Đừng tưởng người Nhật cái gì cũng hay và đáng học, họ đang nuôi lớn một 'thế hệ nhát gan' hủy hoại nền kinh tế

01/11/2016 10:34 AM | Kinh doanh

55% những doanh nhân tiềm năng tại Nhật Bản được khảo sát cho thấy họ sợ thất bại, mức cao thứ 2 trong số những quốc gia được khảo sát.

Trong số rất nhiều dữ liệu thống kê kinh tế đáng buồn của Nhật Bản, tờ Bloomberg còn mới công bố một con số mới đáng sợ hơn rất nhiều: 800 triệu USD. Đó là tổng giá trị các thỏa thuận đầu tư mạo hiểm được thực hiện tại Nhật Bản trong năm 2015 theo thống kê của E&Y. Trong khi đó, con số tương tự tại Mỹ là 72 tỉ USD và Trung Quốc là 49 tỉ USD. Thậm chí, ngay cả một đất nước nhỏ bé như Israel cũng đạt tổng giá trị các thỏa thuận lên tới 2,6 tỉ USD.

Đây rõ ràng là một con số gây choáng và nó có thể giải thích được tại sao cường quốc kinh tế lớn thứ 3 thế giới đang gặp khó khăn mặc cho những nỗ lực giải cứu của ngân hàng trung ương: Có quá ít người Nhật Bản muốn khởi nghiệp kinh doanh, thành lập công ty.

Nguyên do thì có rất nhiều và vô cùng phức tạp. Đầu tiên, người Nhật có vẻ ngại rủi ro, muốn né tránh rủi ro nhiều hơn so với người dân ở những quốc gia khác. Báo cáo năm 2014 từ Global Entrepreneurship Monitor cho thấy, ít hơn 1 trong 3 người trẻ Nhật Bản đang trong độ tuổi làm việc xem việc mở một công ty như một lựa chọn thông minh cho sự nghiệp – mức thấp thứ 2 trong số tất cả những quốc gia được khảo sát.

Thực tế này xuất phát từ văn hóa luôn tìm đến sự thoải mái, ưu thích sự ổn định của đại đa số người Nhật Bản. 55% những doanh nhân tiềm năng tại Nhật Bản được khảo sát cho thấy họ sợ thất bại, mức cao thứ 2 trong số những quốc gia được khảo sát.

Đáng buồn hơn nữa là ngay cả những người trẻ tuổi Nhật Bản được trải nghiệm học tập và có kinh nghiệm làm việc cở nước ngoài cũng vẫn khá e dè với nghiệp máu kinh doanh. Theo Viện Giáo dục quốc tế, Nhật Bản hiện chiếm gần 2% tổng số những sinh viên học tại các trường đại học ở Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, tỉ lệ này đang giảm.

Việc chậm cập nhập các kiến thức kinh doanh mới sẽ càng làm vấn đề này thêm trầm trọng. Theo nghiên cứu của World Bank, Nhật Bản xếp thứ 89 trong về tốc độ mở doanh nghiệp mới, sau cả những đất nước nhỏ bé như Afghanistan, Burkina Faso.

Chính phủ và lĩnh vực tài chính có xu hướng ủng hộ những công ty đã hoạt động. Đã từ rất lâu Nhật Bản luôn bị chỉ trích khi cố gắng tung những gói tài chính, tìm đủ mọi biện pháp để giúp các công ty “zombie” (những công ty xác sống do không chịu đổi mới, kinh doanh thua lỗ, chỉ còn sống dựa vào những nguồn cứu trợ của chính phủ) sống sót.

Tất cả những điều đó có nghĩa là Nhật Bản chưa đạt tới “sự đột phá sáng tạo” để có thể thổi luồng gió mới vào cho nền kinh tế. Global Entrepreneurship Monitor đã công bố số liệu cho thấy chỉ 3,8% người dân trong độ tuổi lao động tại Nhật Bản đang mở công ty mới hoặc điều hành một doanh nghiệp hơn 3,5 năm tuổi – tỉ lệ thấp nhất trong số những quốc gia được nghiên cứu. Trong khi đó con số tương tự tại Mỹ là 13,8%. Phần lớn người Nhật Bản đang làm việc tại những công ty đã thành lập từ lâu đời.

Thật không may, không giống như rượu, càng để lâu càng ngon và đậm đà. Nghiên cứu trong năm 2014 bởi OECD cho thấy những công ty trẻ tuổi đóng góp nhiều hơn trong việc tạo ra việc làm so với những công ty lâu đời. Trong báo cáo tháng 8, Capital Economics kết luận rằng “tốc độ tăng trưởng GDP của Nhật Bản trong những năm tới không đủ lớn để có thể rút ngắn khoảng cách với những quốc gia khác”.

Để giải quyết vấn đề này, đầu tiên các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản có lẽ nên tinh giảm những điều luật để giúp quá trình khởi nghiệp doanh nghiệp trở nên dễ dàng hơn cũng như đón nhận thêm những lĩnh vực mới, tăng tính cạnh tranh, từ đó thu hút các doanh nhân.

Cải tổ các trường học lâu đời ở Nhật Bản cũng là một ý tưởng hay. William Saito hiện đang là một doanh nhân và anh khuyến khích thế hệ trẻ nước này tiếp bước ông cùng góp sức thay đổi hệ thống giáo dục nước nhà.

Theo đó, theo Saito, các trường học Nhật Bản cần phải giúp học sinh giảm bớt nỗi ám ảnh với những bài kiểm tra, chấm dứt sự cạnh tranh để tạo ra tinh thần hợp tác trong các nhóm – yếu tố quan trọng trong văn hóa khởi nghiệp. Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản cũng nên đón nhận nhiều lao động nữ và thúc đẩy sáng tạo nhiều hơn.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM