Những 'cánh đại bàng' Mỹ tại Việt Nam: Từ fastfood, bỉm sữa đến công nghiệp nặng, chip máy tính nhưng mới chỉ 2 cái tên có doanh thu tỷ đô

11/05/2022 13:01 PM | Kinh doanh

Tính chung từ trước đến nay, đầu tư từ xứ cờ hoa vào Việt Nam có gần 1.160 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 10,47 tỷ USD, cao thứ 11 trong số 139 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam.

Nhận lời mời của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Joseph Robinette Biden Jr., Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ cùng lãnh đạo các nước ASEAN dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ trong 2 ngày 12-13/5 tại Thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ.

Theo Thông tin Chính phủ, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng bày tỏ lạc quan về triển vọng hợp tác kinh tế hai nước Việt Nam, Hoa Kỳ và tin tưởng rằng chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hoa Kỳ sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới.

Theo Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng, sau 27 năm bình thường hóa, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã có những bước tiến dài, đặc biệt là về kinh tế.

Trong 27 năm, kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng mạnh mẽ, trung bình tăng 20%/năm, từ 450 triệu USD năm 1995 lên mốc kỷ lục 111 tỷ USD vào năm 2021. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là nước xuất khẩu lớn nhất ASEAN vào Hoa Kỳ.

Thêm vào đó, doanh nghiệp hai nước hợp tác ngày càng rộng về lĩnh vực, lớn về quy mô. Doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh và bước đầu đã đủ sức vươn xa, không chỉ xuất khẩu sang Hoa Kỳ mà còn đầu tư thành công tại Hoa Kỳ.

Các công ty, tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ đã có mặt tại Việt Nam như Intel, Apple, Google, Lockheed Martin, Ford, Pepsi Cola, Nike, UPS, FedEx... Đầu năm nay, báo cáo mới nhất của Nike cho thấy, Việt Nam đã chính thức vượt Trung Quốc, trở thành cơ sở sản xuất chính cho giày thể thao của thương hiệu này.

Những cánh đại bàng Mỹ tại Việt Nam: Từ fastfood, bỉm sữa đến công nghiệp nặng, chip máy tính nhưng mới chỉ 2 cái tên có doanh thu tỷ đô - Ảnh 1.

Sản xuất ô tô của Ford Việt Nam, một liên doanh giữa doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam. Ảnh: Lê Hoàng

Cũng theo ông doanh nghiệp hai bên ngày càng quan tâm đến thị trường của nhau, tìm kiếm các cơ hội hợp tác. Doanh nghiệp Việt Nam đã lớn mạnh rất nhanh, đủ sức vươn ra thị trường thế giới, ngày càng đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thế giới.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay Mỹ có 24 dự án đầu tư đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới được cấp phép và 8 dự án FDI đang hoạt động điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký là hơn 147 triệu USD.

Ngoài ra, cùng thời gian trên, có 59 lượt nhà đầu tư nước này góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam với tổng số vốn là 22,4 triệu USD. Tính chung, trong 4 tháng đầu năm, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam đạt gần 170 triệu USD, đứng thứ 9 trong số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022.

Đầu tư của Mỹ trong 4 tháng đầu năm nay chỉ đứng sau các nhà đầu tư đến từ Singapore, Hàn Quốc, Đan Mạch, Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan…Kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm nay cho thấy dòng vốn của doanh nghiệp và nhà đầu tư từ xứ cờ hoa ngày càng gia tăng vị trí ở Việt Nam.

Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung từ trước đến nay, đầu tư từ xứ cờ hoa vào Việt Nam có gần 1.160 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 10,47 tỷ USD, cao thứ 11 trong số 139 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam.

Cụ thể, thương hiệu Mỹ tạo doanh thu nhiều nhất ở Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại là Intel. Năm ngoái, nhà sản xuất chip nhớ, bán dẫn đạt doanh thu hơn 38.400 tỷ đồng, tăng gần 60% so với năm trước đó.

