Việt Nam có thể là con hổ mới châu Á? Campuchia cũng vậy!

12/08/2016 10:50 AM | Kinh tế vĩ mô

Liệu vào thời điểm đó, Việt Nam có đủ khả năng như Trung Quốc - bứt phá lên khỏi bẫy thu nhập trung bình? Chỉ khi nào bứt phá được, chúng ta mới thực sự là con hổ mới của châu Á.

Tờ The Economist đánh giá nếu Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng 7% trong thập kỷ tới, đất nước sẽ đi theo quỹ đạo tăng trưởng giống như các “con hổ châu Á” Hàn Quốc và Đài Loan.

Đánh giá của Economist có lẽ cũng chính xác với cả Campuchia. Quốc gia này cũng đang có những bước chuyển mình rất nhanh.

Đầu tiên, cũng giống với Việt Nam, theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), kể từ năm 2001 đến nay, kinh tế Campuchia đều phát triển với tốc độ 7%/năm và điều này sẽ tiếp tục ít nhất đến năm 2017.

Nền kinh tế nông nghiệp của quốc gia này đang chuyển dịch dần sang công nghiệp và dịch vụ.

Trong năm 2015, ngành công nghiệp Campuchia có tốc độ tăng trưởng đến 11,7%, trở thành ngành đóng góp lớn nhất vào GDP của nước này. Tốc độ gia tăng xuất khẩu hàng hóa của Campuchia cũng rất cao, lên tới 17%, chủ yếu là xuất khẩu may mặc và giày dép với tỉ trọng lên tới 70%.

Trong khi đó, ở Việt Nam, báo Anh cũng nhận định rằng, kể từ năm 1990, Việt Nam luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP đầu người xấp xỉ 6% mỗi năm, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc. Nó đã giúp Việt Nam từ một quốc gia nghèo khó nhất thế giới đi lên thành quốc gia có mức thu nhập trung bình.

Thương mại cũng đã chiếm khoảng 150% tổng sản phẩm quốc nội. Nhiều công ty nước ngoài đã tìm đến Việt Nam để mở chi nhánh kinh doanh, và sản phẩm của họ chiếm 2/3 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ hai, về tình hình thu hút đầu tư, báo cáo của Hội đồng phát triển Campuchia (CDC) cho hay, chỉ tính riêng trong quý I/2016 số dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép ở Campuchia là 45, với 36 dự án về công nghiệp, tổng vốn FDI đạt 414 triệu USD. Nước có vốn đầu tư nhiều nhất vào Campuchia là Trung Quốc, tiếp theo là Nhật Bản.

Còn tại Việt Nam, năm 2015, vốn đầu tư nước ngoài đã đạt mức kỷ lục. Trong nửa đầu năm 2016, vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ dồn về đây, đạt 11,3 tỉ USD, tăng trưởng 105% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI trước đó cho thấy trong số các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) được khảo sát có đến 54% doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào Trung Quốc, Thái Lan, đặc biệt là Campuchia và Lào - đất nước trước đây chưa từng được coi là "đối thủ" cạnh tranh về vốn đầu tư FDI đối với Việt Nam.

Thứ ba, về chi phí và giá thuê nhân công, điều quan trọng nhất thu hút các nhà đầu tư dịch chuyển đến Việt Nam là do vị trí địa lý gần Trung Quốc.

Theo báo Anh, khi giá thuê nhân công tại Trung Quốc tăng lên theo thời gian, Việt Nam nhanh chóng thu hút được sự chú ý của các công ty đi tìm nguồn vốn giá rẻ, đặt biệt là các công ty đang có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc và cần liên kết các chuỗi cung ứng với nhau.

Cơ cấu dân số trẻ của Việt Nam cũng rất hấp dẫn. Trong khi tuổi trung bình của người Trung Quốc là 36, của Việt Nam chỉ là 30,7. Hiện tại, 7 trên 10 người Việt đang sống ở khu vực nông thôn. Việc nhiều lao động tại nông thôn sẽ giúp giá nhân công của Việt Nam rẻ hơn các quốc gia khác, đồng thời giúp chúng ta giải quyết vấn đề việc làm.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng chú trọng vào các hoạt động giáo dục, giúp thế hệ trẻ của Việt Nam được đào tạo bài bản, không thua gì nước ngoài.

