Vòng lặp OODA: Chiến lược thiên tài giúp Elon Musk 'né' mọi rắc rối, logo Twitter hoá hình chó hay cổ đông Tesla bị chửi… đều nằm trong tính toán của tỷ phú

11/04/2023 10:15 AM | Kinh doanh

Vòng lặp OODA vốn rất có sức hút trong giới quản lý và Elon Musk không phải ngoại lệ.

Vòng lặp OODA: Chiến lược thiên tài giúp Elon Musk 'né' mọi rắc rối, logo Twitter hoá hình chó hay cổ đông Tesla bị chửi… đều nằm trong tính toán của tỷ phú - Ảnh 1.

Tờ Bloomberg mở đầu bài viết nhận định rằng, Elon Musk là người thực hành điêu luyện chu trình vòng lặp OODA.

Vòng lặp OODA là một chu trình ra quyết định được phát triển bởi cố chiến lược gia quân sự và phi công chiến đấu của Lực lượng Không quân Mỹ John Boyd - người đã hoàn thành bản thảo của cuốn sách có ảnh hưởng lớn Patterns of Conflict (Các mẫu xung đột) vào năm 1977.

OODA là viết tắt của từ observe (quan sát), orient (định hướng), design (thiết kế) và Act (hành động), sau đó lặp lại (tức là loop). Chu trình này là nhằm mục đích giúp những học viên - ban đầu là phi công chiến đấu - đi trước đối thủ một bước, liên tục tiếp nhận thông tin mới và sử dụng thông tin đó.

Khi vòng lặp hoạt động bình thường, bạn có thể đưa ra các quyết định nhanh chóng để đánh lừa đối thủ của mình.

Tờ Bloomberg cho rằng dù Musk có nhận thức được hay không, thì trên thực tế ông ấy vẫn là một người thực hành điêu luyện chu trình OODA kể trên. Cứ nhìn vào những cuộc phiêu lưu gần đây nhất của Musk với Dogecoin là thấy rõ. Tuần trước, một số người dùng Twitter nhận thấy rằng trang chủ Twitter của họ – mạng truyền thông xã hội do Musk kiểm soát, đã được thay thế bằng Shiba Inu – meme về chú chó mà tiền số Dogecoin được đặt tên theo. Sau đó, giá đồng tiền số này đã tăng tới 31%.

Diễn biến tiếp theo, hàng loạt tờ báo đã đăng tin. “Tại sao Elon Musk lại đổi logo Twitter thành Dogecoin?” là một tiêu đề trên tờ Washington Post. “Twitter đổi logo thành Doge. Cộng đồng mạng đã phản ứng bằng cách cười nhạo (không phải với) Elon Musk”, tờ Mashable cho biết. “Elon Musk hợp nhất DOGECOIN với Twitter! (TIN NÓNG HỔI CHO GIỚI CRYPTO)”, một YouTuber hét lên.

Nếu đây được dự định là một trò đùa ngớ ngẩn, thì việc này đã diễn ra đúng lúc một cách đáng ngờ: Sự việc diễn ra chỉ vài ngày sau khi Musk yêu cầu một thẩm phán Mỹ bác bỏ một vụ kiện lừa đảo trị giá 258 tỷ USD cáo buộc ông điều hành một kế hoạch lừa đảo theo hình thức kim tự tháp để hỗ trợ Dogecoin. Rất khó để xác định ý định của Musk là gì, nhưng thử nghĩ thế này: Trong khi Musk có thể bị bêu cùng hồ sơ vụ kiện của mình trên khắp các mặt báo nhưng rốt cục, tin tức đưa tin chủ yếu lại tập trung vào cách ông “làm giá” Dogecoin. Điều này chứng minh ông đã thành công với chiến lược vòng lặp OODA.

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên. Chắc ai cũng còn nhớ khi Musk chỉ trích các nhà phân tích của Tesla vì đã đặt những câu hỏi “nhàm chán, ngớ ngẩn” vào năm 2018. Việc này sau đó đã tạo ra một chu kỳ tin tức khác.

Nhận xét này được đưa ra khi các nhà đầu tư và nhà phân tích đang đặc biệt quan tâm tới khả năng sinh lời của công ty và liệu có bị thổi phồng hay không – một cách hoàn toàn hợp pháp – bởi những thay đổi trong cách Tesla tính toán các phương tiện mà họ cho thuê và cách họ đo lường doanh thu tín dụng carbon của mình. Đó là một chi tiết quan trọng đối với các nhà đầu tư tiềm năng, nhưng một CEO hàng đầu lại quay ra nói xấu các nhà phân tích đầu tư lại trở thành một câu chuyện thú vị hơn nhiều. Vòng lặp OODA tiếp tục phát huy tác dụng.

Tất nhiên, nếu tác động là phá vỡ các cấu trúc của suy nghĩ, thì hệ quả tất yếu là bạn tạo ra ấn tượng về sự hỗn loạn. Và sự hỗn loạn thường không được các nhà đầu tư tán dương. Mọi người bỏ tiền vào công ty của bạn và họ cần một mức độ chắc chắn nào đó rằng số tiền đó sẽ an toàn. Đó là một lý do khiến cổ phiếu Tesla tăng mạnh trong tuần này.

Công ty cho biết hôm chủ nhật rằng họ đã giao 422.875 xe trong quý đầu tiên – chỉ cao hơn một chút so với kỳ vọng của các nhà phân tích. Vấn đề là tốc độ tăng trưởng 36% mà họ thể hiện vẫn còn thấp so với mục tiêu của Musk. Để đạt được con số đó, công ty đã giảm giá đáng kể các mẫu xe.

Nếu Musk cần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng hơn nữa, các nhà đầu tư tự hỏi, điều điều đó có nghĩa là sẽ cần giảm giá nhiều hơn nữa không? Nếu vậy, điều đó cũng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận. Đó là một mục tiêu kéo dài mà đối với các nhà đầu tư, có vẻ hơi hỗn loạn. Cổ phiếu công ty đã giảm tới 7,4%.

Ở giai đoạn này, bất kỳ ai bỏ tiền vào công ty của Musk đều nên biết rằng đây là một phần của thỏa thuận. Bạn có thể gặp hỗn loạn, nhưng cũng có khả năng bạn sẽ nhận được lợi nhuận vượt trội. Nếu bạn đầu tư 100 USD vào Tesla 5 năm trước, hiện sẽ có giá trị khoảng 918 USD. Nhưng vào thời đỉnh cao, con số này từng trị giá hơn 2.000 USD. Musk dường như có quy trình kỹ thuật gồm 5 bước của riêng mình mà ông đã kể lại cho kênh YouTube Everyday Astronaut vào năm 2021.

Vòng lặp OODA không chỉ là làm bối rối đối thủ của bạn mà còn là sự nhanh nhẹn và phản ứng với sự thay đổi của môi trường một cách nhanh chóng. Theo một nghĩa nào đó, đó là một khuôn khổ chính thức hơn cho chiến lược “di chuyển nhanh và phá vỡ mọi thứ” của Mark Zuckerberg.

Khái niệm này đã đạt được sức hút trong giới quản lý, trở thành chủ đề của một số bài báo học thuật. Đối với Musk, chìa khóa sẽ là đảm bảo đó là một công cụ cho sự đổi mới và khả năng thích ứng thay vì chỉ là một kỹ thuật đánh lạc hướng.

Nguồn: Bloomberg

Phương Linh

Từ khóa:  Elon Musk
Cùng chuyên mục
XEM