Xin lỗi như thế nào để dễ được tha thứ nhất?

14/04/2016 11:27 AM | Công nghệ

Xin lỗi cũng là một nghệ thuật, một môn khoa học. Và hãy nhớ làm theo chỉ dẫn dưới đây, để lời xin lỗi của bạn dễ được chấp nhận nhất.

Ai trong chúng ta đôi lúc cũng đều mắc lỗi và cần phải xin lỗi người khác, tuy nhiên việc xin lỗi lại không phải lúc nào cũng được chấp nhận. Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra phương pháp giúp những lời xin lỗi sẽ có tỉ lệ "thành công" cao hơn rất nhiều.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Bang Ohio - Mỹ đã đưa ra khái niệm về lời xin lỗi "lý tưởng", đó là một câu xin lỗi gồm 6 thành phần.

Khi một lời xin lỗi không được chấp nhận, đó có thể là do người nói chưa nhấn mạnh đủ vào những phần quan trọng nhất hoặc thậm chí do người đó đã bỏ sót tất cả những phần quan trọng ấy.

Theo một nhóm các nhà nghiên cứu được dẫn đầu bởi Roy Lewicki tại Đại học Bang Ohio, những lời xin lỗi đúng đắn nhất được hình thành bởi 6 phần khác nhau.

1. Một biểu hiện về sự nuối tiếc.

2. Một lời giải thích về những chuyện đã xảy ra.

3. Nhận thức về trách nhiệm.

4. Thể hiện sự hối hận.

5. Đưa ra những bù đắp.

6. Yêu cầu sự tha thứ.

Một khảo sát đã được thực hiện bằng cách đưa ra những lời xin lỗi gồm vài hoặc tất cả 6 yếu tố cho 755 người tham gia, kết quả cho thấy những lời xin lỗi được chấp nhận nhiều nhất là lời xin lỗi bao gồm cả 6 thành phần trên. Các kết quả đã được công bố trong Nghiên cứu Đàm phán và Giải quyết xung đột.

Tuy nhiên, có một số yếu tố quan trọng hơn những yếu tố còn lại trong 6 phần của một lời xin lỗi này. Nghiên cứu đã chỉ ra, yếu tố thứ 3 và thứ 5 (nhận thức về trách nhiệm và đưa ra sự bù đắp) là hai yếu tố có ý nghĩa nhất đối với người được xin lỗi.

Lewicki cho biết: "Những kết quả của chúng tôi cho thấy việc quan trọng nhất khi xin lỗi một ai đó là bạn phải thể hiện nhận thức về trách nhiệm của bản thân và thừa nhận đó là lỗi của mình.". Bên cạnh đó, những câu như "Tôi sẽ sửa chữa những lỗi lầm" sẽ cho thấy người nói đang cam kết hành động để phục hồi những tổn thất.


Nói lời xin lỗi không đơn giản như ta tưởng.

Nói lời xin lỗi không đơn giản như ta tưởng.

Những người tham gia trong nghiên cứu được chia làm hai nhóm và được giao nhiệm vụ đọc một bản xin lỗi viết bởi một người đang xin việc làm kế toán đã mắc lỗi nộp tờ khai thuế không chính xác. Nhóm thứ nhất được tiết lộ việc lời xin lỗi đó bao gồm mấy yếu tố, nhóm thứ hai thì không.

Và điều đó đã tạo nên một sự khác biệt nhỏ. Những lời xin lỗi chứa cả 6 yếu tố được chấp nhận nhiều nhất, trong đó việc nhận thức trách nhiệm và đưa ra sự bù đắp vẫn được coi là những phần quan trọng hơn cả. Cả hai nhóm người tham gia đều cho rằng việc yêu cầu sự tha thứ là điều ít quan trọng nhất.

Nghiên cứu đã không tìm hiểu về tác dụng của những lời xin lỗi trực tiếp so với những lời được viết ra, tuy thế Lewicki cho rằng việc xin lỗi sẽ trở nên hiệu quả hơn khi được thực hiện đối mặt trực tiếp: "Rõ ràng những thứ như ánh mắt hay cử chỉ thích hợp của sự chân thành là rất quan trọng khi bạn xin lỗi người khác."

Thành NT

Cùng chuyên mục
XEM