc làm chẳng thể đi đâu và chấp nhận những công việc tạm bợ kéo dài.

Tiếp đó, việc ngày càng nhiều sinh viên ra trường với trình độ không đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp khiến câu chuyện việc làm trở nên khó khăn. Trong 20 năm qua, số sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc đã tăng 10 lần, đây là mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong lịch sử.

Tỷ lệ giới trẻ học đại học ở Trung Quốc hiện ở mức 60%, tương đương với những nền kinh tế phát triển.

Bên cạnh đó, việc giới trẻ Trung Quốc ham các công việc văn phòng lương cao mà từ bỏ những nghề cần nhiều lao động cũng là một nguyên nhân.

Một cuộc khảo sát năm 2021 cho thấy 43% số bạn trẻ Trung Quốc nộp đơn vào làm cho ngành công nghệ trong khi mảng này chỉ chiếm 16% tuyển dụng việc làm. Sinh viên tốt nghiệp đại học các ngành tài chính, công nghệ, quản trị kinh doanh cũng nhiều hơn nhiều so với các trường nghề.

Theo Bloomberg, khoảng 50% số lao động tìm việc làm tại Trung Quốc có bằng đại học nhưng chỉ có 20% số tuyển dụng cần điều kiện đó. Rõ ràng Trung Quốc đang thừa thầy thiếu thợ và những cử nhân mới ra trường chẳng còn cách nào ngoài chấp nhận công việc bán thời gian, hoặc xin vào làm quốc doanh.

*Nguồn: Bloomberg

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM