11 chart cho thấy Việt Nam đang vươn mình, lột xác, lấy lại hào quang chiến thắng, trở thành công xưởng sản xuất công nghệ của thế giới
"Kể từ khi mở cửa trở lại, động lực bên ngoài của Việt Nam đã hừng hực khí thế. Có thể thấy Việt Nam đã vươn mình, lột xác thành công, trở thành công xưởng sản xuất công nghệ của thế giới", HSBC nhận định.
Báo cáo Vietnam at a glance của HSBC lấy tựa đề "Lấy lại hào quang chiến thắng" ghi nhận động lực bên ngoài của Việt Nam tiếp tục tỏa sáng nhờ ngành hàng điện tử bùng nổ và các dòng vốn FDI ổn định. Dữ liệu cho thấy Việt Nam rõ ràng đang hưởng lợi nhờ chiến lược mở cửa trở lại; áp lực lạm phát vẫn duy trì trong tầm kiểm soát.
Kể từ khi mở cửa trở lại, động lực bên ngoài của Việt Nam đã hừng hực khí thế. Xuất khẩu trong tháng 4 tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ nhờ xuất khẩu điện tử nở rộ. Có thể thấy Việt Nam đã vươn mình, lột xác thành công, trở thành công xưởng sản xuất công nghệ của thế giới, giành thêm nhiều thị phần trong mảng xuất khẩu điện thoại và bộ vi xử lý.
Bất chấp gián đoạn cục bộ do đại dịch, Việt Nam tiếp tục hưởng lợi nhờ dòng vốn FDI ổn định từ các ông lớn trong ngành công nghệ, cả các tập đoàn quen thuộc lẫn nhà đầu tư mới.
HSBC nhìn nhận phần lớn thành công của ngành hàng công nghệ là nhờ khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong nhiều năm của Samsung với giá trị đầu tư rót vào Việt Nam trong hai thập kỷ qua rơi vào khoảng 18 tỷ USD. Nhờ vậy, thị phần điện thoại thông minh của Việt Nam trên toàn cầu đã tăng đáng kể.
Mặc dù Trung Quốc đại lục vẫn chiếm thế thượng phong với 50% điện thoại thông minh trên thế giới được sản xuất tại quốc gia này, Việt Nam đã giành 13% thị phần, nhanh chóng vươn lên vị trí nước xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ 2 trên thế giới. Tuy dữ liệu của năm 2021 chưa được công bố, nhìn vào kết quả thành công rực rỡ của Samsung, HSBC dự đoán nhiều khả năng Việt Nam đã giành thêm thị phần trong năm 2021.
Trong bối cảnh 70% máy tính hoàn thiện trên thế giới được sản xuất tại Trung Quốc, thị phần máy tính xách tay của Việt Nam trên thế giới cũng đang dần tăng lên, vượt mặt Malaysia để trở thành nước sản xuất chính ở khu vực ASEAN.
Trong khi đó, Việt Nam cũng vươn lên thành nước cung cấp bộ vi xử lý/điều khiển (mặc dù sản phẩm lắp ráp tại Việt Nam thường là bộ vi xử lý giá trị thấp hơn dùng trong nhiều mặt hàng điện tử). Kết quả này được hậu thuẫn bởi khoản đầu tư trị giá 1 tỷ USD của Intel vào một cơ sở lắp ráp và kiểm định tại Việt Nam từ năm 2006. Trong giai đoạn tháng 6/2009 đến tháng 12/2020, Intel đã rót thêm 475 triệu USD vào nhà máy ở Việt Nam để tăng cường sản xuất sản phẩm 5G và bộ xử lý lõi.
HSBC cũng lưu ý Việt Nam cần cẩn trọng với những cơn gió ngược chiều cản trở thương mại đang mạnh dần lên. Một mặt, tiêu dùng thế giới đang dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ.
Mặt khác, gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc khiến các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam gặp ngày càng nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động xuất khẩu trong tương lai. Trong khi xuất khẩu của Việt Nam đang rất tốt, kết quả rực rỡ này lại nhắc chúng ta không quên nền sản xuất của Việt Nam có độ phụ thuộc rất cao vào nhập khẩu nguyên liệu.
Khoảng 30% nhập khẩu của Việt Nam đến từ Trung Quốc, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực điện tử (30%) và thiết bị máy móc (22%).
Áp lực lạm phát của Việt Nam duy trì ở mức thấp trong khu vực ASEAN. Lạm phát toàn phần chỉ tăng 0,2% so với tháng trước, kéo theo mức tăng so với cùng kỳ năm trước cũng khiêm tốn ở mức 2,6%, vẫn nằm trong mức kỳ vọng của thị trường.
Kể từ khi chính thức mở cửa biên giới từ 15/3, Việt Nam đã sớm hưởng lợi nhờ du lịch trở lại. Việt Nam đón hơn 100.000 khách du lịch trong tháng 4, cao gấp ba lần so với tháng 3.
Ngoài du lịch, nhu cầu nội địa cũng ở thế vững vàng nhờ chính quyền gỡ bỏ bớt các hạn chế phòng chống dịch trong nước. Sau một đợt giảm nhẹ trong Quý 1/2022, khả năng đi lại của người dân cuối cùng cũng đã vượt mức trước đại dịch kể từ đầu tháng 4.
Sự cải thiện này rõ ràng đã góp phần phục hồi ngành bán lẻ, giúp ngành này tăng 5,8% trong tháng 4. Không chỉ doanh số hàng hóa tăng 2% so với tháng trước, quan trọng hơn là ngay cả chi tiêu cho dịch vụ và các mảng liên quan đến du lịch cũng đã tăng 7% so với tháng trước, báo hiệu một khởi đầu khởi sắc cho sự phục hồi trong lĩnh vực dịch vụ.