117 tỷ USD nợ công Việt Nam, riêng EVN đã góp 10 tỷ USD
Khoản vay Chính phủ cam kết bảo lãnh cho các ông lớn Nhà nước đã lên tới 26 tỷ USD, đóng góp đáng kể vào khoản nợ công hiện tại.
Theo báo cáo vừa được Bộ Tài chính gửi lên Chính phủ, tính đến 31/12/2015, tổng số cam kết bảo lãnh Chính phủ là gần 26 tỷ USD, trong đó bảo lãnh vay nước ngoài hơn 21,8 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 84%.
Tổng số tiền mà Chính phủ cam kết cấp bảo lãnh trong giai đoạn này đã gấp gần 3 lần giai đoạn 2007 – 2010 (tương đương 5,75 tỷ USD). Điều này cho thấy nhu cầu vốn vay tăng nhanh trong 5 năm qua, trong đó năm 2013 là đỉnh của huy động vốn thông qua bảo lãnh Chính phủ với 4,35 tỷ USD.
Còn nhớ năm 2013, Chính phủ đã phải đứng ra bảo lãnh cho Công ty Mua Bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC- Bộ Tài chính) phát hành trái phiếu đảo nợ thay cho Tập đoàn Vinashin 2 khoản nợ: 11.000 tỷ đồng nợ các ngân hàng trong nước và 600 triệu USD từ các chủ nợ nước ngoài.
Tính đến hết 2015, tổng số nợ thực tế được Chính phủ bảo lãnh là khoảng 21 tỷ USD (bao gồm cả nợ được bảo lãnh để tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam – SBIC, tiền thân là Vinashin). Con số bảo lãnh này chiếm khoảng 17,6% tổng dư nợ công và bằng 11,1% GDP.
Trong đó, chỉ tính tiêng công ty mẹ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), số vay nợ đã lên tới 9,7 tỷ USD. Tổng công ty Truyền tải điện Việt Nam (EVN/NPT) là 445 triệu USD.
Năm 2015, có 4 dự án nguồn điện được cấp bảo lãnh Chính phủ với tổng giá trị gần 2,1 tỷ USD, đã góp phần hoàn thiện đầu tư cho các cụm nhà máy điện Vĩnh Tân và Duyên Hải.
Ngành điện là ngành được cam kết bảo lãnh khoản vay cao nhất, lên tới gần 16 tỷ USD.
Tuy nhiên, liên tiếp nhiều năm EVN kêu lỗ vì chênh lệch tỷ giá.
Trong báo cáo, Bộ Tài chính nhấn mạnh EVN và các tập đoàn, tổng công ty điện lực tiếp tục phải xử lý vấn đề lỗ chênh lệch tỷ giá hằng năm do nguồn thu bán điện đến từ nội tệ trong khi có nhiều khoản vay lớn bằng ngoại tệ.
Trong trường hợp EVN và Petro Vietnam tiếp tục có các dự án đầu tư cần triển khai với khối lượng huy động vốn lớn trong những năm tới cần Chính phủ bảo lãnh, Quốc hội cần xem xét phê duyệt tổng thể việc cấp bảo lãnh chính phủ cho lĩnh vwcn này để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng yêu cầu Bộ Công thương hàng năm cần thực hiện giám sát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét các khoản lỗ này có được coi là lỗ do thực hiện chính sách hay không, để đảm bảo tiêu chí doanh nghiệp không bị lỗ khi xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ theo quy định của Luật Quản lý nợ công.
Bên cạnh ngành điện, Chính phủ cũng cam kết lảo lãnh dư nợ trái phiếu Chính phủ đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là 127.652 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội là 33.866 tỷ đồng. Riêng năm 2015, VDB đã phát hành 32.994 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách phát hành 14.949 tỷ đồng để trả nợ gốc và lãi đến hạn khoảng 60.906 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kỳ hạn trái phiếu ngắn 3-5 năm gây rủi ro lớn về tái cấp vốn. Bộ Tài chính cho biết, phần lớn trái phiếu phát hành những năm tới của hai nhà băng sẽ phải dùng để trả nợ gốc, lãi đến hạn.
Đối với ngành hàng không, năm 2015, chương trình phát triển đội máy bay cụ thể máy bay tầm trung A321 và đường dài Boeing 787-9 của Vietnam Airlines tiếp tục được thực hiện theo kế hoạch và vốn vay được Chính phủ bảo lãnh. Tuy nhiên, hãng hàng không đã cổ phần hóa nên cần điều chỉnh chính sách vay vốn giảm dần sự hỗ trợ của Nhà nước.
Việc phải bảo lãnh các khoản vay lớn cho các tập đoàn kinh tế Nhà nước đã đẩy nợ công lên mức 2,6 triệu tỷ đồng, tương đương 117 tỷ USD tính đến hết năm 2015.