Thị trường thực phẩm hữu cơ: Ma trận Organic Foods
Trước sự du nhập ngày càng nhiều sản phẩm Organic Foods từ Mỹ, Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản,... liệu doanh nghiệp Việt Nam có giành được chỗ đứng ở "sân nhà"?
Theo đó, các mô hình kinh doanh loại sản phẩm này (từ bán hàng online, đến đầu tư cửa hàng trực tiếp) xuất hiện ngày càng nhiều ở các thành phố lớn, đặc biệt là tại TP.HCM và TP. Hà Nội. Hệ thống bán lẻ hiện đại như cửa hàng tiện lợi, siêu thị, đại siêu thị cũng xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm organic foods, song phần lớn lại là hàng nhập khẩu.
Được biết, rau, củ, quả hữu cơ, thực phẩm hữu cơ là những khái niệm mới về thực phẩm xanh, sạch, tốt cho sức khoẻ, bắt đầu tìm được “đất sống” khi hàng loạt thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng được phanh phui trong những năm gần đây.
Cùng với sự phát triển nhanh của lĩnh vực này, cũng không ít loại thực phẩm “đội lốt” hữu cơ được bày bán trên thị trường đã tạo nên một ma trận thực phẩm đánh đố người tiêu dùng (NTD).
Lâu nay, khi nói đến thực phẩm Organic, nhiều người nghĩ ngay đến rau, củ, quả tươi sống. Nhưng hiện nay, nhiều mặt hàng đóng gói như gia vị, thực phẩm khô (ngũ cốc, bánh mỳ, các loại hạt...), thức uống (sữa, trà, cà phê, ca cao...), thực phẩm bổ sung (mật ong, thực phẩm chức năng...), mỹ phẩm (chăm sóc cơ thể, chăm sóc em bé, chăm sóc nhà...) cũng “hữu cơ” hóa, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của NTD dùng.
Song điều đáng nói, dù có thế mạnh về nông nghiệp, sản phẩm chuẩn Organic “made in Vietnam” không có bao nhiêu.
Thống kê sơ bộ của một tạp chí về tiếp thị, hiện nay cả TP.HCM và Hà Nội, cửa hàng kinh doanh thực phẩm Organic bài bản chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Song phần lớn sản phẩm đóng gói đều được nhập khẩu, kể cả rau, củ, quả.
Liệu đây có phải là “vùng đất hứa” cho phân khúc này phát triển tại Việt Nam?
Theo ông Bùi Thanh Giang, Phó giám đốc Công ty CP Sữa Mỹ, đơn vị đang phân phối sữa Mỹ với chất lượng khoảng 70% Organic, hiện nay, các loại sữa nói riêng và thực phẩm Organic nói chung thì Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu về số lượng.
“Song qua quá trình tìm nguồn hàng sạch, tốt cho sức khoẻ với chất lượng khoảng 70% Organic trở lên từ thị trường Mỹ, chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp (DN) sản xuất thực phẩm Organic Mỹ vẫn chưa mặn mòi với thị trường Việt Nam, dù Việt Nam đang có gần 100 triệu dân và đang được xem là “vùng đất hứa” của nhiều DN khối ngoại”, ông nói.
Lý giải thêm về điều này, ông Giang cho hay, hiện nay việc kinh doanh thực phẩm Organic không hề đơn giản. Nếu DN chỉ là nhà nhập khẩu và phân phối tại thị trường Việt Nam thì phải mất ít nhất từ 2 đến 3 năm đầu chịu lỗ để tìm thị trường, song vẫn chưa có gì chắc chắn sau thời gian này sẽ có lãi.
Lợi nhuận đối với các mặt hàng Organic nhập khẩu, đơn cử như sữa mà Công ty CP Sữa Mỹ đang kinh doanh chỉ dao động từ 7% - 10%.
Hầu hết sản phẩm mà DN nhập khẩu và chỉ dùng trong việc kiểm tra hiệu ứng thị trường từ NTD cũng phải mất tối thiểu 150.000USD - 200.000USD một lô hàng (tương đương 3,3 - 4,4 tỷ đồng).
Đây được xem là khoản tiền DN phải chịu vì khi đưa hàng vào siêu thị hay cửa hàng tiện lợi, đại lý, DN đều phải cho gối đầu, trong khi nhập khẩu thì phải thanh toán đủ 100% cho nhà cung ứng ở Mỹ.
“Nhu cầu thực phẩm sạch là rất lớn, nhưng DN hay các nhà đầu tư (NĐT) muốn lấn sân ở lĩnh vực này, bắt buộc kinh doanh ít nhất từ bốn mặt hàng trở lên, đồng phải chấp nhận “chạy đường dài”, vì không thể có chuyện “ăn xổi ở thì” với việc kinh doanh thực phẩm Organic được”, ông Giang, khuyến cáo.
Là cổ đông của Công ty Liên doanh Orana Việt Nam, DN có thế mạnh và đang chiếm thị phần lớn trong phân khúc cung ứng trái cây được sử dụng cho một số loại sữa, nước giải khát, bánh, kem, nước trái cây thanh trùng tại Việt Nam và các nước trên thế giới, ông Nguyễn Hữu Chung, phân tích, việc tạo nên một sản phẩm Organic về mặt kỹ thuật là không khó, và càng dễ hơn khi Việt Nam là nước có thế mạnh về nông nghiệp và các loại trái cây nhiệt đới.
Song, vấn đề đáng nói là NĐT có chấp nhận được hay không. Bởi đối với một nông sản sạch về cơ bản được tạm hiểu là sản phẩm không có phân bón hoá học, không có thuốc trừ sâu nên năng suất thấp, giá bán vì thế sẽ bị đội lên cao.
“Không phải riêng thị trường Việt Nam mà tại Mỹ, quốc gia có thế mạnh về sản phẩm Organic, sản phẩm hữu cơ cũng có giá không hề rẻ”, ông Chung cho hay.
Do vậy, trước vấn đề làm sao để DN Việt Nam có thể cạnh tranh ở lĩnh vực này, chứ không hẳn chỉ trở thành nhà phân phối các mặt hàng Organic mà từ các loại gia vị như gừng, nghệ, cà ri đến lá nguyệt quế sấy khô, lá hương thảo sấy khô đều phải nhập khẩu, ông Chung cho rằng, để làm được điều này, Chính phủ phải đồng hành cùng DN, mà trước hết cả DN và Chính phủ phải làm cho NTD Việt Nam tin ở chất lượng hàng Việt, sau đó mới nói đến yếu tố “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.
“Việt Nam có thị trường, có lực lượng lao động đông, chi phí nhân công rẻ, có nền tảng về nông nghiệp, vậy tại sao lại không làm được thực phẩm Organic với giá tốt để cạnh tranh ngay tại sân nhà?”, ông Chung nói.