VinUni và tham vọng xây dựng mô hình đại học chưa từng có ở Việt Nam
Bà Mai Lan cho biết, Vingroup luôn nỗ lực làm những việc cần thiết nhưng chưa ai làm và VinUni với sứ mệnh đào tạo nhân tài cũng trong tinh thần đó, với mục tiêu cuối cùng là đưa đất nước phát triển.
Tham vọng của Đại học VinUni không phải đào tạo nhân lực chất lượng cao như hàng trăm trường đại học đã có ở Việt Nam. Mục tiêu của VinUni là giáo dục tinh hoa, đào tạo nhân tài, để Việt Nam không chỉ có một mà sẽ có nhiều giáo sư Tôn Thất Tùng, Ngô Bảo Châu hay Vũ Hà Văn… Những nhân tài đó sẽ sáng tạo, sản xuất ra các thành quả xuất sắc thay đổi vận mệnh quốc gia.
Đó là chia sẻ của bà Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup trong buổi Coffee chat cùng VinUni với chủ đề “Vì sao các quốc gia muốn phát triển cần có đại học tinh hoa” diễn ra sáng nay, ngày 4/11, tại Hà Nội.
Làm việc chưa ai làm
Theo bà Lan, nhân tài phải là những người sáng tạo ra các ý tưởng, công trình, sản phẩm, hệ thống... có tác động to lớn và ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống, nhân loại. Họ là nhà sản xuất ra các thành quả xuất sắc và phần còn lại của nhân loại là những người thụ hưởng những thành quả đó.
Để có nhân tài cần có các đại học tinh hoa. Đất nước càng phát triển sẽ càng có nhiều đại học tinh hoa và những đại học này sẽ thu hút người tài trên toàn thế giới. Đó là vòng tròn: nhân tài – đại học tinh hoa - vận mệnh quốc gia và cũng là lý do các nước phát triển đều đầu tư rất lớn cho đại học tinh hoa .
Bà Mai Lan cho biết, Vingroup luôn nỗ lực làm những việc cần thiết nhưng chưa ai làm và VinUni với sứ mệnh đào tạo nhân tài cũng trong tinh thần đó, với mục tiêu cuối cùng là đưa đất nước phát triển.
“VinUni chỉ có nhiệm vụ đào tạo nhân tài của tương lai, kiến tạo các giá trị xuất sắc, không phải là thêm một đại học như hàng trăm trường hiện nay. Không chỉ có một giáo sư Tôn Thất Tùng, một Ngô Bảo Châu... mà phải nhiều hơn nữa. Nếu không làm được như vậy thì không nên có dự án này,” bà Mai Lan nói.
Với mục tiêu đó, Vingroup xác định phải đứng trên vai người khổng lồ, “bắt tay” với các trường đại học tốp 20 thế giới. “Tôi đã xách balo lên, đi tìm kiếm sự hỗ trợ của các đại học và may mắn nhận được sự hỗ trợ của Đại học Cornell và Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ),” bà Lan chia sẻ.
Bà Lan cũng thẳng thắn cho biết, đại học tinh hoa phải là môi trường đậm đặc nhân tài, từ sinh viên đến giảng viên đều phải là nhân tài, với tính quốc tế hóa cực cao, quản trị văn minh, cơ sở vật chất hiện đại. Và vì thế, cần phải có rất nhiều tiền.
“Đào tạo nhân tài có đắt không? Đắt vô cùng. Muốn mời giáo sư giỏi phải có nhiều tiền. Không trả lương cao không thể mời được họ về, họ cũng sẽ nghĩ không có môi trường tốt cho họ làm việc và họ không mất thời gian cho một nơi không có tiềm năng. Không có tiền sẽ không có cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên, cho sinh viên đi nước ngoài thực tập.... Không thể sống bằng mơ ước mà phải dồi dào tài chính. Đừng hy vọng kiếm tiền ở một đại học tinh hoa. Tôi cũng làm rõ với tập đoàn là rất đắt,” bà Mai Lan chia sẻ.
