Thương mại điện tử: Gian nan cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái

10/01/2016 19:04 PM | Công nghệ

Thị trường Việt Nam đã chứng kiến nhiều trường hợp website bán hàng trên mạng hoặc các đơn vị bán hàng của website bị tố cáo do lừa đảo, hay chỉ đơn giản là quản lý hàng hóa của đối tác bán hàng không nghiêm ngặt, để lọt hàng giả, hàng nhái trên các trang thương mại điện tử.

Thời gian gần đây, tình trạng hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên các trang thương mại điện tử đã gây nên tâm lý hoang mang cho nhiều người tiêu dùng trực tuyến. Điều này cũng là hồi chuông cảnh tỉnh, buộc các trang thương mại điện tử phải mạnh tay hơn trong kiểm soát hàng hóa cung cấp trên các trang bán hàng của mình.

Tại Việt Nam, thị trường cũng chứng kiến nhiều trường hợp website bán hàng trên mạng hoặc các đơn vị bán hàng của website bị tố cáo do lừa đảo, hay chỉ đơn giản là quản lý hàng hóa không nghiêm ngặt.

Một trường hợp gần đây có thể kể đến là sự việc đơn vị bán hàng Panda Home bị Cục Quản lý Thị trường kiểm tra về việc kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc. Những mặt hàng này cũng bị nghi ngờ là được giao dịch online trên các trang thương mại điện tử, trong đó có Lazada.

Ngay sau khi sự việc xảy ra Lazada đã ngay lập tức tạm ngưng các hoạt động giao dịch của Panda Home trên sàn giao dịch nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, cung cấp những bằng chứng chứng minh những sản phẩm bị tố cáo không nằm trong danh mục sản phẩm hiện có của Lazada.

Đại diện Lazada cho hay, Lazada thực hiện nghiêm ngặt nguyên tắt “không khoan nhượng” với hàng giả. Sau khi được phản ánh, Lazada đã tiến hành các hoạt động rà soát hàng hóa của nhà bán hàng để xác minh nguồn gốc và chất lượng hàng hóa của đơn vị này.

Sau khi có kết quả rà soát nội bộ từ Lazada và kết luận kiểm tra chính thức từ Cục Quản lý Thị trường, nếu các hàng hóa của đơn vị này được chứng minh là hàng giả, Lazada sẽ ngay lập tức tiến hành đình chỉ vô thời hạn việc kinh doanh của đơn vị đó và báo cáo, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan khi có yêu cầu.

Vấn đề kiểm soát, quản lý hàng hóa trên thị trường rộng lớn của thương mại điện tử thật không dễ dàng. Không có cách nào khác, các sàn giao dịch phải nỗ lực để đảm bảo môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh, mang đến lợi ích cả cho người mua và người bán hàng chân chính, bảo vệ niềm tin của người tiêu dùng.

Trên thế giới, các trang thương mại điện tử đã phải tự tìm ra giải pháp quản lý kiểm soát tốt hơn chất lượng sản phẩm cung cấp đến người tiêu dùng. Tại Việt Nam, xác định đây là rảo cản lớn cho sự phát triển lâu dài, Lazada - một trong những đơn vị dẫn đầu trên thị trường cũng đã có những biện pháp của riêng mình.

Theo truyền thông, ngay cả những “ông vua” của thị trường thương mại điện tử trên thế giới như Amazon, Ebay, Alibaba cũng không tránh khỏi những trường hợp tranh cãi về nguồn gốc hàng hóa, chất lượng dịch vụ. Như gần đây nhất, tháng 5/2015, trang Alibaba đã bị các thương hiệu Gucci, Yves Saint Laurent và một nhãn hiệu khác của Tập đoàn tại Paris, Kering (PRTP.PA) cáo buộc về việc cung cấp hàng hóa vi phạm bản quyền, kém chất lượng.

Đại diện Lazada cho hay, ngoài việc triển khai cam kết “không khoan nhượng” với hàng giả, hàng kém chất lượng. Ngay đầu năm 2016, trang Lazada cũng đẩy mạnh quy trình kiểm soát chất lượng, kiểm soát quyền sở hữu trí tuệ, để tiến tới triển khai một dự án “Chống hàng giả” lớn nhất năm, dự kiến sẽ vào đầu quý 2/2016.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan trên các website mua bán trực tuyến cũng được đánh giá là một trong những nguyên nhân quan trọng kìm hãm sự phát triển của thương mại điện tử Việt Nam. Sự thiếu tin tưởng vào việc mua bán trên mạng cũng như việc thanh toán tiền hàng trực tuyến đã trở thành thách thức chính khiến thương mại điện tử ở Việt Nam chưa thể nào thực sự cất cánh. Hàng giả, hàng nhái được bày bán công khai, song để ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái trong thương mại điện tử cũng không hề đơn giản.

Trên truyền thông, ông Nguyễn Tường Minh, Tổng thư ký Hội Chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng TP.HCM, phân tích: “Khi mua hàng trên mạng, người tiêu dùng bị rơi vào ma trận giữa trang web bán hàng được cấp phép và chưa được cấp phép, giữa loại hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và hàng giả, hàng nhái, giữa nhãn hiệu có và không tham gia bán hàng trên mạng, giữa món hàng ảo chỉ có trên hình ảnh và chất lượng thật”.

Cái khó trong việc phát hiện và xử lý tình trạng này, theo các chuyên gia, là phải có sự việc rõ ràng, tức phải có người mua và có món hàng cụ thể, vì nếu không nơi kinh doanh sẽ “chối ngay”. Vấn đề nằm ở chỗ hàng hoá trên mạng không “sờ, nắm” để kiểm tra được ngay. Chưa kể, hầu hết các giao dịch dạng này (nếu là hàng giả, hàng nhái) đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên công tác phát hiện, quản lý và xử lý càng trở nên khó khăn.

Theo M.Q

Cùng chuyên mục
XEM