Hiện tại, tổng vốn đầu tư của Intel tại Việt Nam vào khoảng 1,5 tỷ USD. Trong đó 475 triệu USD đã được thực hiện từ tháng 6/2019 đến tháng 12/2020 nhằm tăng cường các sản phẩm 5G và bộ xử lý Intel Core công nghệ hybrid. Điều này góp phần lý giải vì sao doanh thu của tập đoàn công nghệ Mỹ tăng đột biến trong năm 2020.

Intel Việt Nam chiếm đến 70% giá trị xuất khẩu của Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP) trong năm ngoái, tổng giá trị khoảng 13 tỷ USD.

Jabil Việt Nam, một công ty chuyên cung cấp dịch vụ thiết kế, sản xuất và quản lý sản phẩm cho các công ty điện tử toàn cầu cũng đã chạm mốc doanh thu 1 tỷ USD.

First Solar, công ty sản xuất tâm pin mặt trời mới chỉ đầu tư vào Việt Nam cách đây vài năm tăng trưởng hết sức nhanh chóng đạt doanh thu 21 nghìn tỷ đồng năm 2020.

Ford Việt Nam sản xuất ô tô đạt 16 nghìn tỷ đồng. Cargill sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản phẩm nông nghiệp doanh thu 17 nghìn tỷ đồng.

Những cánh đại bàng Mỹ tại Việt Nam: Từ fastfood, bỉm sữa đến công nghiệp nặng, chip máy tính nhưng mới chỉ 2 cái tên có doanh thu tỷ đô - Ảnh 2.

Những doanh nghiệp nói trên là những "cánh đại bàng Mỹ" lớn nhất tại Việt Nam, dù có thể đến sớm, đến muộn.

Nhưng đương nhiên, còn nhiều cái tên khác lớn và nổi tiếng không kém tạo ra hàng nghìn đến chục nghìn tỷ đồng doanh thu mỗi năm, có thể liệt kê như: Crown Cork (sản xuất bao bì, đóng lon) gần 11 nghìn tỷ đồng, Hanesbrands (dệt may) hơn 8,6 nghìn tỷ đồng, 3A Nutrition (phân phối sữa Abbott) gần 11,2 nghìn tỷ đồng, Coca Cola Việt Nam (đồ uống) 8 nghìn tỷ đồng, GE Việt Nam – Hải Phòng (sản xuất tuabin gió) 7 nghìn tỷ đồng, P&G (hàng tiêu dùng) 7,6 nghìn tỷ đồng, Kimberly Clark (hàng tiêu dùng) 5,8 nghìn tỷ đồng… trong năm 2020.

Những cánh đại bàng Mỹ tại Việt Nam: Từ fastfood, bỉm sữa đến công nghiệp nặng, chip máy tính nhưng mới chỉ 2 cái tên có doanh thu tỷ đô - Ảnh 3.

Hiện tại, đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại khu vực phía Nam, đặc biệt là tại TP HCM. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp đặt nhà máy tại đây với hàng nghìn công nhân.

Như khi TP. HCM ban hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Intel Việt Nam chọn sản xuất theo phương án "1 cung đường, 2 địa điểm" cho 1.870 lao động trực tiếp và 1.500 lao động gián tiếp, các nhà thầu… phải lưu trú tại các khách sạn thành phố. Chi phí phát sinh trong vòng một tháng khoảng 140 tỷ đồng và đang tiếp tục tăng thêm.

"Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách và kế hoạch sản xuất của công ty trong dài hạn", bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc đối ngoại của Intel Việt Nam và Malaysia nói.

Bà thông tin thêm, nhà máy Intel tại Việt Nam đang đảm nhận sản lượng rất lớn, các sản phẩm bán dẫn cho tập đoàn và công ty đang xuất cho nhiều nước lớn trên thế giới. Vì thế, nhà máy có vai trò rất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Intel tại Việt Nam chiếm 64% tổng giá trị xuất khẩu của cả Khu công nghệ cao và đóng góp khoảng 30% giá trị xuất khẩu của cả TP HCM.

Theo Nhuận Hoa

Cùng chuyên mục
XEM