Điều này rất quan trong để Việt Nam có thể tận dụng những cơ hội mới, khi nhân công cần phải có kiến thức, có số lượng lớn và hiểu được những mệnh lệnh phức tạp. Việt Nam đang làm rất tốt điều này, trong khi Thái Lan, Indonesia và Malaysia lại không đảm bảo được.

Còn Campuchia đã thực hiện đúng như mô hình tăng trưởng kinh tế theo kiểu "công xưởng châu Á", mô hình kinh tế dựa vào giá nhân công rẻ và tập trung xuất khẩu.

Khi giá lao động ở các nước trong khu vực như Việt Nam, Trung Quốc tăng lên, Campuchia sẽ là một thị trường mới để thu hút nhà đầu tư nước ngoài vì giá nhân công rẻ.

Báo cáo Phát triển châu Á 2016 của ADB cho biết: "Nguồn cung lớn của Campuchia là lao động giá rẻ, tay nghề thấp đã thu hút nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành sản xuất giày dép và may mặc xuất khẩu", nơi mà mức lương bình quân chỉ 140 USD/tháng.

Và không chỉ Campuchia, rất nhiều quốc gia khác cũng có bối cảnh tương tự. Như vậy, tiềm năng thì không chỉ Việt Nam có, quan trọng là chúng ta có bứt lên để biến tiềm năng thành thực tế hay không.

Nhìn chung, con đường của các quốc gia đang phát triển tại châu Á có những nét tương đồng nhau: Thu hút đầu tư, mở rộng thương mại, cơ cấu dân số trẻ và nhân công giá rẻ, muốn thay thế Trung Quốc trong vai trò công xưởng của thế giới,...

Điểm quan trọng ở đây đó là theo thời gian, khi chi phí và giá nhân công tăng dần lên theo thời gian, dòng vốn tư bản sẽ bắt đầu rời bỏ khỏi quốc gia này để chuyển dịch dòng vốn sang những quốc gia, khu vực khác tiềm năng hơn.

Liệu vào thời điểm đó, Việt Nam có đủ khả năng như Trung Quốc - bứt phá lên khỏi bẫy thu nhập trung bình? Chỉ khi nào bứt phá được, chúng ta mới thực sự là con hổ mới của châu Á.

Tuy nhiên, điều đó thật chẳng dễ dàng gì, khi thế giới đã chứng kiến nhiều quốc gia thát bại. Vấn đề bây giờ là làm thế nào để Việt Nam thực hiện tốt mô hình phát triển của mình, vượt lên các con hổ tiềm năng khác?

Trong khi đó, trái ngược với nhận định tích cực của báo Anh, nhiều tổ chức quốc tế cho rằng Việt Nam đang đối diện với nguy cơ "già trước khi giàu". Hiện tượng già hóa nhanh chắc chắn sẽ tạo gánh nặng lên ngân sách nên Việt Nam cần có những giải pháp đối phó phù hợp.

“Chúng ta phải cố gắng rất nhiều để rút ngắn khoảng cách với thế giới. Phát triển tốc độ cao hơn còn là yêu cầu cấp bách để đối phó với nguy cơ “chưa giàu đã già”, khi giai đoạn dân số vàng sẽ chấm dứt trong khoảng 10 năm tới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh.

Từ lời khen đến khi trở thành một con hổ thực thụ là đoạn đường rất xa. Nhưng thời gian thì lại không còn nhiều nữa. Trong cơ hội cũng tiềm ẩn rủi ro lớn. Đó là nếu không thể bứt qua để trở thành quốc gia phát triển trong thập kỷ tới, Việt Nam sẽ mãi nằm lại ở mức thu nhập trung bình và nhận "trái đắng" như những gì nền kinh tế Indonesia,Brazil đã gặp phải.

Dư Hoài

Cùng chuyên mục
XEM