Volkswagen: Khi văn hóa thép "chuẩn Đức" vô tình tạo nên scandal gian lận lớn nhất lịch sử

18/01/2018 15:38 PM | Kinh doanh

Sau chấn động lịch sử của vụ gian lận từ tập đoàn ô tô lớn nhất nhì thế giới Volkswagen (VW), dư luận và các nhà phân tích ngay lập tức phát hiện sự liên quan từ phong cách quản lý và văn hóa công ty chuẩn Đức của doanh nghiệp này.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu series "Văn hóa công ty". Series là tập hợp những câu chuyện, bài học và chia sẻ của các doanh nhân về văn hóa công ty của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. 


Khi nhắc đến Đức, mọi người thường nghĩ ngay tới văn hóa cầu toàn, cạnh tranh và luôn hướng tới chất lượng hoàn hảo. Nhưng kim chỉ nam làm việc khiến cả thế giới ngưỡng mộ đó đã vô hình chung ép các nhân viên phải nghĩ ra những kế sách lấp liếm để cho ra kết quả hài lòng cấp trên, và đó là nguyên nhân gây nên scandal gian lận khí thải lớn nhất lịch sử.

Sau chấn động lịch sử của vụ gian lận từ tập đoàn ô tô lớn nhất nhì thế giới Volkswagen (VW), dư luận và các nhà phân tích ngay lập tức phát hiện sự liên quan từ phong cách quản lý và văn hóa công ty được CEO Martin Winterkorn xây dựng nên. Mặc dù vị CEO này thường xuyên khẳng định rằng mình không liên quan tới vụ gian lận, nhưng tính cách cầu toàn, khắc nghiệt và tham vọng biến Volkswagen thành nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới đã góp một phần không nhỏ trong thảm họa này.


Không chỉ kính nể mà là khiếp sợ: Văn hóa "Đức" từ CEO Winterkorn

Reuters đã có dịp phỏng vấn với nhiều nhân viên VW và tất cả họ đều miêu tả phong cách quản lý của Winterkorn luôn tạo ra một bầu không khí sợ hãi đối với những nhân viên cấp dưới, đặc biệt là với cấu trúc nhân sự nhiều cấp bậc như ở Đức, nỗi sợ kia vô hình chung được nhân lên gấp nhiều lần.

Ngay sau nhậm chức CEO vào năm 2007, Winterkorn đã ra một quyết định táo bạo khi đặt mục tiêu biến VW trở thành thương hiệu xe hơi lớn nhất thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc VW phải tiến hành tấn công thị trường xe hơi số 1 hiện nay – Hoa Kỳ, nơi mà VW luôn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của đối thủ và sự giám sát chặt chẽ của các Ủy ban về Môi trường.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, với phong cách quản lý "Không chấp nhận kết quả xấu" của mình, Winterkorn đã đem lại một số thành công ban đầu khi tăng doanh số của VW lên gấp đôi so với năm trước, đem về cho VW hơn 200 tỷ Euro (khoảng 225 tỷ USD lúc bấy giờ). Và đó cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, VW vượt mặt một trong những đối thủ truyền kiếp của mình là Toyota về số lượng xe bán ra.

Nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng, áp lực doanh số đè nặng đã gây không ít ám ảnh cho các nhân viên trong công ty. Một nhân viên sales đã kể lại về thời gian đó: "Doanh số vào lúc đó sẽ quyết định tất cả, cấp trên thường xuyên quăng xuống một con số "trên trời" và bạn phải hoàn thành mục tiêu đó bằng bất cứ giá nào. Nếu không chịu được áp lực, một là bạn tự động xin nghỉ, hai là bạn sẽ sớm được công ty để mắt tới và cũng được cho nghỉ trong một thời gian ngắn."

Volkswagen: Khi văn hóa thép chuẩn Đức vô tình tạo nên scandal gian lận lớn nhất lịch sử - Ảnh 3.

Không chỉ đối với những nhân viên cấp dưới, các nhà quản lý cấp cao cũng chịu không ít áp lực khủng khiếp từ chính sách mới của Winterkorn. Một trong những trường hợp xấu số đó là Jonathan Browning, cựu Quản lý khu vực Hoa Kỳ. Ông bị công ty thẳng tay sa thải ngay sau khi không đáp ứng được chỉ tiêu doanh thu.

