Nơi nào nguy hiểm nhất đối với các nhà báo?
Trong số 61 nhà báo thiệt mạng trong năm 2014, 17 người đã làm việc tại Syria. Các nước tiếp theo danh sách trên là Ukraine và Iraq, với 5 nhà báo bị sát hại tại mỗi nước.
Nội dung nổi bật:
- Thống kê cho thấy, Syria đang là nơi nguy hiểm nhất với các nhà báo, còn hơn cả Iraq thời kỳ xung đột đỉnh điểm.
- So với chiến tranh thế giới thứ nhất, tỉ lệ nhà báo tử vong đã tăng đột biến. Một phần nguyên nhân đến từ việc các nhà báo ngày càng "liều" hơn.
- Đối với các nhà báo hoạt động trong khu vực ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ Syria, không có nơi nào an toàn, không có sự bình lặng và yên ổn để họ có thể lơi lỏng cảnh giác một chút và thư giãn. Họ còn phải đối mặt với nguy cơ bị bắt cóc, một hình thức khá mới mẻ mới xuất hiện tại Syria.
Theo thống kê của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), Syria là nơi nguy hiểm nhất đối với các nhà báo. Trong số 61 nhà báo thiệt mạng trong năm 2014, 17 người đã làm việc tại Syria. Các nước tiếp theo danh sách trên là Ukraine và Iraq, với 5 nhà báo bị sát hại tại mỗi nước.
Các nhà báo phương Tây tác nghiệp tại Syria chắc chắn căng thẳng hơn nhiều so với tác nghiệp ở những khu vực xung đột khác. Syria ngày nay nguy hiểm hơn cả Iraq vào thời kỳ xung đột lên đến đỉnh điểm.
Năm 2014 là tròn 100 năm ngày nổ ra Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, cuộc chiến kéo dài hơn 4 năm và khiến hơn 7 triệu binh sỹ thiệt mạng. Trong cuộc chiến đẫm máu này, hai nhà báo chiến trường đã tử vong.
Nhà báo Philip Gibbs của The Daily Chronicle đã được phong tước hiệp sỹ nhờ bài báo của mình và những gì ông viết về trận Somme – một trong những trận đánh lớn nhất của Thế chiến I vẫn là cơ sở để biết đến tai họa này.
Khoảng 90 năm sau, khi cuộc chiến tại Iraq nổ ra vào năm 2003, trong 3 tháng đầu tiên cuộc chiến đơn phương này, đã có 16 nhà báo phương Tây thiệt mạng.
Bức ảnh chụp nhà báo James Foley, người mới bị IS hành quyết năm 2014, khi ông đang tác nghiệp ở Aleppo, Syria vào tháng 9/2012. (Nguồn: AP)
Tỷ lệ tử vong đột biến này do nhiều yếu tố gây ra, trong đó phải kể đến việc các nhà báo ngày càng "liều" hơn. Trước đây, nhà báo Philip Gibbs không ở trong chiến hào vào ngày mở màn trận Somme, ngày 1/7/1916.
Thay vào đó, ông quan sát trận chiến từ một nơi an toàn hơn. Tại Iraq, các nhà báo không dè dặt như vậy. Một số nhà báo tham gia cùng các đoàn kỵ binh vượt qua sa mạc để đến Baghdad, một số khác không thuộc biên chế quân đội lại là những người tiên phong. Nhờ vậy, các nhà báo cho ra đời các phóng sự ấn tượng, nhưng đồng thời, điều này cũng khiến họ dễ gặp nguy hiểm hơn.
Một nhân tố khác dẫn đến việc nhiều nhà báo thiệt mạng, đó là hiện nay, các nhà báo đứng giữa lằn ranh của quân đội chính phủ và quân nổi dậy. Việc bắt cóc và chặt đầu nhà báo Mỹ gốc Do Thái Daniel Pearl của Tạp chí phố Wall năm 2002 đã phát đi thông điệp này.
Ông bị sát hại bởi việc ông là ai, một người Mỹ hay một người Do Thái. Sự kiện này đã báo hiệu vai trò của nhà báo trên tuyến đầu của xung đột đã thay đổi - họ cũng trở thành mục tiêu.
