Mark Zuckerberg nói gì khi Ấn Độ dừng Internet miễn phí của Facebook?
Zuckerberg cho rằng nền tảng Free Basics mở rộng cho mọi lập trình viên, không có quảng cáo và sẽ giúp những người dùng gặp khó khăn thoát nghèo.
Mark Zuckerberg, với tư cách cá nhân, đã lên tiếng đáp lại những người chỉ trích chương trình “Free Basics”, một nỗ lực của Facebook trong việc mở rộng phạm vi tiếp cận Internet ở Ấn Độ nhưng đang chịu nhiều phản ứng tiêu cực từ những người muốn bảo vệ thế giới công nghệ.
“Free Basics”, trước đây là Internet.org, cung cấp một phiên bản miễn phí và giản hóa của Internet cho những người không đủ khả năng chi trả tiền cước Internet hoặc các gói cước tải dữ liệu trên smartphone.
Dịch vụ này cung cấp các thông tin về y tế, du lịch, việc làm và chính quyền địa phương. Vì chỉ cung cấp một lượng trang web và dịch vụ hạn chế, và truyền tải dữ liệu ít nhất có thể, nên chi phí được giảm đến mức tối thiểu.
Facebook là một trong những ứng dụng nằm trong dịch vụ này. Các ứng dụng khác gồm có AccuWeather, Ask.com, Baby Center, Bing, Dictionary.com và Wikipedia, và vô vàn các ứng dụng khác nữa.
Những người phản đối Free Basics cho rằng chương trình này vi phạm các nguyên tắc trung lập của mạng Internet, theo đó mọi nội dung và người dùng Internet phải được đối xử công bằng. Họ cho rằng chương trình này, dù được mô tả là vì mục đích tốt đẹp, lại phản ánh đúng các mục đích thương mại của Facebook.
Họ đặt ra câu hỏi, thay vì chỉ một vài trang chọn lọc, tại sao Facebook không cung cấp đường tiếp cận tới toàn bộ nội dung trên Internet?
Zuckerberg đã đáp lại những lời chỉ trích này vào Thứ Hai vừa qua trên tờ Thời Báo Ấn Độ, cho rằng nền tảng Free Basics mở rộng cho mọi lập trình viên, không có quảng cáo và sẽ giúp những người dùng gặp khó khăn thoát nghèo.
CEO Facebook viết: “Thay vì muốn cho mọi người quyền tiếp cận miễn phí các dịch vụ internet cơ bản, những người phản đối chương trình lại đưa ra các cáo buộc sai trái – thậm chí ngay cả khi điều đó có nghĩa là bỏ lại hàng tỉ người phía sau. Ai lại có thể đi chống lại điều này cơ chứ”.
Những lời phản bác của cá nhân Zuckerberg là một phần của nỗ lực truyền thông lớn hơn nữa. Gần đây, Facebook đã cho đăng tải những quảng cáo toàn trang ở các tờ báo Ấn Độ, yêu cầu độc giả “ủng hộ sự công bằng trong thế giới số”.
Chiến dịch này xuất hiện sau khi Cục điều tiết viễn thông Ấn Độ yêu cầu Reliance Communications, một trong những công ty viễn thông lớn nhất của Ấn Độ, ngừng cung cấp dịch vụ Free Basics trong khi các nhà quản lý đang xem xét liệu dịch vụ này có hợp pháp hay không. Facebook đã hối thúc người dùng liên hệ với các nhà quản lý và đưa ra tiếng nói ủng hộ của mình.
Tuy nhiên, những người phản đối chương trình này vẫn tiếp tục đưa ra những lời chỉ trích. Mahesh Murthy, một nhà đầu cơ nổi bật của Ấn Độ đã mô tả chương trình này là “chủ nghĩa đế quốc và Công ty Đông Ấn như trước đây”, được thực hiện dưới chiêu bài “công bằng trong thế giới số”.
Amod Malviya, cựu giám đốc công nghệ của Flipkart, thậm chí còn đi xa hơn khi gọi dịch vụ này là một “âm mưu hiện đại đối với những gì thực chất đã từng là gánh nặng của người da trắng – rằng người nghèo ở Ấn Độ cần dịch vụ Free Basics của Facebook để giải phóng họ”.
Ấn Độ có một nền công nghệ đứng trong top đầu của thế giới, nơi có các kỹ sư được đào tạo cẩn thận tạo ra các ứng dụng hiện đại và nhiều tính năng. Đồng thời, hàng trăm triệu người Ấn Độ không được tiếp cận với Internet, hay thậm chí là điện thoại cố định. Giúp những người này tiếp cận Internet là ưu tiên hàng đầu cho các công ty ở Silicon Valley, những người vẫn luôn hy vọng rằng người Ấn sẽ sử dụng các dịch vụ của mình trên diện rộng.
Google và các hãng công nghệ khác đều đồng ý rằng người Ấn Độ nên được tiếp cận nhiều hơn với Internet, nhưng họ chỉ tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ chứ không phải xây dựng một hệ sinh thái mới và hạn chế.
Đầu tháng này, CEO của Google là Sundar Pichai, người vốn sinh ra ở Chennai, nói rằng công ty này cam kết thực hiện nguyên tắc bình đẳng trên Internet. Google đang nỗ lực đưa Internet miễn phí đến 400 ga tàu trên khắp Ấn Độ.
Vị CEO này cho rằng: “Internet là một sân chơi cân bằng và tôi không nghĩ là chúng tôi có mặt ở đây ngày hôm nay để cung cấp khả năng tiếp cận một mạng Internet mạnh, miễn phí và mở rộng nếu không quan tâm gì đến nguyên tắc công bằng của mạng lưới. Chúng tôi luôn cam kết tuân thủ nguyên tắc này.
Nhưng phương ấn của Zuckerberg cũng có những người ủng hộ ở Ấn Độ.
Tiểu thuyết gia Manu Joseph gần đây đã viết trên tờ New York Times như sau: “Những lời chỉ trích về chương trình Internet miễn phí cho người nghèo ở Ấn Độ được ngụy trang bằng những lời phản đối chính đáng. Nhưng thực tế là, chính Internet phải trả phí mới đầy tính hạn chế vì nó ngăn chặn sự tiếp cận thế giới mạng của những người không có tiền trả phí Internet”.