Vụ Ngô Hoàng Anh 'Forbes U30' bị tố quấy rối tình dục: Nữ sinh bị quấy rối và tố giác nhưng bị 'lờ' đi thì phải làm gì?

19/02/2022 19:52 PM | Xã hội

Hôm nay (19/2), trang fanpage chính thức của Trường phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã đăng tải một bức thư ngỏ nêu những quan điểm của nhà trường thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trước thông tin cựu học sinh Ngô Hoàng Anh, người vừa được vinh danh "Forbes under 30" bị tố quấy rối tình dục, Trường Phổ thông Năng khiếu đã lên tiếng và đưa ra quan điểm về sự việc.

Nhà trường khẳng định fanpage của trường đã thiếu cẩn trọng khi đưa thông tin về cựu học sinh Ngô Hoàng Anh được xếp hạng trong Forbes under 30 năm 2022.

Điều này vô tình khơi dậy nỗi đau chưa được giải quyết thấu đáo của các học sinh và cựu học sinh từng lên tiếng tìm sự giúp đỡ trong năm 2020 về hành vi có dấu hiệu quấy rối tình dục của Ngô Hoàng Anh.

Vụ Ngô Hoàng Anh Forbes U30 bị tố quấy rối tình dục: Nữ sinh bị quấy rối và tố giác nhưng bị lờ đi thì phải làm gì? - Ảnh 1.
Ngô Hoàng Anh được Forbes Việt Nam vinh danh gương mặt trẻ tiêu biểu dưới 30 tuổi năm 2022 

Trong thư ngỏ, nhà trường thừa nhận: "Đã không giải quyết sự việc một cách toàn diện và chặt chẽ khi tiếp cận những thông tin trên các trang mạng xã hội liên quan đến các học sinh tố cáo về hành vi quấy rối tình dục của cựu học sinh trên vào năm 2020".

Theo nhà trường, một phần do dịch Covid-19 phức tạp dần tạo ra những áp lực và điều chỉnh trong công tác dạy và học, một phần do thời điểm đó, các bộ phận tiếp nhận sự việc chưa có nhận thức đầy đủ về tính nghiêm trọng của sự việc.

Nhà trường cũng chưa có những biện pháp cụ thể trong quá khứ để giúp các học sinh tự bảo vệ trước các hành vi quấy rối, đồng thời chưa đưa ra khuyến cáo kịp thời cho tất cả các bên liên quan khi có dấu hiệu cấu thành hành vi quấy rối.

Nhà trường khẳng định quan điểm phản đối mọi hành vi vi phạm pháp luật, gây xâm hại đến sức khỏe tinh thần của người khác, trong đó đặc biệt phản đối các hành vi quấy rối tình dục diễn ra trong quá trình dạy học.

Đồng thời, trường chia sẻ sâu sắc đến những nỗi đau mà các học sinh, cựu học sinh đã gặp phải khi đối diện với các hành vi này, cũng như đưa ra cam kết sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm với các bên liên quan để giải quyết sự việc này theo đúng quy định của pháp luật.

Tố cáo người quấy rồi tình dục mà “lờ” đi nữ sinh nên làm gì?

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Phương Anh (ĐH Sư phạm Hà Nội), vấn nạn quấy rối tình dục diễn ra nhiều nơi và nữ sinh là những đối tượng dễ có nguy cơ bị quấy rối.

Rất nhiều nữ sinh đã từng bị quấy rối tình dục ở các mức độ khác nhau, nhưng phần lớn đều chỉ biết âm thầm chịu đựng vì tâm lý mặc cảm, xấu hổ, sợ thị phi.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều người bước qua dư luận để đứng lên tố cáo nhưng không phải lần tố cáo nào cũng có kết quả, đã từng không ít sự việc nữ sinh tố cáo mình bị quấy rối tình dục nhưng nhiều cơ sở giáo dục đã không giải quyết sự việc thậm chí “ỉm” đi khiến các em chán nản, bức xúc.

“Bị quấy tối tình dục, nữ sinh có thể phản ánh sự việc đến cơ quan chức năng. Cụ thể là có thể báo cáo những gì đã xảy ra cho các tổ chức có thẩm quyền tại địa phương liên quan đến quấy rối nói chung hoặc cho các tổ chức bảo vệ quyền lợi của con người nói riêng.

Ví dụ nếu ai đó bị quấy rối tình dục, bạn có thể báo cáo điều gì đã xảy ra với nhà trường. Nếu nhà trường không đủ thẩm quyền can thiệp hay hỗ trợ, học sinh có thể tìm đến cơ quan công an tại địa phương để xử lý nghiêm tội quấy rối.

Ngoài ra, người bị quấy rối tình dục nơi làm việc có quyền khiếu nại về hành vi quấy rối tình dục xảy ra với mình. Cụ thể quyền khiếu nại này nằm trong các quy định liên quan đến quấy rối tình dục tại Điều 118 Bộ luật lao động năm 2019 và hướng dẫn chi tiết tại nghị định số 145/2020/NĐ-CP”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Phương Anh nói.

 Trách nhiệm của nhà trường đến đâu?

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Phương Anh đã đến lúc cần đưa giáo dục giới tính vào trong trường để giảng dạy một cách chính thức, bài bản càng sớm càng tốt, để các em hiểu hành vi nào là không được phép với thân thể của mình, để học sinh có kỹ năng phòng tránh, tự biết cách bảo vệ mình trước những hành vi sai trái của người xung quanh.

Khi tiếp cận những tố cáo về quấy rối tình dục của các học sinh, nhà trường với vai trò quản lý phải tiếp nhận sự việc, nhận thức đầy đủ về tính nghiêm trọng của sự việc để vào cuộc, nhờ cơ quan chức năng cùng vào cuộc làm rõ.

Sau sự việc, cơ quan quản lý giáo dục cần có những biện pháp cụ thể để giúp các học sinh tự bảo vệ mình, nhận thức đúng trước các hành vi quấy rối, đồng thời khuyến cáo kịp thời cho tất cả học sinh trước những hành vi quấy rối.

Theo Hoàng Thanh

Từ khóa:  Ngô Hoàng Anh
Cùng chuyên mục
XEM