Vụ sát hại 11 nhà báo làm việc cho tạp chí châm biếm Charlie Hebdo ở Paris trong tháng 1 vừa qua lại là một bước nữa trong mối đe dọa ngày càng leo thang. Trước đó, sự nguy hiểm từ những kẻ cực đoan Hồi giáo chỉ giới hạn chủ yếu ở các nước đang bị tàn phá bởi mâu thuẫn nội bộ, thì nay, vụ tấn công đã xảy ra tại một thủ đô lớn của châu Âu.
Vụ tấn công khủng bố 11/9 tại Mỹ và các vụ đánh bom ở thủ đô London của Anh và Madrid của Tây Ban Nha đã cho thấy tầm vươn xa của khủng bố, nhưng các cuộc tấn công này không chủ yếu nhằm vào các nhà báo. Tuy nhiên, đến vụ Charlie Hebdo thì điều đó đã thay đổi.
Bối cảnh có tác động thế nào đến nhà báo? Khi đối mặt với các mối đe dọa thực tế thì đó là lúc kiểm tra bản lĩnh, khả năng phục hồi tâm lý của mỗi người. Trong hơn 15 năm qua, Anthony Feinstein - giáo sư về tâm thần học tại Đại học Toronto, đồng thời làm việc tại Trung tâm Khoa học Y tế Sunnybrook, rất chú trọng nghiên cứu vấn đề này.
Ông đã thu thập dữ liệu về phản ứng của các nhà báo và cách họ viết về nạn diệt chủng ở Rwanda, nội chiến kéo dài ở khu vực Balkan, vụ tấn công 9/11, cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan và vấn đề bạo lực ở Mexico.
Các dữ liệu của ông cho thấy rằng phần lớn các nhà báo bản lĩnh và vững vàng trước nghịch cảnh. Họ không chịu thua sau những chấn thương cũng như sự căng thẳng, lo âu mình gặp phải. Tuy nhiên, một số lượng nhỏ hơn, ước tính khoảng 20% số nhà báo được hỏi, lại thua cuộc.
Thống kê cho thấy mức độ ảnh hưởng tâm lý vì nội chiến ở Serbia, Croatia và Bosnia và các cuộc xâm lược của Iraq và Afghanistan khá tương đương nhau. Tần suất mà các nhà báo mắc các triệu chứng trầm cảm và rối loạn tâm lý do di chứng của các xung đột này rất ít dao động.
Trong thập kỷ này, các nghiên cứu nhắm đến nội chiến ở Syria – cuộc xung đột dẫn đến chia cắt đất nước, tàn phá các khu rừng và biến các thành phố thành đống đổ nát, giết chết hơn 200.000 người.
Không chỉ ngày càng nhiều nhà báo bị sát hại tại Syria, mà tâm lý của họ cũng bị ảnh hưởng. Bằng chứng là, nghiên cứu cho thấy các số liệu thu thập được ở Syria khác với các cuộc xung đột trước đó. Khi so sánh với những kết quả thu thập từ cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ hai (Iraq năm 2003), các nhà báo phương Tây tác nghiệp tại Syria gồm nhiều phụ nữ và nhà báo tự do hơn.
Nhiều người trong số họ còn độc thân. Họ gặp phải triệu chứng trầm cảm thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Đáng chú ý là ở đây, sự trầm cảm không chỉ phản ánh cảm giác buồn bã và chán nản, mà còn là cảm giác bất lực và vô dụng.
Điều gì gây ra tâm trạng này? Có rất nhiều nguyên nhân, chẳng hạn, tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm thường cao hơn nam giới. Thêm vào đó, một cuộc hôn nhân hạnh phúc được cho là cách bảo vệ sức khỏe tinh thần. Cũng có thể các nhà báo tự do, những người mà không có tổ chức nào đứng sau, dễ bị tổn thương hơn trước những biến động khó lường của chiến sự.
