Xem phim - lối thoát khỏi cuộc sống ảm đạm vì suy thoái ở Ấn Độ

21/12/2019 19:48 PM | Xã hội

Khi kinh tế Ấn Độ chững lại, ngành kinh doanh điện ảnh lại có cơ hội phát triển mạnh mẽ."Xem phim là một cách tuyệt vời để trốn tránh hiện tại", Maneck, 29 tuổi, nói.

Trong khi suy thoái kinh tế kéo dài buộc người dân Ấn Độ phải hạn chế chi tiêu từ đồ lót đến xe hơi, việc làm ăn ở Bollywood chưa bao giờ khởi sắc hơn thế - cung cấp cho khán giả lối thoát khỏi cuộc sống ảm đạm thường ngày.

Doanh thu nhiều khả năng tiếp tục tăng, với những bộ phim nổi tiếng như "Dabangg 3" (Fearless 3) của ngôi sao Salman Khan dự kiến ​​phát hành trong tuần này khi mùa phim bom tấn đang đến gần.

Ankita Maneck là một trong số hàng triệu người xếp hàng để xem Khan đánh bại kẻ xấu, ca hát nhảy múa và đi đến kết thúc có hậu.

Năm vừa qua, Maneck đã mất việc, trở về nhà và chật vật kiếm tiền cho ca phẫu thuật của cha. Niềm an ủi duy nhất của cô đến từ chiếc vé xem phim, cô nói, kể về một tối thứ 6 lý tưởng luôn bao gồm chuyến đi tới rạp chiếu phim.

“Tình hình kinh tế hiện giờ rất khó khăn”, cô gái 29 tuổi đang là chuyên viên tiếp thị ở thành phố Baroda, cho biết. “Xem phim là một cách tuyệt vời để trốn tránh thực tại”.

Cô không phải là người duy nhất nghĩ vậy. Khi nền kinh tế lao đao với mức tăng trưởng hàng quý giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm, ngành kinh doanh điện ảnh lại có cơ hội phát triển mạnh mẽ.

Thoát ly

Với khoảng 1.800 bộ phim phát hành năm 2018, Ấn Độ được coi là xưởng phim lớn nhất thế giới với Bollywood là ngôi sao sáng nhất.

Bất chấp các trình phát video trực tuyến toàn cầu như Netflix và Amazon Prime, ngành công nghiệp làm phim vẫn giữ được sức mạnh trong trí tưởng tượng của Ấn Độ.

“Năm 2019, Bollywood đã hoạt động rất tốt trong ba quý vừa qua và tăng trưởng 15% so với năm ngoái”, nhà phân tích thương mại phim có trụ sở tại Mumbai, Girish Johar, nói.

Sự bùng nổ của Bollywood thậm chí đã khiến một bộ trưởng tuyên bố rằng sự suy thoái kinh tế của Ấn Độ đã bị cường điệu hóa, nhận về một loạt các chỉ trích.

Dù vậy, các số liệu trong ngành chỉ ra rằng ngay cả khi người Ấn Độ cắt giảm việc mua các mặt hàng thiết yếu như trái cây và rau, doanh thu từ phòng vé vẫn tăng.

“Phim ảnh là cách dễ dàng nhất để giải trí mà không cần chi tiêu nhiều trong giai đoạn suy thoái”, Kamal Gianchandani, CEO của PVR Cinemas, nhà điều hành rạp chiếu phim đa màn hình lớn nhất nước cho biết.

Với giá tiền tương đối phải chăng là 75 rupee (1 USD), một người sống ở Mumbai, thành phố đắt đỏ nhất Ấn Độ, có thể dễ dàng đến một rạp chiếu phim màn hình lớn và dành 3 giờ trong phòng điều hòa, tránh xa những rắc rối của họ.

Việc này còn không tốn kém bằng một bữa tối tại nhà hàng bình dân.

Năm 2018 và 2019, khi nền kinh tế Ấn Độ giảm tốc, lợi nhuận hàng năm của PVR đã tăng gần 1/3 lên tới 435 triệu USD. Năm nay sẽ còn tốt hơn nữa, Gianchandani nói, khi ngày càng nhiều người tìm đến một lối thoát giá rẻ.

Xu hướng tương tự dường như cũng đã diễn ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, với doanh thu phim ảnh tăng lên trong khi kinh tế Ấn Độ lao dốc.

'Chỉ số son môi'

Không có nguồn chính thức nào về doanh thu phim vì hệ thống phân phối phức tạp của Ấn Độ bao gồm hàng nghìn rạp chiếu phim độc lập.

Nhưng số liệu từ trang Box Office Ấn Độ cho thấy doanh thu đã tăng gần 19% từ năm 2006 đến 2009.

Ngược lại, khi nền kinh tế phục hồi năm 2014 do sự lạc quan xung quanh cuộc bầu cử của Thủ tướng Narendra Modi, doanh thu phim đã giảm xuống từ 525 triệu USD năm trước xuống còn 511 triệu USD, theo trang web.

Xu hướng này có điểm tương đồng với "Chỉ số son môi", thuật ngữ được đặt ra bởi Leonard Lauder, chủ tịch tập đoàn mỹ phẩm Mỹ Estee Lauder vào đầu những năm 2000 để giải thích tại sao doanh số bán son tăng lên trong thời kỳ suy thoái.

Lý do là người tiêu dùng dường như kìm chế các khoản chi tiêu lớn trong thời gian suy thoái, thay vào đó phung phí tiền vào những thú vui nhỏ hơn.

Ngoại trừ các tổ hợp chiếu phim cao cấp, giá vé ở Ấn Độ rẻ hơn nhiều so với các thị trường khác, làm giảm lợi nhuận nhưng giúp việc xem phim trở thành một thứ xa xỉ dễ tiếp cận đối với nhiều người Ấn Độ yêu điện ảnh.

Đối với nhà thiết kế đồ họa Shruti Kulkarni, rạp chiếu phim mang đến cơ hội rời khỏi ngôi nhà ngột ngạt để thư giãn. Khác hẳn với việc tải một bộ phim về điện thoại thông minh hay máy tính, cô nói.

"Cảm giác rất khác khi bạn đi xem phim một mình trong nhà hát, nhưng được bao quanh bởi hàng trăm người lạ cùng chia sẻ trải nghiệm tương tự. Tôi thích nó", cô gái 26 tuổi nói.

Theo Minh Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM