Xuất khẩu da giày top đầu thế giới, nhưng người Việt đang ngày càng ít đi giày Việt
Dịp lễ 30/4 – 1/5 vừa qua, tại một chuỗi cửa hàng chuyên bán giày thương hiệu ngoại như Clarks, Dr.Martens, Converse… ở khu thời trang Nguyễn Trãi quận 1 thu hút rất đông bạn trẻ Sài Gòn do có chương trình khuyến mãi mua 1 tặng 1. Chứng kiến cảnh này, người viết không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến ngành da giày Việt Nam.
Phải chăng ngành da giày Việt Nam với hơn 800 doanh nghiệp, sản lượng 1.172 triệu đôi và đứng thứ 3 thế giới sau Trung Quốc, Ý về xuất khẩu năm 2015 không thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong nước?
Đến nỗi các nhà bán lẻ phải đi tìm nguồn hàng ở nước ngoài nhập khẩu về cung cấp cho người Việt và theo Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam thì các sản phẩm nhập ngoại chiếm tới 60% thị phần.
Sẽ rất dễ để tìm câu trả lời khi nhìn vào danh sách bình chọn Hàng Việt Nam Chất lượng cao năm 2016 do Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao tổ chức.
Số lượng doanh nghiệp da giày thương hiệu Việt đạt chứng nhận này chỉ đếm trên đầu ngón tay gồm có: Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s), Công ty giày Thượng Đỉnh, Cơ sở giày Hồng Thạnh, DNTN giày Á Châu – ASIA, Công ty CP Giày Việt (Vina Giày), Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân (Bita’s), Cơ sở giày dép da Long Thành, Công ty Sản xuất Thương mại BQ (giày BQ).
Kể cả khi đạt được chứng nhận, không phải tất cả các thương hiệu trên đều đáp ứng nhu cầu của người Việt. Biti's là một ví dụ. Từng có thị phần lớn trên thị trường giày dép Việt Nam, nhưng Biti's ngày nay không còn được ưa chuộng bởi mẫu mã kém đa dạng và ít đổi mới. Biti's về sau đã tập trung hơn cho hướng xuất khẩu thay vì thị trường nội địa.
Vina Giày cũng vậy. Sự ít thay đổi trong mẫu mã khiến các mẫu giày của công ty này chỉ còn được những tầng lớp trung niên sử dụng. Rất khó Vina Giày có thể lôi kéo được những người tiêu dùng trẻ tuổi đang có quá nhiều sự lựa chọn, dù công bằng mà nói, chất lượng da của Vina Giày không hề thua kém ai.
Quá ít lựa chọn khiến người tiêu dùng phải đi tìm những sản phẩm ngoại nhập. Thậm chí ngay cả Thái Lan là nước lâu nay không có thế mạnh về sản xuất da giày cũng bắt đầu thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua các triển lãm, hội chợ hàng Thái.
Sắp tới đây khi hệ thống Metro Cash & Carry và Big C đã hoàn toàn thuộc về các tập đoàn bán lẻ Thái Lan thì viễn cảnh người Việt đi giày Thái là hoàn toàn không thể tránh khỏi.
“Mất bò mới lo làm chuồng”, nhiều doanh nghiệp da giày Việt Nam lâu nay chuyên làm hàng gia công xuất khẩu giờ đã quay trở lại thị trường nội địa đề bắt đầu cho thương hiệu của mình. Động thái này được cho là đi ngược, nhưng dù muộn vẫn còn hơn.
Đơn cử như Biti’s gần đây đã mạnh dạn tung ra sản phẩm giày thể thao Hunter để cạnh tranh với các ông lớn như Adidas, Nike, Puma và theo Biti’s thì để có được sản phẩm này công ty đã phải chi 5 triệu USD đầu tư công nghệ máy móc .
Có mặt 10 năm trong ngành da giày, từ khi Viễn Thịnh mới là một công ty siêu nhỏ quy mô 50 người, ông Trần Thế Linh – Giám đốc Công ty cho biết, để có thể “chen chân” vào thị trường nội địa đang bị hàng Trung Quốc chiếm giữ đến 95% thị phần, đích thân ông đã phải ra chợ thuyết phục từng tiểu thương để các sản phẩm của công ty được có mặt trên các sạp hàng.
“Nhờ ưu điểm về chất lượng, mẫu mã, giá cả và an toàn cho người sử dụng các sản phẩm giày dép của Viễn Thịnh hiện ngày một đông hơn”, ông Linh nói.
Với kì vọng tạo ra sự đột phá cho chính bản thân doanh nghiệp cũng như ngành da giày trong nước, ông Trần Thế Linh cho biết Viễn Thịnh vừa bỏ ra 240 tỉ đồng đầu tư một nhà máy rộng 40.000m2 với dây chuyền sản xuất khép kín sử dụng các công nghệ hiện đại nhất thế giới có thể đáp ứng được công suất khoảng 3 triệu đôi/năm vào đầu năm 2015.
Tin vui là không ít các công ty trong nước đã chịu đổi mới. Tuy nhiên, ông Trần Văn Khánh, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày TPHCM cảnh báo điều khó khăn nhất mà doanh nghiệp da giày đang gặp phải trong xuất khẩu và nhất là xây dựng thương hiệu, đó là vẫn chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu cho ngành sản xuất da giày. Doanh nghiệp không chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước mà phải nhập khẩu từ 75% đến 80%.
Bên cạnh đó, trình độ công nghệ, nhân lực cho ngành da giày vẫn còn nhiều hạn chế. Trong khi sản phẩm của các doanh nghiệp ngay khi rời xưởng đi ra thị trường nội địa đã phải đối mặt với nạn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng và nhất là sự ồ ạt xâm nhập của hàng Trung Quốc khi quốc gia này đang phá giá đồng nhân dân tệ.