Mỹ đang ‘xuất khẩu’ lạm phát ra toàn cầu như thế nào?

23/07/2022 10:16 AM | Xã hội

Tại sao Mỹ có thể dễ dàng kiềm chế lạm phát còn các nước khác lại không?

Theo hãng tin Bloomberg, sự khác biệt cơ bản giữa lạm phát tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) dễ dàng kiểm soát được tình hình, trong khi các ngân hàng trung ương khác thì lại không thể.

Lạm phát vì...lắm tiền

Trong nhiều thập niên, người tiêu dùng Mỹ đã là động lực chính cho kinh tế thế giới với lượng tiêu thụ lớn. Khi đại dịch Covid-19 diễn ra, nhu cầu mua sắm trực tuyến tivi, laptop, xe đạp... bất ngờ tăng cao tại Mỹ cũng như nhiều nước.

Thế rồi khi các nước mở cửa nền kinh tế trở lại hậu đại dịch, hàng loạt chuỗi siêu thị như Target, Walmart tích trữ hàng hóa số lượng lớn để dự phòng nhu cầu mua sắm bùng nổ trở lại bởi người dân đang rủng rỉnh tiền hỗ trợ từ chính phủ.

Mỹ đang ‘xuất khẩu’ lạm phát ra toàn cầu như thế nào? - Ảnh 1.

Tỷ lệ phần trăm thay đổi trong tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ tính từ quý IV/2019 giữa Mỹ và các thành viên còn lại của G7

Với việc Mỹ tích trữ cũng như tiêu thụ quá nhiều hàng hóa trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả tại nhiều nước khác đã phải tăng lên vì thiếu cung.

Theo hãng Bloomberg, nói cách khác, Mỹ đã xuất khẩu lạm phát ra thế giới thời hậu dịch với sức tiêu thụ được thúc đẩy từ hàng nghìn tỷ USD hỗ trợ của mình.

Trước khi đại dịch bùng nổ, nguồn cung hàng hóa khá dồi dào và thách thức của doanh nghiệp chỉ là tìm nguồn tiêu thụ. Minh chứng rõ ràng nhất là Trung Quốc và Đức, những nước có thặng dư thương mại thường bị Mỹ chỉ trích là hưởng lợi từ nhu cầu của người tiêu dùng quốc gia khác. Trong khi đó, Mỹ lại có thâm hụt thương mại và trở thành thị trường béo bở cho những doanh nghiệp nước ngoài.

Vậy nhưng theo giáo sư kinh tế Jason Furman của trường đại học Harvard, tình hình hiện nay đã bị đảo ngược khi thay vì thiếu cầu, thế giới hiện nay lại thiếu hụt nguồn cung hậu đại dịch.

"Trong bối cảnh thế giới quá thiếu nguồn cung như hiện nay thì những nước có sức cầu cao như Mỹ lại đang gián tiếp xuất khẩu lạm phát ra toàn cầu", giáo sư Furman nhận định.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế trưởng Holger Schmieding của Barenberg Bank tại London nhận định chính Mỹ đã đóng góp không hề nhỏ cho đà tăng lạm phát của thế giới hiện nay.

"Chính nhu cầu khổng lồ từ Mỹ cùng những khoản tiền hỗ trợ hàng nghìn tỷ USD đã khiến nguồn cung thế giới bị kẹt cứng. Nhiều thị trường bị thiếu hàng chỉ vì doanh nghiệp ưu tiên cho Mỹ", chuyên gia Schmieding cho biết.

Tuy nhiên chưa dừng lại đó, chính động thái kiềm chế lạm phát của Mỹ lại là bước đi khiến lạm phát gia tăng hơn nữa ở các nền kinh tế khác trên thế giới.

Mỹ đang ‘xuất khẩu’ lạm phát ra toàn cầu như thế nào? - Ảnh 2.

Cán cân tài khoản vãng lai của Mỹ tính theo % GDP

Đồng USD

Sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất ở mức mạnh nhất kể từ năm 1994 đến nay để chống lạm phát, thị trường tiêu dùng Mỹ đã chững lại. Thế nhưng chính điều này lại tạo nên cơn đau đầu mới cho các nền kinh tế khi đồng USD tăng giá và thúc đẩy lạm phát ở thị trường quốc tế.

Theo Bloomberg, đà tăng lãi suất của Mỹ mạnh hơn cả Châu Âu và Nhật Bản đã khiến đồng USD tăng giá chưa từng thấy. Tuần trước, đồng tiền này đã lên giá gần ngang bằng với Euro, điều đầu tiên diễn ra trong hơn 20 năm qua. Đồng Yên Nhật Bản cũng đang trên đà xuống mức thấp nhất 25 năm.

Chính điều này đã khiến giá các hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là dầu mỏ trở nên đắt đỏ với các nền kinh tế khác ngoài Mỹ do phần lớn chúng được giao dịch bằng đồng USD.

"Nhu cầu của người Mỹ sẽ giảm nhưng nền kinh tế này lại vẫn xuất khẩu lạm phát ra các nước khác vì đồng USD mạnh", giáo sư Furman nói.

Tất nhiên, lạm phát phi mã tại nhiều nơi không hoàn toàn do Mỹ. Ví dụ như việc tung ra những gói kích cầu lớn khiến người dân thừa tiền tại Mỹ là một lý do khiến lạm phát tăng. Thế rồi cuộc khủng hoảng năng lượng, lương thực ở Châu Âu, đứt gãy chuỗi cung ứng hậu dịch cũng góp phần khiến giá cả hàng hóa đi lên.

