Vietnam Airlines không thể no logo
Vietnam Airlines nổi bật với biểu tượng hoa sen 6 cánh màu vàng đậm với các đường nét hoạ tiết hiện đại và rất sắc nét.
No Logo được xếp vào loại sách best seller do tác giả Naomi Klein viết năm 2000. Cuốn sách được viết chỉ ít lâu sau cuộc biểu tình rầm rộ của khoảng 40.000 người chống toàn cầu hóa bên ngoài Hội nghị cấp bộ trưởng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tại Seattle (Hoa Kỳ) năm 1999.
Vốn là nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, Naomi Klein lên tiếng phản đối mặt trái của quá trình toàn cầu hoá, hậu trường sản xuất của những thương hiệu hào nhoáng làm loá mắt người tiêu dùng như Nike, Adidas, Coca Cola hay IBM.
Naomi Klein có lý khi đưa ra những bằng chứng để về cuộc sống vất vả của những lao động tại thế giới thứ ba. Những ví dụ như mỗi lao động tại nhà máy Nike của Trung Quốc chỉ nhận được tiền công bèo bọt 1,5 USD cho một đôi giày thể thao sau đó được bán với giá 250 USD thực sự là những thông tin đáng để quan tâm.
No logo. Thông điệp của Naomi có thể đúng với sự bất bình đẳng của toàn cầu hoá gây ra. Nhưng thế giới tiêu dùng vẫn cần một chi tên để gọi. Cần một biểu tượng để nhớ, để phân biệt với những biểu tượng khác. Còn bản thân doanh nghiệp, họ cần có công cụ thị giác để giao tiếp với khách hàng của họ.
Các thương hiệu lớn, mang tính đại diện cho một ngành nghề mang tầm quốc gia càng cần thiết có một biểu tượng mang tính hình ảnh để xác lập vị thế của mình. Các thương hiệu ngành hàng không là một ví dụ.
Hãng hàng không Quantas của Úc có logo là hình ảnh chú chuột túi Kangaroo màu đỏ nổi bật. Thiết kế logo này là biểu tượng của nước Úc và thể hiện chất lượng về hiệu suất và tốc độ mà Quantas Airlnes luôn theo đuổi. Tên thương hiệu với typo viết tay cũng là cách để gợi ý đến những yếu tố về con người và tự nhiên của nước Úc xinh đẹp.
Vietnam Airlines nổi bật với biểu tượng hoa sen 6 cánh màu vàng đậm với các đường nét hoạ tiết hiện đại và rất sắc nét. Bông sen vàng 6 cánh tương ứng với 6 lĩnh vực trong hoạt động của hãng: Đội tàu bay; Mạng bay; Bảo dưỡng; An toàn bay; Dịch vụ mặt đất và Dịch vụ trên không.
Vừa qua, SkyTrax - Tổ chức đánh giá và xếp hạng hàng không Anh công nhận Vietnam Airlines là hãng hàng không 4 sao. Đối với khách hàng họ có thể không quan tâm ý nghĩa của Logo có thông điệp gì nhưng về quản trị thương hiệu, cách biểu đạt logo (cùng với các thành tố khác của bộ nhận diện thương hiệu) là phương tiện rất quan trọng của một thương hiệu để thể hiện tính cách độc đáo của mình.
Khi gia đình tỷ phú Mỹ Glazer mua câu lạc bộ Manchester United, họ đã từng có ý định đổi tên sân vận động “Old Trafford” để thu về một khoản tiền. Chuyện gì xảy ra? Biểu tình dữ dội từ các fan. Sao vậy nhỉ? Vẫn cái sân đó, vẫn là nó, đổi mỗi cái tên thôi sao phải làm dữ vậy? Không đơn giản như vậy. Old Trafford lớn hơn một cái tên. Đó là tình yêu. Mà đã là tình yêu. Không gì có thể thay thế.
No Logo. Naomi Klein đã chỉ ra sự bất công của quá trình toàn cầu hoá. Thế giới không hẳn phẳng như người ta nghĩ. Sẽ ra sao khi Quantas không còn hình ảnh chú Kangaroo, Man United bỏ logo Quỷ đỏ huyền thoại và Vietnam Airlines không còn hình bông sen vàng? Các chuyến bay vẫn bay và sân Old Trafford vẫn đầy kín 76.000 người mỗi tuần. Nhưng thế giới này “phẳng” về vai trò và sự tác động của một thương hiệu mạnh đối với hành vi của người tiêu dùng. Vì thế người ta vẫn cần một tên thương hiệu, một Logo như một dấu hiệu của giá trị.
Đức Sơn - Chủ Tịch học viện Thương hiệu Plato
LTS: Về cuốn sách No logo
Ra mắt vào năm 2000, No Logo được đánh giá là một bản tường trình toàn diện và xuất sắc về sự xâm lấn của các tập đoàn lên không gian cộng đồng và đời sống văn hoá.
Tuy nhiên, ngay từ đầu, khi giải thích về tiêu đề của cuốn sách, Naomi Klein nhấn mạnh rằng, không nên hiểu No Logo như một khẩu hiệu theo nghĩa đen - không logo nào nữa hay đả đảo logo, mà nên hiểu cuốn sách như một nỗ lực nhằm nắm bắt thái độ chống lại các công ty lớn đã xuất hiện, kể từ khi ngày càng có nhiều người khám phá ra mặt khuất của thế giới thương hiệu.
Trong thế giới đó, thương hiệu chiếm lĩnh mọi khoảng trống để tiếp thị người tiêu dùng, và hồ hởi, khoa trương về một ngôi làng toàn cầu. Nhưng cũng trong thế giới đó, có những người thợ không hề có cơ hội được học cách vận hành chiếc máy tính do chính họ lắp ráp nên, có những công nhân phải làm việc hàng chục năm mới kiếm được khoản tiền tương đương thu nhập một giờ của một CEO, và cũng có cả những tập đoàn bán sản phẩm cao hơn hàng chục lần so với chi phí sản xuất thực tế.
Theo tác giả, một số tập đoàn giờ đây đã lớn tới mức có thể lấn át chính phủ nhưng không giống như chính phủ, họ lại chỉ chịu trách nhiệm với cổ đông của mình.
No Logo gồm bốn phần: Không khoảng trống (quá trình văn hoá và giáo dục đầu hàng trước marketing); Không lựa chọn (phổ lựa chọn của người tiêu dùng bị thu hẹp lại bởi các cuộc sáp nhập, nhượng quyền, hiệp đồng và sự kiểm duyệt của các công ty), Không việc làm (các xu hướng như chỉ thuê lao động phổ thông, tạm thời, bán thời gian hay gia công bên ngoài, khiến cơ hội có việc làm ổn định trở nên mong manh), và cuối cùng là Không logo (tìm kiếm giải pháp cho một hành tinh đang “bị bán”).