Và không chỉ các nhân viên sales mới phải chịu cảm giác "địa ngục" đó. Vào một buổi thử xe vào tháng 7 năm 2013, Winterkorn đã phát hiện ra một lớp sơn "dày hơn bình thường" trên một mẫu xe Beetle. Theo lời một nhân viên VW có mặt tại lúc đó, lớp sơn này chỉ dày hơn tiêu chuẩn của công ty chưa tới một milimét, nhưng cả đội kỹ thuật và các kỹ sư tại khu vực đều phải chịu khiển trách nặng nề.

Winterkorn cũng thường xuyên đề cập đến việc các nhân viên không thường xuyên đóng góp ý kiến cho cấp trên, ông phát biểu: "Họ chỉ cần đến và nói với tôi ‘Hey Winterkorn, chúng ta cần nâng cấp nhiều hơn mẫu xe Passat này," như thể mọi sai lầm đều đến từ các nhân viên bị sa thải.

Nhưng sự thật ngay cả những người phụ trách cả một thương hiệu xe trong tập đoàn như Audi, Porsche, SEAT và Skoda trả lời với báo chí rằng họ không bao giờ dám tiếp cận Winterkorn vì quá khiếp sợ.

"Luôn tồn tại những khoảng cách, sự sợ hãi đi kèm với tôn trọng ... chỉ cần ở gần Winterkorn thôi là cũng đủ khiến bạn phải thót tim," một cựu nhân viên VW nói với Reuters. "Và khi bạn đang có tin xấu muốn báo cáo, chắc chắn 100% là bạn sẽ có một khoảng thời gian tồi tệ."

Volkswagen: Khi văn hóa thép chuẩn Đức vô tình tạo nên scandal gian lận lớn nhất lịch sử - Ảnh 4.


Và cái giá những kết quả "hoàn hảo"

Volkswagen dưới sự thống trị và quyết tâm theo đuổi doanh thu đã đem lại rất nhiều thành công ban đầu, vào nửa đầu năm 2015, công ty tiếp tục bán được hơn 5,04 triệu xe trên khắp thế giới. Nhưng đằng sau đó là những mặt khuất dần dần bị phanh phui.

Để đạt được doanh thu cao vào thời điểm đó, VW buộc phải hứa với khách hàng và các nhà chức trách rằng các mẫu xe của công ty luôn thân thiện với môi trường đồng thời có mức tiêu hao nhiên liệu cạnh tranh nhất thị trường. Một lời hứa quá khó để thực hiện.

Ngay sau khi phát triển xong thế hệ động cơ tiết kiệm nhiên liệu mới, các kỹ sư của VW nhận ra rằng họ không thể nào đạt được các tiêu chuẩn khí thải đã hứa với khách hàng. Và do quá sợ phải trình báo "tin xấu" này cho các cấp trên, đặc biệt là CEO Winterkorn, các kỹ sư này quyết định lắp đặt phần mềm giả mạo số liệu trên hơn 11 triệu xe hơi toàn cầu, trong đó có gần 500.000 chiếc được bán tại Mỹ.

Lòng tự cao và áp lực đem lại kết quả tốt đã khiến các kỹ sư một mực tin rằng các nhà chức trách trên thế giới quá "gà mờ" để có thể phát hiện ra công nghệ này. Các phần mềm trên đã đánh lừa tất cả các thiết bị theo dõi của chính quyền, cung cấp số liệu cực kỳ thân thiện với môi trường mỗi khi xe bị theo dõi, và sau đó lại vượt ngưỡng khí thải khi xe được đưa vào sử dụng.

Nhưng cây kim trong bọc sẽ có lúc lòi ra, scandal trên đã khiến VW vi phạm hàng loạt quy định của Ủy ban Bảo vệ môi trường tại Mỹ, bị kiện với các cáo buộc hình sự tại Tòa án tối cao Hoa Kỳ, buộc phải thu hồi và bồi thường hàng triệu USD. Về phía công ty, cổ phiếu của tập đoàn rớt gần 1/3 vào ngày scandal được phanh phui, CEO Winterkorn buộc phải từ chức ngay sau đó và quan trọng nhất là thanh danh của cả tập đoàn đã bị ảnh hưởng, Volkswagen đã và đang trở thành một mục tiêu chính để kiểm soát gắt gao bởi các chính phủ trên toàn thế giới.

Khi CEO mới là Matthias Müller tiếp quản "thảm họa" mà người đồng cấp để lại, ông đã hứa sẽ ra sức cải thiện và thay đổi môi trường làm việc tại Volkswagen, vì đó cũng chính là mấu chốt để giải quyết được scandal tận gốc và khôi phục lại hào quang ngày nào của niềm tự hào nước Đức.

Lê Thanh Sang

Từ khóa:  Volkswagen
Cùng chuyên mục
XEM