Văn hóa làm việc Hàn Quốc: Đi làm là phải biết nhậu!
Tại Hàn Quốc, làm việc và giải trí là hai thái cực cùng tồn tại, chúng tạo nên một văn hóa làm việc hết sức đặc biệt: Stress rất nhiều nhưng các hoạt động giải trí cũng nhiều không kém.
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu series "Văn hóa công ty". Series là tập hợp những câu chuyện, bài học và chia sẻ của các doanh nhân về văn hóa công ty của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Nếu có một cuộc thi tranh giải "Quốc gia có môi trường làm việc stress nhất thế giới", Hàn Quốc sẽ là một ứng viên đầy tiềm năng.
Tại quốc gia này, làm việc và giải trí luôn được đẩy tới đỉnh điểm. Các nhân viên tại Hàn Quốc hiện đang có số giờ làm việc cao thứ hai nhưng chỉ được nhận mức lương dưới trung bình so với các nước khác trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Nhưng có lẽ sự cam chịu này đã được huấn luyện từ nhỏ khi các học sinh tại Hàn Quốc thường dành tới hơn 14 giờ mỗi ngày từ trường học cho đến các lớp dạy thêm.
Và văn hóa đó đã mang lại hậu quả nhãn tiền. Các học sinh cấp 3 của Hàn Quốc chỉ ngủ trung bình 5 giờ 27 phút mỗi đêm, và Hàn Quốc cũng đang chiếm tỷ lệ tự sát cao nhất trong các quốc gia OECD.
"Đối với những đứa trẻ, cuộc sống của bọn chúng chỉ xoay quanh việc chuẩn bị cho kỳ thi Đại học, đó chính là cơ hội "đổi đời" có một không hai, có thể quyết định cả tương lai phía trước," theo Timothy Vandergast, giáo sư Đại học William Paterson từng sống tại Hàn Quốc suốt 8 năm. "Kết quả thi Đại học sẽ xếp những đứa trẻ kia vào các trường top, trường loại 1, loại 2… Từ đó có thể ảnh hưởng đến khả năng làm việc, kết hôn và cả những cơ hội trong tương lai."
Vandergast tóm tắt lại kinh nghiệm sống của ông: "Stress là một thứ mà người Hàn Quốc chấp nhận sống chung".
Nhưng cũng chơi hết mình
Áp lực thành công và văn hóa sống chung với stress tại Hàn Quốc là động lực để tạo nên một văn hóa "chơi hết mình" đầy náo nhiệt và màu sắc. Mọi tầng lớp tại các thành phố lớn có đến hàng chục sự lựa chọn khác nhau để xả stress: Các cửa hiệu games mở thâu đêm, những phòng dịch vụ cho phép bạn đập phá đồ vật để giải trí, các quán cà phê thực tế ảo, xe bus tiệc tùng, spa, và hàng loạt các hoạt động vui chơi diễn ra ngay trên đường phố.
Và hoạt động giải trí thường tập trung tại các phòng Karaoke, một ví dụ điển hình cho văn hóa âm nhạc của Hàn Quốc. Tất cả các phòng đều được trang bị 2 micro, trống lắc tay tambourine, kết hợp với đèn disco đầy màu sắc.
Tại Seoul, các khu phố giải trí thường sáng đèn cả đêm, và chúng thường tọa lạc cạnh những trường Đại học lớn và các khu văn phòng. Du khách thường có thể bắt gặp hình ảnh các thanh niên và cả dân văn phòng đang tham gia trò chơi ở mọi nơi.
Theo C. Harrison Kim, Giáo sư lịch sử tại Đại học Hawaii Mānoa: "Xã hội Hàn Quốc luôn được thống trị bởi các giai cấp xã hội và mọi người luôn được mong đợi đem lại thành công cho các "cấp trên". Sự bó buộc và kiềm hãm này buộc người dân Hàn Quốc phải tìm đến các hoạt động giải trí, để tận hưởng một khoảng thời gian "tự do" thật sự ngắn ngủi."
Và sự phát triển song song của văn hóa stress và văn hóa "ăn chơi" này là kết quả của quá trình tăng trưởng thành một thế lực kinh tế toàn cầu của Hàn Quốc.