Tuy nhiên, các nguyên nhân trên không phải là câu trả lời thỏa đáng giải thích cho câu hỏi vì sao nhà báo từng tác nghiệp ở Syria lại bị chấn động tâm lý nặng nề hơn. Chúng ta phải nhìn vào bản chất của xung đột.
Đối với các nhà báo hoạt động trong khu vực ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ Syria, không có nơi nào an toàn, không có sự bình lặng và yên ổn để họ có thể lơi lỏng cảnh giác một chút và thư giãn. Ngay cả ở Iraq, vào thời điểm xung đột lên đến đỉnh điểm, vẫn có các văn phòng cho nhà báo, nơi họ có thể cởi bỏ chiếc áo khoác ngoài, gác chân lên ghế và thoát khỏi ám ảnh về cuộc chiến trong chốc lát. Nhiều hãng tin cũng sẵn sàng chi bộn tiền để tạo ra nơi trú ẩn an toàn cho các nhân viên của họ. Ở Syria không có được những điều này.
Thêm vào đó, thách thức đặt ra với các nhà báo tác nghiệp ở Syria là việc bị bắt cóc. Việc bắt giữ các nhà báo để đòi tiền chuộc là một chiêu thức mới. Trong số các nhóm này, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng treo thưởng cho những cái đầu của các nhà báo. Số tiền thu được từ việc bắt cóc nhà báo khá lớn. Đây là mối đe dọa tương đối mới mẻ và dẫn đến cái chết của một số nhà báo, và nó bắt nguồn từ sự hỗn loạn tại Syria.
Cảnh chặt đầu nhà báo Nhật Kenji Goto. (Nguồn: YouTube)
Ngoài ra, sự tuyệt vọng nảy sinh từ việc chứng kiến các cuộc xung đột liên miên, tàn bạo mà không mang lại thay đổi. Các nhà báo, có thể sinh sống cùng những người dân địa phương, phải thường xuyên chứng kiến sự tàn phá, đau đớn mà những người xung quanh họ gặp phải. Cho dù những bài viết hay bức ảnh của họ có hay, có đẹp đến đâu thì việc giết chóc vẫn xảy ra. Các nhà báo, cả nam lẫn nữ, đều cảm thấy sự đau khổ của họ hoàn toàn không thấm tháp gì so với những tổn thất mà người dân Syria phải gánh chịu.
Cảm giác chán nản có thể sinh ra từ việc đi tìm những tâm hồn đau khổ, và những lời tự trách móc khi phải chứng kiến sự khổ cực của người khác mà không thể làm gì được. Cảm giác buồn khổ cứ liên tục như thế. Hình ảnh những người dân bị mất nhà cửa, đau khổ tột cùng khi người thân bị tra tấn và chết chóc luôn ám ảnh các nhà báo. Họ đơn độc, và cảm thấy bất lực.
Những điều trên cho thấy Syria hội tụ các yếu tố tác động tới cảm xúc tiêu cực của các nhà báo. Chiến tranh ở đâu cũng nguy hiểm, nhưng mối đe dọa ở Syria khá mới mẻ và tàn độc.
Các nhà báo tác nghiệp tại đây biết rõ những nguy hiểm đang rình rập mình. Với họ, lời tựa cuốn tiểu sử của nhà báo chiến trường Martha Gellhorn luôn đúng: “Sự can đảm của nhà báo sẽ không giúp họ an toàn và khỏe mạnh. Trách nhiệm đặt trên vai họ và trong những tổ chức đưa họ vào con đường nguy hiểm”.
Bài viết được thực hiện trên cơ sở tham khảo bài báo của giáo sư Anthony Feinstein thuộc Đại học Toronto, Canada đăng trên tờ The Globe and Mail.
The Globe and Mail, có trụ sở tại Toronto, là tờ báo nhà nước có lượng phát hành lớn nhất và là nhật báo lớn thứ hai ở Canada, sau Toronto Star. The Globe and Mail được xem là "tờ báo của kỷ lục" tại Canada.
>> Nghề nguy hiểm ở Hy Lạp: Thu thuế
Theo Nguyệt Ánh