Vụ sếp Eximbank “cuỗm” tiền bỏ trốn: Ngân hàng cần bồi hoàn ngay khoản tiền cho khách hàng!

25/02/2018 10:11 AM | Xã hội

“Nếu đúng về nguyên tắc trách nhiệm bồi thường của pháp nhân đối với hành vi do người của pháp nhân gây ra thì ngân hàng cần bồi hoàn ngay khoản tiền cho khách hàng”, luật sư Trần Minh Hải nhận định.

Gần đây dư luận quan tâm tới sự việc bà Chu Thị Bình, một khách hàng gửi tiết kiệm tại ngân hàng Eximbank bị ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Eximbank TP.HCM lừa đảo 245 tỷ đồng rồi bỏ trốn.

Ngày 23/2, Eximbank đã có văn bản trả lời bà Bình theo hướng ngân hàng này cam kết bảo đảm quyền lợi, hoàn trả cho bà Bình toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm sau khi tòa án phán quyết ngân hàng bị thiệt hại theo vụ việc Eximbank khởi kiện ông Lê Nguyễn Hưng.

BizLIVE đã trao đổi nhanh với luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật Basico xoay quanh vụ việc trên.

Thưa ông, ông có nhận định gì về trường hợp bà Chu Thị Bình gửi tiền vào ngân hàng Eximbank và tiền bị "bốc hơi" do nhân viên ngân hàng rút và bỏ trốn?

Đây là trường hợp nhân viên ngân hàng lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng vào vị trí, chức vụ, quyền hạn mà ngân hàng đã giao cho để chiếm đoạt tiền gửi từ khách hàng. Nhưng sự chủ quan trong việc ký giấy tờ, theo dõi tài khoản không phải vấn đề mấu chốt của vụ việc bởi khách hàng mất tiền khi tin rằng mình vẫn đang giao dịch với ngân hàng.

Tôi cho rằng bà Chu Thị Bình không hề tin tưởng thiếu cơ sở vì đúng là khách hàng này đã tiến hành giao dịch với các cán bộ chính thức của ngân hàng Eximbank, đang giữ chức vụ quyền hạn thật tại ngân hàng này. Mấu chốt của vấn đề là khách hàng gửi tiền thật, giao dịch thật với cán bộ ngân hàng thật nhưng có nguy cơ mất tiền thật các khoản tiền đã gửi vào ngân hàng.

Bà Bình, nạn nhân vụ việc tỏ ra bức xúc, không chấp nhận phương án Eximbank chờ phán quyết của tòa mới trả lại tiền. Nhận định của ông về hướng xử lý ở trường hợp này?

Nếu đúng về nguyên tắc trách nhiệm bồi thường của pháp nhân đối với hành vi do người của pháp nhân gây ra thì ngân hàng cần bồi hoàn ngay khoản tiền cho khách hàng.

Nhân viên của ngân hàng, dùng tư cách, chức vụ do ngân hàng giao để chiếm đoạt tiền của khách hàng thì trước hết ngân hàng phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng, sau đó việc truy đòi từ nhân viên của mình là trách nhiệm của ngân hàng.

Một số vụ việc trước đây, trong đó có vụ "siêu lừa" Huyền Như, có thể thấy đa số các trường hợp khách mất tiền khi sử dụng chế độ khách hàng VIP của ngân hàng (khách không giao dịch tại ngân hàng...) Điều này cho thấy kẽ hở khi ngân hàng sử dụng chế độ khách VIP, ý kiến của ông về vấn đề này?

Kinh doanh ngân hàng cũng là một loại hình dịch vụ nên yếu tố con người mang tính quyết định. Một khi đã gặp phải rủi ro trong tuyển chọn, giám sát và quản lý nhân sự, thì ngân hàng có thể bị nhân viên của mình chiếm đoạt tiền gửi khách hàng từ bất kể khâu nghiệp vụ nào, không cứ là chế độ khách hàng VIP.

Ví dụ như có ngân hàng giao dịch viên phát hành thẻ tiết kiệm cho nhiều khoản tiền gửi của nhiều khách hàng nhưng không nhập vào hệ thống, rồi báo với ngân hàng mất thẻ tiết kiệm khống chỉ để chiếm đoạt tiền của khách hàng. Đã có những ngân hàng bị mất các khoản tiền hàng tỷ cho đến trăm tỷ đồng từ rất nhiều tình huống khác nhau, tôi cho rằng các vụ việc chỉ giống nhau ở chỗ ngân hàng gặp phải rủi ro về con người.

Điều này hoàn toàn là lỗi của ngân hàng, bởi lẽ đây là một phần luôn phải kiểm soát trong hoạt động kinh doanh ngân hàng bằng nhiều phương thức khác nhau liên tục. Tuy nhiên, thực tế nhiều ngân hàng không chú trọng đúng mức vấn đề quản trị rủi ro này.

Ông có lưu ý gì tới khách hàng khi gửi tiền vào ngân hàng để hạn chế thấp nhất rủi ro như các trường hợp ở trên?

Từ những tiền lệ của vụ án Huyền Như và hàng loạt các vụ việc khách hàng mất tiền thời gian gần đây cho thấy hai vấn đề nổi cộm tồn tại.

Một là khách hàng gửi tiền có nguy cơ bị mất trắng tiền gửi do các ngân hàng né tránh trách nhiệm. Tiền lệ từ nhiều vụ án cho thấy hầu hết phán xử cuối cùng đều xác định người phải trả tiền cho khách hàng là những cựu nhân viên đã từng chiếm đoạt tiền của khách hàng chứ không phải ngân hàng. Hai là nhiều ngân hàng coi thường rủi ro thanh khoản từ thái độ quá dễ dãi thờ ơ của khách hàng gửi tiền trước hàng loạt sự việc ứng xử không tin cậy về sự cố tiền gửi của nhiều ngân hàng.

Hai vấn đề này tồn tại, gây nên cách giải quyết thiếu trách nhiệm của nhiều ngân hàng trước khách hàng và trước chính rủi ro thanh khoản của ngân hàng. Do vậy, đã đến lúc người gửi tiền tại các ngân hàng nên chú trọng vào uy tín của ngân hàng mà mình gửi tiền và hãy để yếu tố lãi suất tiền gửi ở tiêu chí để lựa chọn ngân hàng gửi tiền.

Xin cảm ơn ông!

Theo Huyền Trâm

Cùng chuyên mục
XEM