Xã hội Nhật có vấn đề gì mà tới nửa triệu thanh niên Nhật Bản không đi học cũng chẳng đi làm, ăn bám bố mẹ?

28/11/2016 10:57 AM | Kinh doanh

“Hikikomori” – một thuật ngữ tiếng Nhật dùng để miêu tả hơn một nửa triệu người trẻ Nhật Bản hiện đang ở nhà và tránh tương tác với những người bên ngoài gia đình của họ.

Nagisa Hirai vốn là một bé gái năng động, rất thích chơi bóng đá với các bạn nam. Tuy nhiên, niềm hạnh phúc nhỏ nhoi ấy sớm bị tiêu tan ngay trong những ngày đầu bước vào trường cấp 2 khi cô bé trở nên hoảng sợ vì không thể tìm ra lớp của mình.

Dần dần, Hirai trở thành “hikikomori” – thuật ngữ tiếng Nhật dùng để chỉ hơn một nửa triệu người trẻ tuổi Nhật Bản hiện đang ở nhà và tránh tương tác với những người bên ngoài gia đình của họ. Hirai trở nên hoảng sợ về tất cả những gì không quen thuộc – thậm chí những việc không đâu tại trường cũng có thể khiến cô bé hoảng loạn. Cuối cùng, cô bé trở nên không thoải mái với tiệc tới trường và cha mẹ đã phải ép cô đi học.

Hiện tại, cô bé ấy đã trở thành một phụ nữ trưởng thành 30 tuổi. Chuyện quá khứ đã nguôi ngoai gần hết nhưng vẫn có những ngày, Hirai không thể nào kéo mình ra khỏi giường để đi làm - công việc bán thời gian tại một trường Đại học.

Nagisa Hirai:

Trong khi vấn đề “hikikomori” không còn mới trong xã hội Nhật Bản nhưng thủ tướng Shinzo Abe hiện đang lên kế hoạch biến nhóm này thành lực lượng lao động mở rộng cho nền kinh tế trong bối cảnh dân số đang ngày một già hóa.

Thủ tướng Abe cũng cam kết sẽ chấm dứt việc dân số giảm xuống dưới 100 triệu người từ mức hiện tại là 127 triệu người và tất cả các thành viên trong xã hội đều sẽ có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế.

Nói về sự xuất hiện những hikikomori, rất khó để chỉ ra một nguyên nhân rõ ràng cho hiện tượng này. Hikikomori có thể bị ảnh hưởng từ những yếu tố như vấn nạn bắt nạt tại trường học hoặc nơi làm việc, áp lực từ cha mẹ hoặc những thành viên trong gia đình khi ép họ phải đi đậu hoặc vượt qua một buổi phỏng vấn xin việc.

Gầy yếu

Trong trường hợp của Hirai – cô vừa sợ mọi người, vừa cảm thấy rất tồi tệ về việc không thể tới trường. Do quá bế tắc, Hirai bị mắc chứng biếng ăn trong suốt thời gian học bán trú cấp 3. Cân nặng của cô khi đó chỉ còn dưới 30kg.

Hirai nói rằng: “Tôi có thể kìm nén cảm xúc khi hạn chế ăn uống”. Dù thỉnh thoảng vẫn đi ra ngoài và gặp gỡ mọi người nhưng cô không bao giờ tới lớp, bỏ học còn các bạn thì đều đã tốt nghiệp.

May mắn là Hirai đã nhận được sự giúp đỡ từ trường Đại học Shure – một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp những "không gian phi áp lực" cho những người như Hirai vốn tiếp tục hoàn thành chương trình học. Đến nay, Hirai đã sống 1 mình được gần 10 năm và cô nói rằng mặc dù tình trạng đã khá hơn nhưng cô vẫn căng thẳng khi gặp gỡ mọi người.

Khi được hỏi về kế hoạch nghề nghiệp, Hirai chia sẻ: “Tôi sợ việc lại tách ra khỏi xã hội. Điều quan trọng hơn lúc này là tôi nên ở xung quanh ai chứ không phải tôi muốn làm gì. Cha mẹ thì đã già mà tôi chỉ mới tốt nghiệp cấp ba. Tôi luôn lo lắng về việc làm sao để có thể nuôi sống chính bản thân mình”.

Cảm nhận tiêu cực

Kageki Asakura – một thành viên của Đại học Shure nói rằng việc thiếu sự tôn trọng bản thân là lý do tại sao nhiều người trở thành những hikikomori. Cảm nhận tiêu cực khiến những người này rời bỏ xã hội và từ đó tình trạng càng trở nên tồi tệ hơn.

Trong một cuộc khảo sát của chính phủ công bố vào năm 2014 về những người trẻ tuổi tại 7 quốc gia khác nhau bao gồm Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc, Nhật Bản xếp thứ hạng thấp nhất về tiêu chí tự hài lòng với bản thân. Chỉ 7,5% số người được hỏi hài lòng về bản thân mình.

Khoảng 541.00 người trong độ tuổi từ 15 – 39 tương đương 1,6% dân số trong nhóm tuổi đó – được dự đoán sẽ trở thành những hikikomori theo một báo cáo được công bố vào tháng 9 của Cabinet Office. Chính phủ xác định hikikomori là những người ở nhà và tránh tương tác với các thành viên khác ngoài gia đình của họ trong ít nhất 6 tháng.

Trong bối cảnh dân số già hóa, thế hệ những hikikomori cũng đang trở nên già hơn. Khoảng 53% những hikikomori tại quận phía đông Shimane trong độ tuổi 40 hoặc già hơn với con số tương tự 44% tại Yamagata. Điều này làm dấy lên những câu hỏi về việc làm thế nào để những "hikikomori già" này sẽ nuôi sống được chính bản thân khi bố mẹ của họ qua đời.

Ảnh hưởng tới nền kinh tế

Những chính sách thích đáng như trợ giúp tài chính và tư vấn có thể biến hikikomori thành lực lượng lao động, theo Eriko Ito – chuyên viên tư vấn tới từ Viện nghiên cứu Nomura tại Tokyo nói. Điều này có thể thúc đẩy tổng thể đầu ra nền kinh tế cũng như giúp giảm chi tiêu vào trợ cấp xã hội.

“Chúng ta nên thay đổi suy nghĩ việc này là hỗ trợ, bao bọc họ. Đó là một khoản đầu tư, không phải chi phí”.

Mỗi một người nhận trợ cấp xã hội biến thành một người nộp thuế sẽ làm tăng thêm khoảng 78 – 98 triệu yên cho ngân sách quốc gia, theo một tính toán của Bộ Y tế, lao động và phúc lợi Nhật Bản.

Kế hoạch của chính phủ là hỗ trợ hikikomori và những người trẻ tuổi khác đang gặp khó khăn bằng việc khiến họ trở nên “độc lập” hơn. Để làm được điều này, chính phủ đã thành lập những trung tâm tư vấn quốc gia và khiến họ miễn cưỡng rời khỏi nhà.

Tuy nhiên những nỗ lực này còn gặp nhiều trở ngại. Hơn 65% hikikomori được khảo sát nói rằng họ không mặn mà với những dịch vụ này vì lo ngại về việc không thể giao tiếp hay thoải mái với những người khác.

“Chính sách lao động của ông Abe đang đặt áp lực lên những hikikomori. Thủ tướng muốn họ trở nên tốt và đạt được những thành tựu lớn lao. Tại sao thay vào đó không thể để họ tự theo đuổi hạnh phúc của bản thân?”, Asakura tới từ NPO nói.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM