Xuất khẩu cả nước giảm 18,3% nửa đầu tháng 4

21/04/2025 17:43 PM | Kinh doanh

Nửa đầu tháng 4, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 35,44 tỷ USD, giảm 10,6% so với 15 ngày liền kề; trong đó, riêng xuất khẩu giảm tới 18,3%, tương ứng giảm 3,74 tỷ USD...

Theo số liệu sơ bộ mới công bố từ Cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 4 (từ ngày 1/4 đến ngày 15/4) đạt 35,44 tỷ USD, giảm 10,6% (tương ứng giảm 4,2 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 3.

Lũy kế tới giữa tháng 4, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 237,97 tỷ USD, tăng 13,5% (tương ứng tăng 29,03 tỷ USD về số tuyệt đối) so với cùng kỳ năm 2024.

Đáng chú ý, số liệu hải quan ghi nhận, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 4 chỉ đạt 16,75 tỷ USD, giảm 18,3% (tương ứng giảm 3,74 tỷ USD) so với kết quả của kỳ 2 tháng 3.

Dù vậy, nhờ mức nền cao trước đó, lũy kế đến giữa tháng 4, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 119,59 tỷ USD, vẫn tăng 10,91% (tương ứng tăng 11,77 tỷ USD về số tuyệt đối) so với cùng kỳ năm 2024.

Xuất khẩu cả nước giảm 18,3% nửa đầu tháng 4- Ảnh 1.

Nguồn: Cục Hải quan

Với chiều nhập khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 4 cũng ghi nhận sự sụt giảm, đạt 18,69 tỷ USD, giảm 2,4% (tương ứng giảm 0,46 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 3. Lũy kế đến giữa tháng 4, tổng trị giá nhập khẩu của Việt Nam đạt 118,37 tỷ USD, tăng 15,66% (tương ứng tăng 17,25 tỷ USD về số tuyệt đối) so với cùng kỳ 2024.

Với việc cán cân thương mại thâm hụt 1,95 tỷ USD trong nửa đầu tháng 4, lũy kế từ đầu năm tới nay, xuất siêu của Việt Nam, ghi nhận sơ bộ còn khoảng 1,27 tỷ USD.

Theo phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thuế đối ứng sẽ gây ra tác động cả trực tiếp và gián tiếp đối với tăng trưởng xuất khẩu, tăng trưởng GDP và tác động đến các ngành nghề.

Với mức thuế đối ứng hiện áp dụng khoảng 10% của Mỹ đối với Việt Nam, các nhà nhập khẩu có thể tăng trữ hàng trong ngắn hạn để tránh rủi ro thuế quan tăng sau khi có kết quả đàm phán Mức thuế tăng thêm. Tuy nhiên, dư địa cắt giảm biên lợi nhuận của nhà sản xuất và nhập khẩu bị triệt tiêu dần và chi phí tăng thêm được chuyển sang người tiêu dùng cuối cùng.

Xuất khẩu cả nước giảm 18,3% nửa đầu tháng 4- Ảnh 2.

Nguồn: VDSC

Đồng thời, nếu bị áp thuế cao hơn các nhà nhập khẩu tìm kiếm sản phẩm thay thế và về lâu dài sẽ tác động nghiêm trọng đến xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, rủi ro tiềm tàng vẫn phụ thuộc vào kết quả đàm phán của Việt Nam với Mỹ.

Bên cạnh đó, do chênh lệch thuế quan giữa Việt Nam và Trung Quốc là khá lớn nên các nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ có cơ hội nhận thêm đơn hàng từ Mỹ nhờ vào việc hàng Việt Nam trở thành lựa chọn thay thế đối với các sản phẩm hàng hoá Trung Quốc bị áp thuế cao. Trong đó, các ngành có cơ hội nhiều nhất gồm: Đồ chơi, giày dép, nội thất, điện thoại, dệt may, nhựa...

Tuy nhiên, VDSC cũng đưa ra cảnh báo, cơ hội có thể cũng chính là rủi ro, xuất phát từ việc hàng Trung Quốc chuyển hướng sang Việt Nam nhằm né thuế Mỹ. Điều này có thể gây sức ép lên năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa, làm trầm trọng thêm tình trạng dư cung, nhất là ở các ngành như hàng tiêu dùng, chế biến và điện tử.

Về dài hạn, VDSC tiếp tục cho rằng “cải cách mô hình tăng trưởng là điều không thể trì hoãn”. Điều này đòi hỏi giảm phụ thuộc vào xuất khẩu và khối FDI. Đồng thời, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trong nước thông qua cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, phát triển dịch vụ công số, và mở rộng thị trường nội địa...

Tuấn Việt

Cùng chuyên mục
XEM

NỔI BẬT TRANG CHỦ

Cõi mạng đồn brand thời trang Việt 22 năm tuổi đóng cửa: Dân tình xếp hàng dài mua đồ sale sập sàn trong nước mắt

Thông tin về thương hiệu thời trang Việt 22 năm tuổi trả mặt bằng, đóng cửa vĩnh viễn đang gây xôn xao mạng xã hội.

Làm điều chưa ai từng làm: Chuyện Sendo hồi sinh ngoạn mục nhờ từ bỏ TMĐT, thâm nhập thị trường ngách gần 3 tỷ USD, hút 1 triệu khách hàng

Ngày 15/4/2025, Sendo chính thức thông báo dừng hoạt động TMĐT nhưng đây chưa phải dấu chấm hết với công ty.

Lần đầu tiên trong 10 năm, thị phần của Google xuống dưới 90% vì người dùng ‘chạy trốn’ sang AI, dù cố níu kéo bằng Gemini nhưng chẳng ăn thua

Phó chủ tịch cấp cao phụ trách dịch vụ của Apple, ông Eddy Cue cho biết lần đầu tiên trong 22 năm, lượt tìm kiếm của Google đã giảm trên Safari. Phải chăng triều đại thống trị của Google trong mảng tìm kiếm trực tuyến đã bắt đầu đi đến hồi kết?