Thế nhưng, chuyên gia Schmieding của Barenberg Bank nhận định chính những khoản trợ cấp khổng lồ đã kích thích nhu cầu người Mỹ gây tắc nghẽn nguồn cung và nâng giá cả hàng hóa thế giới. Tiếp đó việc nâng giá đồng USD càng khiến cho tình hình hiện nay tồi tệ hơn.

Thậm chí nếu nhìn toàn cảnh, lạm phát tại Mỹ có thể kiểm soát được trong khi điều này lại không dễ dàng với những nước khác.

Mỹ đang ‘xuất khẩu’ lạm phát ra toàn cầu như thế nào? - Ảnh 3.

Tỷ lệ đóng góp vào lạm phát của các hàng hóa (Loại hàng hóa chứa ít/nhiều yếu tố nhập khẩu)

Mỹ với thế giới

Kể từ năm 2021, lạm phát tại Mỹ cao hơn tại Châu Âu nhưng khoảng cách này dần bị thu hẹp khi Mỹ xuất khẩu lạm phát ra toàn cầu. Thế nhưng độ nguy hiểm của lạm phát tại Mỹ lại khác xa so với Châu Âu và thế giới.

Tại Mỹ, lạm phát chủ yếu bắt đầu từ nhu cầu của người dân vốn đã cao trong mùa dịch và được kéo dài nhờ khoản tiền hỗ trợ khổng lồ. Theo Bloomberg, chính điều này khiến FED rất dễ kiềm chế lạm phát bằng các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ và nâng lãi suất nhanh chóng.

Vậy nhưng điều này chẳng hề dễ dàng với những nền kinh tế như Châu Âu. Do lạm phát chủ yếu đến từ Mỹ hay cuộc khủng hoảng Ukraine chứ không phải do sức mua mạnh nên Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) khó lòng nâng lãi suất nhanh, mạnh như FED để kiềm chế lạm phát được. Việc nâng lãi suất sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ trong nước, giảm tốc kinh tế mà chưa chắc đã hãm được đà tăng giá hàng hóa.

"Tình hình hiện nay là rất khó khăn cho các ngân hàng trung ương trên thế giới. Trong khi FED có thể nâng lãi suất nhanh, mạnh để chống lạm phát mà không sợ tổn thương sức mua quá nhiều thì tại những thị trường như Châu Âu, câu chuyện lại khá phức tạp. Giá hàng hóa cao đòi hỏi thắt chặt chính sách tiền tệ nhưng nền kinh tế và sức tiêu dùng thì lại chưa đủ mạnh để chịu được điều đó", chuyên gia Luca Fornaro của trường đại học Barcelona School of Economics nhận định.

Đồng quan điểm, thành viên ban điều hành ECB Isabel Schnabel nhận định họ vẫn có thể chờ đợi nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ đi xuống vì lãi suất cao, qua đó giảm áp lực cho chuỗi cung ứng và gián tiếp hạ lạm phát.

"Phần lớn lạm phát của chúng tôi đến từ giá năng lượng, nguyên liệu và thực phẩm, nhưng nếu nhu cầu tại Mỹ suy giảm thì chúng có thể giúp hạ lạm phát 0,5 điểm phần trăm trong 12-18 tháng tới", bà Schnabel nói.

Mỹ đang ‘xuất khẩu’ lạm phát ra toàn cầu như thế nào? - Ảnh 4.

Các thành phần đóng góp lạm phát tại Mỹ và Châu Âu kể từ tháng 1/2021

Bên cạnh đó, trong khi Mỹ có thể hưởng lợi nhập khẩu rẻ vì đồng USD tăng giá, qua đó áp chế lạm phát thì các nền kinh tế khác lại không được như vậy.

Thậm chí chuyên gia Fornaro còn cảnh báo một cuộc "Chiến tranh tiền tệ đảo ngược" (Reserve Currency War) có thể xảy ra khi các nền kinh tế đua nhau nâng giá đồng tiền để chống lạm phát, qua đó gây tổn thương cho ngành sản xuất.

Tại Châu Á, Trung Quốc hiện đang là nước nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất thế giới và một đồng USD tăng giá cùng áp lực lạm phát khiến các nhà hoạch định chính sách khá lo lắng. Tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã phải nhấn mạnh rằng các quan chức cần tập trung chú ý chống tình trạng "nhập khẩu lạm phát".

Không dừng lại đó, chuyên gia Rob Subbaraman của Nomura Holding nhận định việc các ngân hàng trung ương Châu Á dè dặt nâng lãi suất, chạy đua với FED sẽ khiến ảnh hưởng lạm phát do đồng USD lan rộng hơn nữa.

"Sự chênh lệch tỷ giá sẽ thúc đẩy dòng vốn thoát khỏi thị trường, gây hạ giá đồng nội tệ thêm nữa và khiến tình hình lạm phát trầm trọng hơn", chuyên gia Subbaraman cảnh báo.

Bởi vậy theo Bloomberg, rõ ràng là Mỹ đang giành được lợi thế trong cuộc chạy đua chống lạm phát hiện nay.

*Nguồn: Bloomberg

Huyền Băng

Cùng chuyên mục
XEM