Vụ mất 245 tỷ đồng tại Eximbank: “Giải pháp là bà Chu Thị Bình phải đi kiện lại ngân hàng”

02/03/2018 10:15 AM | Xã hội

“Giải pháp bây giờ là bà Chu Thị Bình phải đi kiện lại ngân hàng. Bởi khách gửi tiền, đã có xác nhận của ngân hàng, đến ngày tất toán thì phải trả”, luật sư Trần Tấn Tài, Giám đốc Công ty Luật City, Đoàn luật sư TP.HCM nhận định.

Vụ việc bà Chu Thị Bình gửi tiền vào Ngân hàng Eximbank và bị ông Lê Nguyên Hưng, nguyên Phó giám đốc Eximbank Chi nhánh TP.HCM chiếm đoạt và bỏ trốn đang được dư luận quan tâm và gần đây nhất, phía bà Bình và ngân hàng đã có buổi làm việc.

Theo đó, phía Eximbank đề ra hướng giải quyết trước mắt tạm ứng cho bà Bình hơn 14 tỷ đồng, là số tiền trên giấy ủy nhiệm chi mà Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C44) xác định là chữ ký của chủ tài khoản lẫn người được ủy quyền bị làm giả. Còn những khoản khác, ngân hàng sẽ chờ ra tòa.

Lúc đầu bà Bình không đồng ý phương án này. Tuy nhiên sau đó bà Bình đã cân nhắc lại việc nhận số tiền tạm ứng này nhưng cho biết phải xem trước bản thảo của biên bản thoả thuận mới quyết định đồng ý hay không.

Xoay quanh vụ việc trên, luật sư Trần Tấn Tài, Giám đốc Công ty Luật City, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng  việc Eximbank giải quyết như vậy chưa phù hợp vì mối quan hệ dân sự và hình sự khác nhau. Mối quan hệ bà Bình với ngân hàng, theo pháp luật dân sự mới là vay tiền, tức Eximbank vay của bà Bình dùng cho hoạt động của ngân hàng.

Luật sư phân tích, đầu tiên khách hàng đi gửi tiền vào ngân hàng, có xác nhận gửi tiền, tiền có vào ngân hàng hay không? Ở đây việc gửi tiền vào ngân hàng của bà Bình đã hoàn thành rồi. Sau đó, chính ông Hưng mới là người lừa ngân hàng để lấy tiền, phải phân biệt qua 2 mối quan hệ mới thấy được.

Theo luật sư này, sau khi mất tiền thì ngân hàng phải có trách nhiệm trả lại cho khách hàng chứ không phải đợi ra tòa án. Bởi vì khi ra tòa là mối quan hệ khác, phải bắt được ông Hưng, người mà đã gây ra hậu quả mới xử được.

“Trường hợp không bắt được thì sao, không lẽ treo phần đó? Lỗi ngân hàng ở đây là lỗi hệ thống về quản trị yếu kém, là sai của ngân hàng. Tôi gửi tiền vào ngân hàng, ngân hàng làm sai thì phải có trách nhiệm. Thứ nhất quy trình không đúng, thứ hai bà Bình còn giữ sổ tiết kiệm gốc. Tôi cho anh vay (gửi tiền vào ngân hàng) đến thời hạn tất toán thì tôi lấy tiền, còn việc ai đã lấy tiền, ai đã giả mạo đó là việc của ngân hàng với bên kia”, Giám đốc Công ty Luật City nhận định.

Luật sư Tài nêu, giải pháp bây giờ là bà Bình phải đi kiện lại ngân hàng. Bởi khách gửi tiền, đã có xác nhận của ngân hàng, đến ngày tất toán thì phải trả. Giờ đến hạn, tiền lời và gốc không có thì ngân hàng đã vi phạm và khách kiện ra tòa. Tức trường hợp này là cá nhân kiện pháp nhân.

“Thực ra là ông Hưng lấy tiền Eximbank chứ không phải lấy tiền bà Bình. Vì số tiền gửi của bà Bình là đã vào ngân hàng, ngân hàng đã lấy sử dụng cho hoạt động của ngân hàng (cho vay lại, đầu tư…). Trường hợp mà tiền chưa vào ngân hàng thì mới là ông Hưng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Bình”, luật sư Tài cho biết.

Theo vị luật sư này, ngân hàng phải có trách nhiệm trả trước cho khách mà không phải đợi ra tòa. Ra tòa là lý của ngân hàng nhưng làm như vậy thì uy tín của ngân hàng giảm, không công bằng với người gửi tiền và coi thường khách hàng.

Theo Huyền Trâm

Cùng chuyên mục
XEM