Tuy nhiên, theo bà Lan, Vingroup vẫn quyết đầu tư phát triển VinUni theo hướng đại học tinh hoa vì không có đại học tinh hoa sẽ không có nhân tài, không có nhân tài sẽ không thể phát triển đất nước.
Chia sẻ tại buổi trao đổi, Tiến sỹ Nguyễn Trí Dũng, nguyên Phó chủ tịch Văn phòng Quốc hội bày tỏ băn khoăn về việc hiện VinUni mới chỉ tập trung đào tạo lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học sức khỏe trong khi khoa học xã hội mới là nền tảng. Về vấn đề này, Hiệu trưởng Đại học VinUni , giáo sư Rohit Verma cho hay VinUni đang trong giai đoạn đầu hình thành, phát triển và sẽ mở rộng đào tạo sang các lĩnh vực khác, trong đó có khoa học xã hội.
Đi “săn” nhân tài
VinUni xác định mục tiêu đào tạo ra nhân tài , nhưng câu hỏi đặt ra làm thế nào để xác định được những người có tố chất để bồi dưỡng họ thành nhân tài? Mặc dù đến 2020, VinUni mới dự kiến tuyển sinh khóa đầu tiên, nhưng bà Mai Lan cho biết, bà cùng các cộng sự đã mất ba năm để nghiên cứu thế nào là nhân tài, nhằm có sự tuyển chọn đầu vào tốt nhất.
Với những nghiên cứu đó, bà Lan cho rằng không hẳn người có kết quả học tập cao hay có chỉ số IQ cao đã là nhân tài. “Đó phải là người thông minh, sáng tạo (không chấp nhận các vấn đề bình thường là đương nhiên, luôn sẵn sàng với các vấn đề mới, câu hỏi mới) và có sự kiên định, kiên cường, tự tin. Đó là những con người đại học nên tìm kiếm,” bà Lan cho biết.
Theo Hiệu trưởng Đại học VinUni, giáo sư Robit Verma, VinUni sẽ sử dụng ba vòng tuyển chọn. Vòng một sẽ sàng lọc trên kết quả học tập để đảm bảo các sinh viên được chọn là những người dáp ứng yêu cầu tối thiểu về học thuật. Vòng 2, trường sẽ xem xét toàn bộ hồ sơ nộp vào trường của sinh viên, yêu cầu viết các bài luận ngắn. Vòng 3, các ứng viên sẽ được phỏng vấn trực tiếp hoặc có các bài kiểm tra chuẩn hóa. Sinh viên cũng có thể phải qua vòng phỏng vấn của khoa.
Tuy nhiên, chia sẻ tại buổi trao đổi, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Truyền thông Lê bày tỏ lo ngại về việc với văn hóa giáo dục mang nặng tính truyền thụ áp đặt như hiện nay ở Việt Nam thì nhiều nhân tài với tiêu chí sáng tạo, tư duy khác biệt như VinUni hướng tới sẽ bị triệt tiêu sớm, ngay từ bậc phổ thông, trước khi VinUni có thể tìm thấy họ. “Tôi có một người bạn luôn tư duy khác biệt. Các giáo viên, cả các phụ huynh không thích điều đó và giờ đang làm nghề lái xe ôm,” ông Vinh nêu ví dụ.
Thừa nhận thực tế này, bà Mai Lan cho biết Vingroup không bước đi một mình đã có ký kết với hàng chục trường đại học, cấp các học bổng, tài trợ các dự án khởi nghiệp. Với giáo dục phổ thông, Tập đoàn này có dự án xây dựng câu lạc bộ STEM ở 500 trường phổ thông để giúp học sinh phát triển. Ngoài ra, Vingroup cũng có chương trình mỗi năm cấp 100 học bổng cho các học sinh, sinh viên đi học ở các trường trên thế giới.
“Làm thế nào để tuyển được nhân tài? Sẽ rất khó, nhưng nhân tài ở Việt Nam rất nhiều, bằng chứng là những em nhận được học bổng du học đều được các trường quốc tế đánh giá tốt,” bà Mai Lan nói./.