Gần như sụp đổ cả về kinh tế và văn hóa sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên vào những năm 50, nhưng chỉ sau vài thập kỷ sau đó, Hàn Quốc đã hoàn toàn lột xác và được mệnh danh là "Kỳ tích sông Hàn". Sự phát triển này khiến một tầng lớp trung lưu dư giả tiền bạc và luôn phải cạnh tranh với thị trường lần đầu xuất hiện.
Ở Hàn Quốc, đi làm là phải biết nhậu
Tại đây, làm việc và giải trí "là hai thái cực cùng tồn tại, và người Hàn Quốc xem 2 việc này quan trọng như nhau." Theo một góc nhìn khác, hai thái cực này cùng nhau phát triển lên một văn hóa làm việc tại Hàn Quốc – Stress rất cao, và nhu cầu giải trí cũng vậy.
Theo một cuộc khảo sát gần nhất, hơn 1/5 số nhân viên tại Hàn Quốc làm việc hơn 50 giờ mỗi tuần, không thua kém gì với Nhật Bản – quốc gia coi việc làm quá giờ là một "thành tích".
Tuy nhiên, văn hóa làm việc của Hàn Quốc đặc biệt hơn ở chỗ nó có hẳn một môi trường giải trí cực kỳ phát triển để hỗ trợ. Nhân viên Hàn Quốc thường tham gia các cuộc nhậu và karaoke thâu đêm với sếp và đồng nghiệp, và các hoạt động đó được coi là một "lẽ thường tình".
"Tại tất cả công ty, văn hóa ăn nhậu và vui chơi sau giờ làm luôn được mọi người hưởng ứng", một nhân viên văn phòng tại Seoul chia sẻ. "Môi trường làm việc tại đây luôn phân cấp và có áp lực nặng nề, nhưng các công ty đồng thời cũng sẵn sàng chi một khoảng tiền lớn để nhân viên của mình có thể đi xả stress vào cuối mỗi ngày làm việc."
Dù văn hóa "chơi hết mình" này của Hàn Quốc đã đem lại một số kết quả tích cực, nhưng một số nhân viên đã trả lời phỏng vấn rằng họ thường xuyên bị buộc phải uống say bí tỷ với các sếp và đồng nghiệp của mình. Trong một bài báo trên The Korea Times vào năm 2013 với tựa đề "Nỗi lòng một nhân viên mới" nhân vật bày tỏ nỗi khiếp sợ khi bị người sếp của mình bắt phải chứng tỏ khả năng nhậu ngay ngày đầu tiên nhận việc. "Họ nói rằng khả năng uống sẽ quyết định thành công của nhân viên sales."
"Cũng trong công ty đó, có không ít bậc đàn anh chị 40 – 50 tuổi với phong cách làm việc cực kỳ nghiêm túc trong giờ hành chính, nhưng họ cũng sẽ là những nhân vật náo nhiệt nhất trong các phòng karaoke, với sơ mi bỏ ngoài quần và cà vạt quấn quanh trán."
Và cũng rất khó xác định văn hóa này có thực sự tốt hay không. Đối với một vài người, việc "chơi tới bến" tại Hàn Quốc không khác gì cổ vũ cho chứng nghiện rượu, và nó chỉ là một giải pháp tức thời, giúp nhân viên "chạy trốn" khỏi áp lực công việc và môi trường nhiều cấp bậc.
Và con số mới đây cho thấy, người Hàn Quốc uống trung bình 13,7 ly rượu nặng mỗi tuần, gấp đôi so với người Nga và gấp bốn lần người Mỹ.
Xét cho cùng, người Hàn Quốc đã cho thế giới thấy tầm quan trọng của việc "chơi hết mình" ở mọi độ tuổi, và ẩn sau đó là một văn hóa lẩn trốn stress và các áp lực công việc hàng ngày.
Xem các bài cùng series:
Amazon: Ai thích nghỉ sẽ cho tiền để họ nghỉ
"Mặt tối" của môi trường hoàn hảo Google
Nasty Gal: Vì lợi nhuận mà sa thải nhân viên bị bệnh và cả những bà bầu