Việt Nam có rau hữu cơ sạch, thịt sạch, nhưng đa phần đều mang đi xuất khẩu
Các chuyên gia và doanh nghiệp nhận định rằng Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp hữu cơ (hay còn gọi là organic) với các sản phẩm rau, thịt sạch không dùng thuốc trừ sâu và chất tạo nạc nhưng do rào cản về cơ chế chính sách cũng như thói quen tiêu dùng nên hiện nay sản phẩm organic đa phần không được tiêu thụ nội địa mà chủ yếu để xuất khẩu.
Đây là ý kiến tại hội thảo “Nhận diện sản phẩm nông nghiệp organic Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Viện kinh tế Nông nghiệp hữu cơ (VOAEI) tổ chức ngày 12/5 tại TPHCM.
Theo VOAEI, Việt Nam hiện đang đương đầu với những thách thức lớn do tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng và hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm.
Chưa kể, tình trạng ô nhiễm môi trường sống đang có những tác động xấu đến chất lượng thực phẩm, đến sức khỏe, sự an toàn, niềm tin và cuộc sống người tiêu dùng. Vì thế, hiện nay người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tìm mua và ưu tiên sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo và có thương hiệu uy tín trên thị trường.
Trước tình thế đó, việc định hướng phát triển nền nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm cho thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu trong xu thế hội nhập thế giới là một yêu cầu tất yếu để đáp ứng hài hòa nhu cầu phát triển kinh tế, môi trường và xã hội.
Theo xu hướng đó, nông nghiệp organic được xem là một lĩnh vực mới nổi ở Việt Nam, nhưng hứa hẹn hiệu quả kinh doanh lớn hơn và cơ hội phát triển tốt hơn trong tương lai.
Trong hơn 10 năm qua, nhiều doanh nghiệp (DN) đi theo hướng nông nghiệp organic đã có nhiều sản phẩm hữu cơ được chứng nhận quốc tế từ rau củ, quả, tôm cá, gạo, trà, dầu dừa… Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm này xuất khẩu sang các nước Châu Âu, Châu Mỹ... chứ chưa có mặt nhiều ở thị phần nội địa. Vì sao vậy?
Dưới đây là một số lí do:
Thứ nhất: giá cao, kén khách
Giá thành các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thường khá cao so với sản phẩm thông thường cùng loại, rất kén người mua nên vẫn chưa được người tiêu dùng trong nước biết nhiều. Chỉ đến khi vấn đề thực phẩm bẩn, chất cấm được sử dụng trong chăn nuôi, trồng trọt, chế bến, sản xuất… được báo động, sản phẩm nông nghiệp organic mới bắt đầu được người tiêu dùng tìm đến.
Ông Nguyễn Bá Hùng – Giám đốc Công ty TNHH Organik Đà Lạt cho biết, khi nguồn thực phẩm trong nước còn nhiều hạn chế về chất lượng, nhu cầu sử dụng sản phẩm rau hữu cơ (organic) ngày càng tăng cao. Phương pháp sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ góp phần vào sản xuất sản phẩm rau quả không có dư lượng hóa học, đảm bảo sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường.
“Lượng đơn hàng xuất khẩu rất lớn, có doanh nghiệp đặt chúng tôi 8 container ngò gai hữu cơ mỗi tuần để xuất khẩu vào Nhật Bản nhưng công ty không đủ hàng cung cấp. Doanh thu từ các sản phẩm rau chức năng đạt chuẩn organic như cà rốt baby, củ cải baby… cũng có thể đạt 500.000 – 1 triệu USD/ha”, ông Hùng thông tin.
Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu nông sản hữu cơ sang Đức, Công ty TNHH Hưng Thịnh (Tây Ninh) đã ký kết hợp tác với một đối tác nước ngoài, có văn phòng tại An Giang. Theo đó, nông trại rộng 1.500 ha của Hưng Thịnh sẽ được đầu tư nuôi cá và tôm đạt tiêu chuẩn organic để cung cấp cho thị trường Đức.
Hay như ông Võ Minh Khải – Giám đốc Công ty Viễn Phú (Cà Mau) cho biết, sắp tới đây sẽ có thêm 7 doanh nghiệp Nhật Bản đến hợp tác với Viễn Phú để phát triển các sản phẩm gạo, tôm, cá hữu cơ để cung cấp cho thị trường Nhật. Phía Nhật sẽ hỗ trợ cây, con giống chất lượng, quy trình kỹ thuật…
Thứ hai: quy mô sản xuất quá nhỏ
Dù nhu cầu thị trường rất lớn, nhưng theo ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ KHCN, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện còn khiêm tốn, chỉ mới đạt khoảng 23.000ha, chiếm 0,2% diện tích sản xuất nông nghiệp cả nước.
Thứ 3: Thiếu đơn vị kiểm nghiệm, thiếu quy hoạch và cơ chế hỗ trợ
Dù sản xuất hữu cơ đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư, tuy nhiên, hiện nay nước ta vẫn chưa có tổ chức nào cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ. Việc chứng nhận các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện nay phải phụ thuộc hoàn toàn vào các tổ chức nước ngoài như Control Union, IMO, JAS…
Tại hội thảo, nhiều DN tham gia sản xuất nông nghiệp oganic kiến nghị Nhà nước và Chính phủ cần đồng hành hơn với DN để ngành này phát triển mạnh. Cụ thể, cần có cơ chế chính sách rõ ràng trong hỗ trợ ưu đãi khi nông dân, DN tham gia nông nghiệp oganic như: nông dân canh tác hữu cơ sẽ được hưởng lợi gì về vay vốn ngân hàng (thời gian dài hơn và lãi suất thấp hơn) so với canh tác vô cơ. Tương tự, DN tham gia nông nghiệp hữu cơ được hưởng lợi gì, ưu đãi gì khi phân phối sản phẩm, vay vốn, xúc tiến thương mại…
Mặt khác, cần có sự quy hoạch cụ thể vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ để tránh sự ô nhiễm chéo của vùng sản xuất vô cơ. Bên cạnh đó, phải có sự phân biệt rõ thế nào là VietGab, Golbal Gap, Organic trong sản xuất và cấp giấy chứng nhận để người tiêu dùng nhận diện.
Xây dựng cơ chế thưởng, phạt rõ ràng trong sản xuất hữu cơ và vô cơ nhằm tạo động lực cho người nông dân, DN tham gia mô hình sản xuất nông nghiệp oganic. Có như vậy, việc sản xuất nông nghiệp từ vô cơ sẽ chuyển dịch dần so mô hình nông nghiệp hữu cơ, tạo được sự cạnh tranh khi hội nhập.