Vietjet Air đưa ra 5 lý do phản bác đề xuất áp giá sàn vé máy bay của Jetstar Pacific

02/04/2017 09:01 AM | Kinh doanh

Viejet Air cho rằng việc áp giá sàn vé máy bay sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá dịch vụ của các hãng hàng không trên các đường bay nội đia, điều đó cũng có nghĩa là hạn chế cơ hội tiếp cận phương tiện hàng không của 80 triệu dân Việt Nam.

Ngày 29/3, Vietjet Air đã có văn bản gửi Bộ GTVT góp ý về Dự thảo quyết định đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa.

Không nên áp giá trần để tôn trọng các nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh

Trong văn bản gửi về Bộ GTVT, Vietjet Air cho biết công ty tán thành chủ trương nâng mức giá trần hoặc bỏ quy định giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa.

Vietjet Air lập luận lĩnh vực vận chuyển hàng không đã không còn tình trạng độc quyền, thay vào đó là sự cạnh tranh gay gắt của các hãng. Điều này khiến cho giá cả dịch vụ được quy định bởi quan hệ cung cầu, quyền lựa chọn cuối cùng sẽ thuộc về phía khách hàng. Vai trò của nhà nước chỉ nên là quản lý, giám sát các dịch vụ thông qua các văn bản pháp luật tương ứng.

“Nhà nước không nên quy định giá trần để tôn trọng các nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp theo cơ ché thị trường”, Viejet Air cho hay.

Bên cạnh đó, Vietjet Air cũng cho rằng việc duy trì giá trần dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa trong 1 thời gian dài đã không còn phù hợp với thực tế khi các chi phí đầu vào đều có xu hướng tăng.

Vì vậy, việc tăng giá trần hoặc bỏ quy định về giá trần mà để cho các hãng hàng không tự quyết định giá vé của mình sẽ phản ánh trung thực hơn thực tế của thị trường, đồng thời tạo điều kiện để các hãng tự tính toán, cân đối nguồn thu, đảm bảo đủ bù đắp chi phí và có điều kiện nâng cấp dịch vụ phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.

Áp giá sàn : Hạn chế 80 triệu người dân tiếp cận hàng không

Cũng là hãng máy bay giá rẻ nhưng quan điểm của Vietjet Air ngược hẳn với Jetstar Pacific khi kiến nghị Bộ GTVT không quy định giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa. Hãng máy bay này cũng đưa ra 5 luận điểm để bảo vệ ý kiến của mình (Jetstar Pacific cũng đưa ra 5 lý do để đề xuất việc áp dụng giá sàn cho vé máy bay hạng phổ thông).

Thứ nhất, theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật cạnh tranh năm 2014, hành vi “Thoả thuận ấn định giá hàng hoá, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp” được coi là một hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh. Khoản 2 Điều 9 Luật cạnh tranh quy định “Cấm các thoả thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại các khoản 1,2,3,4 và 5 Điều 8 của Luật này khi các bên tham gia thoả thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên”.

Mặc dù việc quy định giá đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa do cơ quan quản lý nhà nước, nhưng quy định này lại được áp dụng với tất cả các hãng hàng không.

Hiện nay các hãng hàng khônng của Việt Nam đều đang cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa, nên thị phần kết hợp của các hãng này chắc chắn vượt trên 30% thị phần liên quan.

Do vậy, Vietjet Air cho rằng việc quy định giá sàn dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa dù dưới hình thức nào cũng không phù hợp với quy định của Luật cạnh tranh năm 2014.

Thứ hai, Viejet Air cho biết việc áp dụng giá sàn ở đây cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế. Trên thế giới hiện không có hãng hàng không hay bất kỳ quốc gia nào còn quy định giá sàn dịch vụ vận chuyển hành khác.

“Nếu Việt Nam áp dụng quy định này sẽ đi ngược lại với thông lệ quốc tế và khiến cho ngành hàng không của Việt Nam gặp khó khăn trong quá trình hội nhập quốc tế”, hãng này cho hay.

Thứ 3, thống kê cho thấy số hành khách nội địa của các hãng hàng không hiện này vào khoảng 10 triệu lượt/năm, trong khi dân số Việt Nam là hơn 90 triệu người. Như vậy, vẫn còn hơn 80 triệu dân Việt Nam (90% dân số) chưa thể tiếp cận với dịch vụ hàng không mà nguyên nhân chủ yếu là do giá vé máy bay còn cao so với thu nhập của họ.

Việc quy định giá sàn trên các đường bay nội địa đồng nghĩa với việc triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá dịch vụ của các hãng hàng không trên các đường bay nội địa, điều đó cũng có nghĩa là hạn chế cơ hội tiếp cận phương tiện hàng không của hơn 80 triệu dân Việt Nam.

Thứ 4, hiện nay thị trường hàng không nội địa có sự tham gia của các hãng hàng không tư nhân giá rẻ với tỷ trọng ngày càng gia tăng. Việc quy định giá sàn sẽ hạn chế cơ hội cạnh tranh của các hãng hàng không giá rẻ thông qua việc giảm giá thành dịch vụ. Điều này đồng nghĩa với việc tạo sự cạnh tranh không bình đẳng của các hãng hàng không giá rẻ so với các hãng hàng không khác và làm méo mó thị trường hàng không tại Việt Nam.

Thứ 5, Vietjet Air cũng chỉ ra việc quy định giá sàn nếu được ban hành cũng khó khả thi do việc tính toán tiêu chí xây dựng giá sàn hiện nay còn chưa có sự thống nhất giữa các hãng hàng không.

“Có hãng tính trên đơn vị ghế/km, có hãng tính trên hiệu quả chuyến bay, đường bay và thậm chí hiệu quả khai thác trong 1 năm tài chính. Ngoài ra, các chủng loại tàu bay khác nhau, chi phí khai thác của các hãng cũng khác nhau nên mức giá sàn mà các hãng đưa ra chắc chắn sẽ khác nhau”, phía Vietjet Air cho biết.

Do đó, Vietjet Air cho rằng cần phải làm rõ hơn cơ sở pháp lý và thực tiễn của việc quy định giá sàn dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên đường bay nội địa. Đồng thời cần phải làm rõ mục đích của việc đưa ra quy định này cũng như đánh giá tác động của việc ban hành và áp dụng quy định này đối vợi sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam cũng như đối với nến kinh tế nói chung.

Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM